Nỗi khổ của "làng trong phố"
(Cadn.com.vn) - Làng Đông Phước, thuộc P. Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng bây giờ cũng chia làm mấy tổ dân phố, bao quanh làng đã là phố, là đường nọ, đường kia, còn làng vẫn vậy, nhà không số, phố không tên, trầm lặng dưới bóng tre già...
Thực ra, làng Đông Phước xưa kia rộng lắm, một nửa nằm phía Đông, giáp với khu dân cư Cẩm Bắc, Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ, ngăn cách nửa làng phía Tây bởi con đường xe lửa và QL1A, nay là đường Trường Chinh. Khi thành phố triển khai quy hoạch, giải tỏa, chỉnh trang... từ hơn 10 năm trước, nửa làng phía Đông đã thành phố phường thật sự, đường có tên, nhà có số, ruộng đất không còn, người dân cũng ra dáng thị thành từ lâu đã quên hẳn bãi khoai, ruộng lúa.
Nhưng nửa làng phía Tây thì vẫn vậy, bao quanh làng, phía chính Tây giáp với phường Hòa Thọ Tây, Cẩm Lệ, phía Tây Bắc dựa lưng vào chân núi Phước Tường và tiếp giáp với các tổ dân phố của phường Hòa Phát. Ông Nguyễn Nhương-Tổ trưởng tổ dân phố 6A cho biết, làng Đông Phước mấy năm nay được chia làm 4 tổ dân phố, gồm tổ 6A, 6B, 7A, 7B với khoảng hơn 220 hộ dân, nhà cửa bao quanh một cánh đồng chừng 10 ha, người dân chủ yếu vẫn làm ruộng, mỗi năm một vụ dựa vào nước trời.
Đường giao thông trong làng Đông Phước đã gãy nát xuống cấp nghiêm trọng. |
Ông Nguyễn Mãi và ông Nguyễn Văn Tiệm bảo, thích gọi là "làng" cũng được, thích gọi là "tổ dân phố" cũng được, cách nào cũng đều đúng cả, nhưng xem ra gọi là làng vẫn "sát nghĩa" hơn. Ông Mãi lý giải: "Làm gì có tổ dân phố nào lại chuẩn bị vào mùa sạ lúa, làm gì có tổ dân phố nào kê khai thu nhập là gia đình này có mấy con bò, gia đình kia có mấy đàn heo... Tổ dân phố chi mà khách lạ muốn hỏi vào thăm nhà nào, cứ phải hỏi lần theo đường làng từng nhà để tìm tới...". Nếu như mười mấy năm về trước thì làng đúng là một nơi yên bình, trăng thanh, gió mát... Nhưng bây giờ là làng "trong phố" nên cũng có biết bao nhiêu bất cập của nó.
Ông Mãi điểm cho tôi nghe hàng loạt những cái gọi là bất cập ấy: Làng đã nằm trong diện quy hoạch từ mười mấy năm qua, bà con đã được "quán triệt" kỹ, đất đai không được mua bán, sang nhượng vì không thể làm được giấy tờ. Không được làm thay đổi hiện trạng đất đai, vườn tược, nhà cửa. Rất may là hồi đó chưa kiểm định, để nhận tiền đền bù giải tỏa, chứ nếu không dự án "treo" vô thời hạn như hiện tại, nhà cửa có hư hỏng, dột nát cũng khó mà nâng cấp, sửa chữa. Nỗi khổ thứ hai là cánh đồng nằm giữa làng, cứ đến mùa mưa bão là nước dồn ứ ngập trắng cả làng. Nguyên nhân là đường cống kênh thoát nước chảy qua địa bàn P. Hòa Thọ Đông, thoát ra sông Cẩm Lệ không được các đơn vị triển khai các dự án khơi thông dòng chảy. Mấy năm trước, cánh đồng còn được bà con canh tác hai vụ lúa, nhưng mấy năm nay, cứ đến mùa khô, cánh đồng bị ô nhiễm nặng bởi nước thải từ các lò mổ heo nằm trên địa phận P. Hòa Thọ Tây đổ xuống, từ các đường cống nước thải các khu dân cư đổ sang.
Vậy là đời sống bà con của làng đã khó khăn lại thêm bấp bênh hơn... Nỗi khổ thứ ba, bất cứ ai vào làng cũng nhận thấy ngay là đường giao thông quanh làng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Mãi, ông Tiệm cho biết, con đường bê-tông quanh làng được làm từ những năm 90 thế kỷ trước, từ khi làng nằm trong quy hoạch, đường không được sửa chữa, nâng cấp, mười mấy năm qua, đường đã hư hỏng hoàn toàn. Nhiều đoạn đường, bê-tông lún, nứt gãy, mặt đường lồi lõm, trơn trượt... cỏ dại mọc lút kín lề đường. Đã vậy lại không có hệ thống điện chiếu sáng công cộng, việc đi lại vào ban đêm vô cùng khó khăn, nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn mỗi khi có mưa đường ngập nước, trơn trượt, va vấp vào những mảnh bê-tông gãy nứt. Việc đi lại của bà con, nhất là các em nhỏ đến trường học rất vất vả, mỗi khi mùa mưa bão đến.
Nói về chuyện điện nước, nhà họp cộng đồng của các tổ dân phố được xây dựng xong đã hơn một năm, nhưng không được cấp kinh phí để lắp đặt hệ thống điện, nước. Mỗi lần tổ chức hội họp, ngày lễ tết, chính quyền tổ dân phố lại phải kéo nhờ điện của các hộ dân quanh khu vực vừa phiền hà vừa nguy hiểm. Đường giao thông xuống cấp, điện chiếu sáng công cộng không có, việc quản lý ANTT trong khu vực cũng rất khó khăn, phức tạp. Đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp, kẻ gian thường lợi dụng đêm tối, đột nhập vào các nhà dân lấy trộm tài sản, nhất là vật nuôi. Ngay trong tháng 8-2015 này, một gia đình ngay sát nhà ông Nguyễn Mãi đã bị các đối tượng trộm cắp ban đêm vào khoắng sạch cả mấy chục con gà, trị giá cả chục triệu đồng.
Mỗi khi đến mùa mưa, cánh đồng giữa làng ngập ứ nước gây lụt lội khắp làng. |
Nhà họp cộng đồng các tổ dân phố của "làng" đã hoàn thành xong hơn một năm, |
Theo bà con trong làng, những bất cập hiện tại ảnh hưởng đến đời sống nhân dân đã được bà con kiến nghị lên các cấp chính quyền nhiều lần, nhưng không thấy phản hồi. Theo ý kiến bà con, không lẽ làng Đông Phước cứ mãi mãi là "làng trong phố" hay sao, Nhà nước có quy hoạch, giải tỏa, chỉnh trang hay không cũng phải báo cho người dân biết kế hoạch, chủ trương, thời gian thực hiện. Trước hết cần phải có biện pháp hỗ trợ người dân, xử lý giải quyết tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão, sửa sang, nâng cấp đường giao thông, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng... Cứ sống mãi trong tình trạng, đường không tên, nhà không số, e rằng "làng Đông Phước" đang thua xa những ngôi làng ở những vùng nông thôn đã hoàn thành chương trình mục tiêu xây dựng Nông thôn mới hiện nay, chứ đừng nói "làng" đang hiện hữu giữa đô thị Đà Nẵng.
Trung Thành