Nơi để sống và cống hiến
(Cadn.com.vn) - Bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Ngành Na-no tại Pháp ở tuổi 26, Võ Văn Chi trở thành người trẻ tuổi nhất tại Đà Nẵng có học vị tiến sĩ trong ngành vật liệu tiên tiến này. Sau 2 tháng làm việc tại BQL Khu Công nghệ cao của TP Đà Nẵng, Chi tâm sự: “Theo tôi, Đà Nẵng mới là nơi đáng sống và cống hiến hơn Grenoble”.
P.V: Anh có so sánh gì về nhịp điệu sống của Đà Nẵng với Grenoble (Pháp). Những kỳ vọng của anh đối với sự phát triển của thành phố?
TS Võ Văn Chi: Nhịp sống bên Pháp có rất nhiều khác biệt với Việt Nam, do các yếu tố như khí hậu và sự phát triển. Tuy rằng ở đấy các dịch vụ y tế, văn hóa, khoa học... rất phát triển nhưng không khí lại có vẻ trầm lắng, yên tĩnh hơn Việt Nam. Trái lại, khi ở Đà Nẵng, hễ ngày mới bắt đầu là có vô số tiếng động ùa vào tai, cảm giác cuộc sống rất sống động và vui tươi. Không khí ấy thôi thúc chúng ta làm việc và phải chạy đua với thời gian. Vì thế, theo tôi Đà Nẵng mới là nơi năng động, tràn đầy nội lực phát triển và đáng sống hơn Grenoble.
Tôi tin rằng, với sự năng động của một thành phố đáng sống, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng để tiếp tục vươn lên trong tương lai, phát triển bền vững hơn. Từ đó, bản thân tôi cũng có cơ hội để đóng góp nhiều hơn trong sự phát triển ấy.
Võ Văn Chi (ngoài cùng, bên trái) tham gia một buổi làm việc, nghiên cứu với đồng nghiệp. |
P.V: Mức độ ứng dụng của công nghệ Nano trong công việc hiện tại của anh như thế nào?
TS Võ Văn Chi: Hiện tại, tôi đang công tác tại BQL Khu công nghệ cao Đà Nẵng với vai trò là người thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Đối với một khu công nghệ cao thì lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, công nghệ na-no là một hướng phát triển mũi nhọn. Chính vì vậy, từ lúc chọn lựa công việc, tôi nghĩ rằng, công việc tại BQL này là phù hợp nhất trong bối cảnh chung về tình hình phát triển công nghệ na-no tại Việt Nam.
Tôi cũng cho rằng, người làm khoa học công nghệ đều có chung mong muốn nền khoa học và công nghệ ngày càng phát triển không chỉ có nhà nghiên cứu mà còn là nhà quản lý nhà nước về khoa học công nghệ. Do đó nhà quản lý cũng cần một nền tảng kiến thức vững chắc về khoa học và công nghệ. Từ khi còn ở bên Pháp, bản thân tôi đã định hướng con đường đi của mình là về Khu công nghệ cao nên đã chủ động học tập và nghiên cứu theo chiều rộng thay vì đi theo chiều sâu theo hướng nghiên cứu. Hơn nữa hiện tại, công việc tôi đang làm cũng có hàm lượng chuyên môn cao về lĩnh vực Vật liệu mới.
P.V: Ngoài việc hiện tại, anh có dự định làm thêm công việc gì mới không?
TS Võ Văn Chi: Tôi mới bắt đầu một giai đoạn phát huy kiến thức đã được học nên cũng cần học hỏi thêm về kinh nghiệm làm việc. Bên cạnh đó, ngoài việc tiếp tục cập nhật kiến thức về khoa học công nghệ, tôi có kế hoạch học tập thêm về lĩnh vực kinh tế, có thể tự học hoặc theo học một lớp đào tạo về Cao học. Đã có học vị TS không có nghĩa là mình đã có đầy đủ kiến thức, mà để làm tốt công việc của mình thì cần học hỏi thêm nhiều hơn nữa, để bổ sung những kiến thức cần thiết mà công việc đòi hỏi. Với tôi, tranh thủ học thêm thật nhiều trong giai đoạn còn trẻ này là điều khá quan trọng đối với mỗi người.
P.V: Anh dự đoán như thế nào về tương lai của ngành Nano tại Việt Nam?
TS Võ Văn Chi: Đây thực sự là một câu hỏi hay mà bản thân tôi cũng đang đi tìm câu trả lời. Có thể nói rằng, trên toàn thế giới công nghệ na-no vẫn đang trong giai đoạn phát triển và còn tiềm năng, cần khoảng 10-15 năm nữa mới thực sự đi vào giai đoạn ứng dụng, là giai đoạn đem lại giá trị lợi nhuận to lớn. Như vậy, mảnh đất na-no màu mỡ vẫn đang còn mở rộng với nhiều quốc gia cùng khai phá, trong đó có Việt Nam.
Tuy có đi sau về lĩnh vực này nhưng đó có thể lại là lợi thế của chúng ta tham gia vào chuỗi ứng dụng công nghệ na-no của thế giới. Theo tôi biết, hiện có nhiều người Việt Nam đang học tập và nghiên cứu về công nghệ na-no tại những nước phát triển chẳng hạn như Pháp, Hàn Quốc, Úc ... Những nước này họ có tiềm lực về kinh tế nên xây dựng những cơ sở vật chất nghiên cứu hiện đại. điều họ cần chính là người tham gia nghiên cứu, trong đó có những người đến từ Việt Nam. Như vậy, thay vì đầu tư những cơ sở nghiên cứu cần nguồn vốn rất lớn, chúng ta có người đi nước ngoài học tập, nghiên cứu tận dụng những điều kiện của họ thì chúng ta sẽ có được một đội ngũ nhà nghiên cứu, chuyên gia có trình độ chuyên môn mà tiết kiệm rất nhiều chi phí. Với một đội ngũ này, chúng ta hoàn toàn có thể nắm bắt và phát triển na-no trong giai đoạn ứng dụng. Câu trả lời sẽ có qua kết quả thực tế trong 10-15 năm nữa. Theo dự đoán của cá nhân tôi, trong tương lai Khu công nghệ cao Đà Nẵng cũng có tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực công nghệ vật liệu mới, công nghệ na-no.
P.V: Anh gửi gắm điều gì cho các bạn trẻ, đặc biệt đối với những người có đam mê theo đuổi ngành Vật liệu mới và công nghệ Na-no?
TS Võ Văn Chi: Tôi có một tâm huyết lớn nhất cần chia sẻ với các bạn trẻ đang sống tại Đà Nẵng có đam mê khoa học công nghệ về việc chung sức xây dựng và phát triển nền công nghệ cao. Mong các bạn luôn ghi nhớ rằng Đà Nẵng đang xây dựng một khu công nghệ cao, là khu công nghệ duy nhất trong cả miền Trung và Tây Nguyên, đó là một niềm tự hào mới của Đà Nẵng. Mong các bạn luôn theo dõi tình hình xây dựng phát triển của Khu công nghệ cao tiếp tục theo đuổi niềm đam mê khoa học và công nghệ của mình. Từ đó, các bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc định hướng trau dồi kiến thức, ngoại ngữ, đi nước ngoài học tập, nghiên cứu, tích lũy kinh nghiệm và trở về cùng chung sức xây dựng và phát triển Khu công nghệ cao. Đến khi các bạn học tập thành tài thì cũng chính là lúc Khu công công nghệ cao sẽ cần đến các bạn. Và tương lai của Khu công nghệ cao phụ thuộc vào các bạn, phụ thuộc vào mong muốn cũng như trách nhiệm của các bạn đối với sự phát triển thịnh vượng của Đà Nẵng, trong đó có phát triển nền công nghệ cao là một trong những ưu tiên hàng đầu.
P.V: Xin cảm ơn anh!
Hà Giang
(thực hiện)