Nỗi đau từ vụ khẩu súng săn cướp cò

Thứ ba, 12/12/2017 11:22

8 giờ ngày 28-8-2015, anh Y Brung Byă (1975, trú buôn Mnang Dơng, xã Yang Mao, H. Krông Bông, tỉnh Đắc Lắc) đang ở nhà thì Y Glê Sơao (1982, trú cùng địa phương) đến rủ đi săn. Ban đầu Y Brung từ chối, nhưng vì Y Glê thuyết phục mãi, nói đi vào rừng săn con thú về cải thiện, rồi bán cho người khác lấy tiền tiêu. Nghe một lúc bùi tai, anh Y Brung đồng ý nên họ cùng Y Oen Mdrang (1980, trú buôn Mnang Dơng) mang súng kíp tự chế và lương thực vào Vườn Quốc gia Chư Yang Sin để săn thú.

Vợ con Y Glê côi cút.

Đến 12 giờ, trong lúc đang săn thú, nhóm thấy lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin đi tuần tra nên vội giấu súng vào một bụi rậm, giả vờ vào vai những người đi kiếm củi. Đợi sau khi lực lượng kiểm lâm đã đi xa, 3 người quay lại lấy súng để tiếp tục đi săn. Anh Y Oen vào bụi rậm lấy súng, không may cò súng vướng vào dây leo gây nổ, đạn bay vào người khiến anh Y Oen chết tại chỗ. Y Glê và Y Brung liền vứt súng lại rồi khiêng nạn nhân về một chòi canh rẫy của người dân gần đó. Hoảng loạn và sợ bị phát hiện, hai người sang chòi rẫy của Y Glê cách đó 300m ngồi bàn bạc. Vừa vi phạm pháp luật về việc sử dụng vũ khí trái phép, vừa vi phạm luật cấm săn bắt động vật trái phép và dù không hiểu luật quy định về hình phạt như thế nào, nhưng khi cây súng lỡ cướp cò, cướp đi mạng sống của người hàng xóm thì Y Glê đã rất sợ hãi. Tại chòi rẫy của gia đình mình, Y Glê lấy rượu ra rủ Y Brung uống và nói: “Bây giờ mày về thì mày vào tù. Mày có chịu uống với tao không?”. Sau đó Y Glê cùng Y Brung quyết định uống thuốc cỏ tự tử. Trước khi chết, Y Glê điện về thông báo với vợ là chị H’nhir Mdrang. Nhận điện thoại của chồng, chị H’nhir Mdrang vội vã lên rẫy tìm và phát hiện hai người nằm gục trong chòi canh, mê man bất tỉnh. Qúa hốt hoảng, chị H’nhir Mdrang vội gọi điện về nhờ mọi người lên rẫy đưa hai người về. Nhưng vì uống quá nhiều thuốc diệt cỏ, thời gian uống đã xảy ra từ lâu nên anh Y Glê chết trên đường đi đến bệnh viện, còn Y Brung thì được súc ruột, sau đó gia đình đưa về. Chúng tôi tìm về gia đình anh Y Brung thì hay tin anh cũng đã ra đi không lâu sau đó. Chị H’lap Êban (1972) vợ Y Brung, nước mắt lưng tròng, nói tiếng phổ thông chưa sõi: “Chồng mất rồi. Rửa cái ruột về tưởng sống, ai biết đâu hơn một tuần thì chết. Bỏ lại mình tôi!”.

Vợ YBrung đau yếu bệnh tật.

Mnang Dơng là một trong những buôn còn khó khăn và dân trí chưa cao do nằm ở vùng sâu vùng xa, ít được tiếp xúc với những tiến bộ của cuộc sống hiện đại. Người dân nơi đây sinh sống chủ yếu bằng việc phát nương làm rẫy trồng sắn nên điều kiện sống còn nhiều thiếu thốn. Những gia đình đông con, nhiều người lao động có đỡ phần nào, còn như gia đình các anh Y Glê, Y Oen, Y Brung thì từ khi mất đi người đàn ông trụ cột, sức lao động chính, gia cảnh vốn đã khó khăn nay còn khó khăn hơn…

Mới ngoại tứ tuần nhưng chị H’lap Êban đã lên chức bà và sức khỏe cũng tụt dốc theo cái chức bà sớm ấy. Nhìn dáng lom khom, khuôn mặt sạm đen, gầy guộc hằn lên những nếp nhăn khắc khổ, người ta nghĩ chị cũng phải lục tuần. Bệnh tật hành hạ trong khi chẳng tiền thuốc men đã khiến chị thành ra như thế. Chị và anh Y Brung ăn ở với nhau được 3 mụn con thì hai người con lớn đã lập gia đình và có cuộc sống riêng, cuộc sống cũng còn nhiều chật vật, không giúp đỡ được gì cho cha mẹ. Anh chị chỉ còn dành sức nuôi người con gái cũng không còn nhỏ dại gì, và nuôi chính bản thân mình bằng mấy sào mì. Cuộc sống có lẽ cứ thế êm đềm trôi qua nếu như không xảy ra vụ việc đau lòng hôm ấy. Cây súng vô tình cướp đi mạng sống của anh Y Oen. Nỗi sợ hãi vì sự thiếu hiểu biết về pháp luật, sợ phải “đi tù” đã cướp đi mạng sống của chồng chị, anh Y Brung, để người vợ yếu đuối lại một mình với bao khó khăn chồng chất.

Cách đó không xa, ngôi nhà của anh Y Glê, người rủ Y Oen và Y Brung vào rừng đi săn trái phép, còn khó khăn gấp nhiều lần. Trong khu đất nằm bên vạt đồi nghiêng nghiêng, chị H’nhir Mdrang vừa lo cho heo gà ăn, vừa tranh thủ tỉa ít hạt bắp và trông chừng đứa con trai nhỏ bên cạnh. Tất bật đến nỗi chẳng có thời gian ngẩng mặt lên nhìn những người khách mới tới. Chỉ đến khi trưởng buôn Ama Hin lên tiếng, chị mới vội lau bàn tay vào vạt áo rồi mời khách vào trong nhà. Trong nhà không bàn không ghế, chị cầm cái chổi quét sơ qua rồi mời khách ngồi. Đứa con nhỏ thấy người lạ sợ cứ ôm ghì lấy mẹ mà khóc. “Từ ngày chồng chết nó buồn lắm, lao vào làm như con trâu. Mùa thì lên rẫy trỉa bắp, trồng mì. Xong gửi con cho mẹ, đi ra chợ Cư Drăm làm thuê. Làm thế mà chẳng thấy tiền đâu. Con lớn đi học, thằng nhỏ thì đấy. Lại sinh tật uống rượu. Bận thì thôi, rảnh là nó uống rượu. Uống say mèm rồi ngồi khóc một mình…” - Trưởng buôn Ama Hin ngồi bên cạnh phân trần.

Ai trong hoàn cảnh đó cũng hiểu được nỗi đau mà chị phải mang. Suy nghĩ nông cạn nhất thời của người chồng đã khiến gánh nặng gia đình đè hết lên vai chị. Ở nơi mà người dân sống theo chế độ mẫu hệ, việc cưới chồng về cũng như thêm một “con trâu”. Việc nặng nhọc đều do người đàn ông gánh vác là chính. Người đàn bà ở nhà chăm con, làm việc nhà lặt vặt. Như hoàn cảnh chị H’nhir, muốn “bắt” người chồng nữa để san sẻ gánh nặng cũng không được. Tuổi xuân đã đi qua với hai nách con thơ. Cũng chẳng lấy đâu ra tiền để “bắt” chồng.

Đáng buồn nhất trong vụ việc kể trên là hoàn cảnh của anh Y Oen. Anh là người trong buôn Mnang Dơng nhưng lấy vợ ở xa. Từ ngày anh mất đi thì gia đình cũng chẳng còn giữ liên lạc được với vợ con anh ở xa. Chị H’Bin Mdang (em gái Y Oen) tâm sự: “Nó chết rồi vợ con cũng bỏ luôn. Nó chết chẳng có ai cúng cơm cả…”.

Rời Mnang Dơng, câu chuyện buồn của khẩu súng săn cướp cò cứ ám ảnh chúng tôi mãi.

M.NGỌC - M.QUANG