Nỗi lo từ kho phế liệu
- Lo ô nhiễm môi trường hay cháy nổ rứa Tư ?
- Cả hai NXD à! Không biết công tác quản lý loại hình kinh doanh này ra sao chứ thấy mấy vụ cháy đã xảy ra mà lo quá.
- Vấn đề này do cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.
- Nói đâu xa, như tại P. Hòa Minh (Q. Liên Chiểu) chỗ Tư có nhiều kho thu mua, tập kết, kinh doanh phế liệu. Đơn cử như cơ sở kinh doanh phế liệu có kho tập kết trên lô đất trống đường Hòa Phú 17 thường xuyên để phế liệu lấn chiếm vỉa hè, mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Mỗi khi ra quân kiểm tra, cơ quan chức năng địa phương yêu cầu chủ cơ sở chấm dứt việc tập kết phế liệu trên bãi đất trống, đồng thời di dời, thu dọn toàn bộ, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, như “đá ném ao bèo”, chỉ một thời gian ngắn sau đâu lại vào đấy.
- Về thực trạng trên, vừa rồi NXD nhận được phản ánh cơ sở kinh doanh phế liệu trên đường Cổ Mân 8 (P. Mân Thái, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) để phế liệu vương vãi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường, các loại phế liệu để chung như trêu ngươi bà hỏa. Theo UBND P. Mân Thái, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện cơ sở kinh doanh phía sau số nhà 8 đường Cổ Mân 8 có tập kết phế liệu trong phạm vi đất công cộng, không có giấy phép kinh doanh nên đã đề nghị di chuyển hết phế liệu đang tập kết ra khỏi khu đất.
- Thế cơ quan chức năng có thống kê, quản lý được loại hình kinh doanh này không?
- Theo cơ quan chức năng các địa phương, các biện pháp chỉ dừng lại ở tuyên truyền, răn đe chứ chưa thể xử lý dứt điểm. Thành phố có chủ trương cấm hình thức kinh doanh này trong các khu dân cư, nhưng từ chủ trương đến thực tiễn vẫn còn độ vênh… NXD thiết nghĩ, nhìn vào hậu quả nặng nề do các vụ cháy nổ gây ra thì đã đến lúc phải có biện pháp quyết liệt, cứng rắn để ngăn ngừa các nguy cơ. Một là tạo sinh kế, chuyển đổi ngành nghề, hai là quy hoạch các kho phế liệu ra khỏi khu dân cư. Đó là một việc làm không dễ nhưng trước sau gì cũng phải thực hiện.
N.X.D