Nỗi lo giờ tan trường

Thứ ba, 20/03/2018 10:47

Tình trạng lộn xộn giao thông, đặc biệt là vào giờ tan học tại các trường trên địa bàn thôn Cẩm Toại Trung (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã trở thành vấn đề bức xúc nhiều năm nay.

Học sinh Trường THPT Ông Ích Khiêm "giấu" xe máy ngoài cổng trường không người trông giữ.

Mỗi khi tan học thì điểm đấu nối của đường ĐH5 với tuyến cao tốc QL14B luôn trong tình trạng ùn ứ phương tiện. Không những thế, do ý thức chấp hành luật giao thông của nhiều em học sinh (HS) còn hạn chế nên mỗi khi tan trường, HS tụm ba, tụm bốn dàn xe hàng ngang trên đường, vừa đi vừa trò chuyện, gây cản trở giao thông. Trong khi đó, tình trạng HS đi xe máy đến lớp vẫn chưa được nhà trường và các lực lượng chức năng ngăn chặn triệt để và để "né" các thầy cô giáo, trước giờ vào lớp, HS "giấu" xe máy vào nhà dân, các bãi đất trống ven đường không người trông giữ…

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh khi đến đón con em tan học còn dừng xe máy chiếm cả lòng đường. Tình trạng phụ huynh và người tham gia giao thông lời qua tiếng lại do va quệt diễn ra khá thường xuyên. Tuy nhiên đến nay, ngoại trừ Trường Tiểu học An Phước có khu vực dành cho phụ huynh đến đón con em thì ở 2 Trường THPT Ông Ích Khiêm, THCS Trần Quốc Tuấn vẫn là điều quá khó. Từ thứ 2 đến thứ 7, ngày nào cũng vậy, giờ tan trường là khu vực Cẩm Toại Trung lại đông nghịt người và phương tiện. Số lượng HS ở 3 trường trong khu vực khoảng 3 ngàn em, số lượng phụ huynh đến đón con em cũng gần phân nửa. Hơn nữa, ven đường ĐH5 về hướng xã miền núi Hòa Phú còn có nhiều cơ sở kinh doanh sản xuất, lưu lượng ô-tô vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu nhiều nên luôn tiềm ẩn tai nạn giao thông.

Có thể thấy, hiện nay khi hạ tầng giao thông không phát triển theo kịp với sự phát triển của phương tiện cá nhân đã khiến cho tình trạng ùn tắc giao thông ở một số đoạn đường ngày càng nghiêm trọng. Việc giao thông lộn xộn tại các cổng trường cũng là một trong những biểu hiện của tình trạng đó. Trong khi nhà trường và các lực lượng chức năng tìm đủ mọi cách để hạn chế tình trạng HS đi xe máy đến trường thì các em cũng tìm đủ cách thức và lý do lách luật. Còn phía các bậc phu huynh mỗi khi được cơ quan chức năng mời giải quyết việc vi phạm trật tự an toàn giao thông của con em mình thì họ đưa ra rất nhiều lý do như nhà xa, bận công việc nên không thể trực tiếp đưa đón... "Song theo chúng tôi, những lý do như thế là không thuyết phục. Bởi không thể nhà xa hay bận việc mà để con vi phạm luật, đó là chưa nói đến chuyện tai nạn có thể ập tới bất cứ lúc nào cho con em mình. Bên cạnh đó, nhiều trường học cũng đã nêu thực trạng khó kiểm soát HS đi xe máy lại xuất phát chính từ phía phụ huynh HS. Nhiều phụ huynh quá dễ dãi với con em nên đã mua xe máy để con thuận lợi đến lớp, có trường hợp khi bị kẻ gian lấy trộm thì vài ngày sau đã đi xe khác", Trưởng CAX Hòa Phong - Tán Văn Đặng phản ánh.

Mặc dù Chính phủ đã có Nghị quyết về những biện pháp cấp bách bảo đảm TTATGT, UBND TP và ngành Giáo dục TP Đà Nẵng cũng có nhiều văn bản, chỉ thị nhằm tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn cho HS. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều cấp ủy, chính quyền cơ sở có trường học chưa huy động được sức mạnh cũng như trách nhiệm của các cấp ngành cùng tham gia mà còn "khoán trắng" cho lực lượng chức năng! Điều đó cho thấy, các biện pháp hiện nay chưa đạt được hiệu quả cao, hao tốn rất nhiều công sức. Đành rằng chú trọng giáo dục pháp luật cho lứa tuổi HS là chuyện không thể thiếu, nhưng giải pháp cần thiết nhất hiện nay là phải thông suốt từ "gốc", gốc ở đây là các bậc phụ huynh HS cần phải ý thức việc chấp hành pháp luật, phải cứng rắn hơn nữa với bản thân con em mình.

AN DƯƠNG