Nơi đầu nguồn Bến Hải

Thứ bảy, 12/02/2022 18:05

Chúng tôi đến xã Vĩnh Ô (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị) với nhiều cảm xúc đan xen. Niềm hy vọng về xây dựng nông thôn mới đang đổi thay bản làng xen lẫn những thương yêu sẵn có dành cho đồng bào miền núi chất phác, thật thà nơi đây. Và mảnh đất đầu nguồn sông Bến Hải đã mang lại cho chúng tôi thêm nhiều ngạc nhiên, hào hứng.

Có 10 chiếc cầu mới được xây bắc qua sông Bến Hải nơi đầu nguồn xã Vĩnh Ô đã giúp cho người dân đi lại thuận lợi hơn.

Vĩnh Ô cách trung tâm huyện gần 50km, chỉ có một con đường độc đạo, nhiều dốc đèo từ TT Bến Quan hướng lên địa bàn này. Ngay từ đầu xã, đã bắt gặp con sông Bến Hải uốn lượn qua các bản, chia Vĩnh Ô thành hai phía bờ nam, bắc. Sau cơn lũ lịch sử năm 2020, bờ sông như dày thêm sỏi đá nhưng nước luôn trong, hiền hòa, dậy lên cảm giác bình yên đến lạ. Ở bên dòng sông, chúng tôi gặp Trung tá Đỗ Anh Tuấn- Trưởng CAX và Thiếu tá Trần Huy Hoàng- Phó Trưởng CAX Vĩnh Ô cùng CBCS vừa từ bản Xà Ninh ra sau buổi tuyên truyền pháp luật, vận động bà con giao nộp vật liệu nổ, vũ khí thô sơ và nâng cao ý thức phòng chống dịch COVID-19. Nhìn sự tất bật của các anh có thể hình dung chặng đường vào bản gập ghềnh, vất vả đến nhường nào. Nhưng đó là việc thường xuyên của CBCS. Hỏi han, chúng tôi tình cờ biết được Thiếu tá Hoàng sinh ra và lớn lên cũng bên dòng Bến Hải nhưng ở địa bàn H. Gio Linh, bờ nam cầu Hiền Lương. Chính vì thế, khi nhận công tác lên đầu nguồn dòng sông huyền thoại, Thiếu tá Hoàng mang theo nhiều tình cảm đặc biệt. “Xã có 372 hộ, hơn 1.400 khẩu, chủ yếu đồng bào Vân Kiều, đợt lũ năm 2020, nhiều nhà dân bị hư hỏng, có đến 15ha bị bồi lấp sạt lở nên đời sống bà con gặp khó khăn hơn. Nhưng tinh thần vượt khó của bà con khiến anh em chúng tôi thêm động lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ”, Thiếu tá Hoàng chia sẻ đầy tin tưởng. 

Sự minh chứng ấy còn được chúng tôi tìm hiểu từ chính thực tế tại địa bàn. Anh Hồ Văn Đàn - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, Vĩnh Ô có 7 thôn là Cây Tăm, Thúc, Xóm Mới, Lền, Xà Lời, Xà Ninh và Mít, bản xa nhất của xã, tiếp giáp địa bàn Hướng Lập (H. Hướng Hóa), đường đi rất khó khăn. Địa giới phía bắc của xã giáp với Kim Thủy (H. Lệ Thủy) rừng núi bạt ngàn. Anh Đàn trước khi làm Phó Chủ tịch UBND xã đã có thời gian dài gắn bó với lực lượng CAX, trong đó có vị trí Trưởng CAX. Chính vì thế, hơn ai hết anh là chỗ dựa tin cậy để CBCS CAX chính quy trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. 

Già Hồ Minh Lý ôn lại kỷ niệm chụp chung tấm hình có Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an.

Có thể nói, nhắc đến Vĩnh Ô, nhiều người đều liên tưởng đến hệ lụy tệ nạn ma túy do “vàng tặc” nhức nhối mấy năm về trước. Khoảng năm 2004, 2005, “vàng tặc” từ nhiều nơi phía Bắc đã băng rừng vào tận đầu nguồn Bến Hải tàn phá Vĩnh Ô, khoét hầm đào vàng. Dòng sông đục ngầu, trôi về xuôi mang theo ẩn ức. Đi cùng “vàng tặc” là tệ nạn ma túy bởi đa phần là đối tượng nghiện. Trước sự truy quét gắt gao của lực lượng Công an, “vàng tặc” tạm lánh rồi tìm cách trở lại dai dẳng. Do địa bàn hiểm trở, lại hoạt động lén lút nên một việc đương nhiên là “vàng tặc” phải thuê người dân bản địa để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm. Nỗi lo người dân không tránh khỏi cám dỗ, sa lầy ma túy như cơn ác mộng đeo đẳng. Nhưng qua tuyên truyền, kiên trì vận động, nhiều người đã dứt khoát với hoạt động làm thuê, tiếp tay cho “vàng tặc”. Năm 2017, “vàng tặc” được truy quét sạch khỏi Vĩnh Ô. Điều ngạc nhiên hơn, trong những người dân từng tiếp hàng, làm thuê cho các hầm vàng chưa có bất kỳ ai sa ngã trước những rủ rê, dụ dỗ sử dụng ma túy. “Tới thời điểm này, người dân Vĩnh Ô chưa từng có ai nghiện ma túy”, lời của Phó Chủ tịch xã khẳng định. “Trắng ma túy”, không đối tượng hình sự, người dân xã Vĩnh Ô cũng luôn hưởng ứng các cuộc phát động từ Phong trào toàn dân BVANTQ, không tiếp tay cho “lâm tặc”… Kết quả đáng tự hào đó có đóng góp của những già làng, người uy tín của bản. 

CAX cùng các lực lượng phối hợp đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Rẽ vào thôn Thúc, chúng tôi gặp gỡ già Hồ Minh Lý (72 tuổi), người uy tín của bản. Tranh thủ phút thảnh thơi sau ngày lên rẫy, già Lý lại lấy ra tấm ảnh kỷ niệm đoàn đại biểu từ Quảng Trị chụp chung với Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trong lần ra Hà Nội dự hội nghị. Với bà con xã Vĩnh Ô, gia đình già Lý không chỉ là tấm gương gia đình hiếu học mà còn là điểm tin cậy để bà con sẻ chia, tìm sự trợ giúp. Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Đàn cho biết, già Lý đã đóng góp không nhỏ trong xây dựng và triển khai các mô hình phòng chống tội phạm trên địa bàn. Già Lý tâm sự một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ nên luôn cố gắng hết mình để xây dựng quê hương. Già cũng rất tự hào bởi sự đồng lòng, đoàn kết của bà con bản Thúc đã khiến nơi đây là điểm sáng về ANTT. Đồng hành cùng già Lý là những người uy tín của các bản khác như chị Hồ Thị Chinh (thôn Mít), ông Hồ Văn Bòn (thôn Xà Lời), ông Hồ Văn Mến (thôn Xà Ninh), ông Hồ Văn Nam (thôn Lền), ông Hồ Vĩnh Thành (thôn Xóm Mới). Đến nay, Vĩnh Ô đã có nhiều mô hình phòng, chống tội phạm được các cấp trong tỉnh đánh giá cao như mô hình “Gia đình không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Thôn bản quyết tâm đảm bảo ANTT, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”, “Phát triển sản xuất đi đôi với đảm bảo ANTT”… Và khi dịch COVID-19 phức tạp, mỗi người dân cũng là pháo đài chống dịch, giúp các lực lượng chức năng thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, nắm chắc tình hình, giữ “xanh” địa bàn. 

Tết cận kề, niềm vui của người dân Vĩnh Ô được nhân lên thêm khi huyện đã quyết định dành thêm nhiều sự quan tâm, hỗ trợ sinh kế cho bà con phát triển kinh tế. Dẫu còn bộn bề khó khăn nhưng Vĩnh Ô đang khởi sắc thực sự về KT-XH, bởi từ sự bình yên, ANTT được đảm bảo trên những bản làng đang hiển hiện rõ. 

Như Hoa