Nỗi lo thực phẩm bẩn trong trường học
(Cadn.com.vn) - Hiện nay, các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có tổ chức bán trú đều đã xây dựng được bếp ăn một chiều đảm bảo khâu chế biến thực phẩm hợp vệ sinh. Đội ngũ nhân viên cấp dưỡng cũng được đào tạo đảm bảo chuyên môn theo quy định. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học ngày càng được tăng cường. Tuy nhiên, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong trường học vẫn luôn là nỗi lo thường trực của các cơ sở giáo dục, phụ huynh, người dân và cộng đồng xã hội.
"Quay cuồng" lo bữa ăn sạch cho học sinh
So với các trường trên địa bàn, Trường TH Lê Văn Tám (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) là một trường mới thành lập nhưng số lượng học sinh khá đông với hơn 900 học sinh, trong đó, có gần 600 học sinh ăn ở bán trú. Theo thầy Lê Văn Thâu - Hiệu trưởng Trường TH Lê Văn Tám, công tác chăm lo sức khỏe, sinh hoạt, ăn uống cho học sinh bán trú trở thành một trong những nội dung hoạt động, nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường những năm học qua. Với số lượng học sinh bán trú không ngừng tăng qua các năm học, chính vì vậy, hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác bán trú đã được nhà trường quan tâm đầu tư, xây dựng hoàn thiện. Hệ thống bếp ăn được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn 1 chiều. Đội ngũ nhân viên, cấp dưỡng được trang bị trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu công việc. "Thời gian qua, nhà trường luôn xem công tác đảm bảo ATVSTP là một trong những tiêu chí quan trọng để khẳng định uy tín và chất lượng đối với chính quyền, người dân địa phương. Chính vì vậy, công tác đảm bảo ATVSTP, phòng chống ngộ độc thức ăn trong nhà trường luôn được đề cao", thầy Tám nói.
Các trường học có học sinh bán trú đã ngày càng nỗ lực hơn để đảm bảo ATVSTP. |
Theo cô giáo Đỗ Thị Kim Thanh - Hiệu trưởng Trường TH Lương Thế Vinh (Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng), so với các trường trên địa bàn, công tác tổ chức bán trú cho học sinh của trường được thực hiện chỉ vài năm học nay. Năm học 2016-2017, nhà trường có 748 học sinh, trong đó có 584 học sinh được ăn ở bán trú tại trường. "Có thể nói rằng, trong thời gian qua, công tác đảm bảo ATVSTP được nhà trường đặc biệt quan tâm thực hiện. Hiện khu nhà bếp được vận hành theo mô hình của bếp một chiều với trang thiết bị khá hiện đại. Đội ngũ nhân viên tổ bếp đều có chứng chỉ ngành nghề nấu ăn. Hằng ngày, quá trình lựa chọn nguồn thực phẩm được kiểm tra kỹ lưỡng, lưu mẫu thức ăn hằng ngày và lưu sổ ghi chép đầy đủ. Mặc dù công tác đảm bảo ATVSTP luôn được quan tâm thực hiện nhưng không vì thế mà chủ quan. Bởi, những rủi ro ATVSTP là rất khó tránh và ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào", cô Kim Thanh chia sẻ.
Thầy Lê Văn Thâu cũng đồng quan điểm: "Hiện nay, tình hình thực phẩm bẩn không chỉ là vấn đề đáng lo ngại của cộng đồng xã hội, mà trở thành nỗi lo thường trực của mỗi gia đình, trường học trong từng bữa ăn. Sự nguy hại từ thực phẩm bẩn đối với sức khỏe con người nói chung là rất lớn. Riêng đối với lứa tuổi học sinh thì vấn đề này càng cảm thấy nguy hại hơn. Ở trường học, ngộ độc thực phẩm không chỉ gây ảnh hưởng sức khỏe, mà còn tác động đến tâm sinh lý của các em học sinh. Thế nên, vấn đề đảm bảo ATVSTP học đường càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Làm thế nào để đảm bảo ATVSTP trong trường học là vấn đề chúng tôi hết sức trăn trở, lo lắng".
"Mặc dù các nguồn thực phẩm hiện nay dùng để chế biến bữa ăn cho học sinh được nhà trường hợp đồng qua các công ty, dịch vụ nhưng nguồn gốc sản xuất, gieo trồng ở đâu, chất lượng như thế nào, có hàm lượng hóa chất độc hại hay không?... thì chúng tôi không thể biết được. Cho nên, ngoài thực hiện lưu mẫu nguồn thực phẩm, trước khi chế biến, nhà trường đã thực hiện xử lý thực phẩm qua máy sục Ozone, với hy vọng sẽ xử lý, loại bỏ được độc hại có trong thực phẩm nếu có", thầy Thâu cho biết.
* Đà Nẵng là một trong những địa phương có số lượng bếp ăn tập thể lớn nhất cả nước (khoảng 900 bếp), trong đó, số lượng bếp ăn tập thể tại các cơ sở giáo dục, trường học chiếm phần lớn, với khoảng 80 bếp ăn trong trường tiểu học, 170 bếp ăn ở trường mầm non và hơn 500 bếp ăn tập thể tại các nhóm trẻ gia đình. Hằng năm, Đà Nẵng tiêu thụ khoảng 70.000 - 80.000 tấn sản phẩm nông sản thực phẩm, 70.000 - 80.000 tấn sản phẩm chăn nuôi; trong đó, sản phẩm nông sản tại chỗ khoảng 16.000 tấn, sản phẩm chăn nuôi chỉ chiếm 10-15% tổng sản phẩm tiêu thụ, còn lại là nhập từ các tỉnh và nhập khẩu. |
Nỗi lo thường trực
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tý - Nguyên Trưởng phòng GD-ĐT Q. Thanh Khê (nay là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Quận ủy Thanh Khê) bày tỏ: "Những năm qua, các trường học có tổ chức bán trú cho học sinh trên địa bàn quận Thanh Khê đều quan tâm, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở bếp ăn đáp ứng tiêu chuẩn bếp 1 chiều. Nguồn nước sử dụng chế biến thức ăn cũng đảm bảo vệ sinh. Đội ngũ nhân viên phụ trách công tác bán trú đều có trình độ chuyên môn và được tập huấn theo định kỳ".
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thảo - Trưởng phòng GD&ĐT Q. Sơn Trà chia sẻ: "Trong thời gian qua, nhằm đảm bảo ATVSTP trong các cơ sở giáo dục, công tác thanh, kiểm tra, giáo dục kiến thức về ATVSTP đã được tiến hành thường xuyên. Theo đó, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cũng được thực hiện định kỳ, đột xuất".
Theo cán bộ quản lý nhiều trường học, những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc thực phẩm sạch, chất lượng thực phẩm… đang đặt ra nhiều vấn đề trong công tác đảm bảo ATVSTP tại trường học hiện nay. Chính vì vậy, để đảm bảo ATVSTP trong trường học thì không thể một mình nhà trường đảm đương hết mà đòi hỏi sự vào cuộc và trách nhiệm của các cấp, ngành. Trong đó, chính quyền địa phương phải quản lý chặt các cơ sở cung ứng thực phẩm trên địa bàn. Các cơ quan y tế phải thống kê trên địa bàn và công bố những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm đảm bảo chất lượng để trường học lựa chọn.
Ngành giáo dục cũng cần tăng cường chỉ đạo, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học; thường xuyên kiểm tra, giám sát, tập huấn giúp cho công tác ATVSTP ở các trường học được thường xuyên, đúng quy trình và quy định đề ra; cần tuyên truyền kiến thức về ATVSTP cho người lao động trong các doanh nghiệp và học sinh tại các trường học bán trú; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành liên quan nhằm quản lý chặt chẽ trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.
Bình Nam