Nỗi lo từ loại hình giữ trẻ tự phát

Thứ hai, 21/12/2015 07:04

(Cadn.com.vn) - Chỉ trong nửa tháng 12-2015, trên địa bàn TP Đà Nẵng xảy ra 2 vụ việc iên quan đến loại hình giữ trẻ gia đình tự phát: Một trường hợp bị ngã dẫn đến tử vong, một trường hợp nghi bị đánh hiện đang nằm điều trị tại bệnh viện để theo dõi. Dù chưa đến mức báo động, nhưng loại hình giữ trẻ gia đình tự phát này đã, đang trở thành nỗi lo, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý.

Những vết bầm tím của bé P.A khi đang nằm viện.

Những sự cố đau lòng

Trường hợp đầu tiên là sự cố đau lòng của cháu bé B. (16 tháng tuổi) được cha mẹ gửi tại nhà bà Nguyễn Thị Thái (50 tuổi, trú tổ 21 P. Hòa Tây, Q. Cẩm Lệ), bị ngã dẫn đến tử vong hôm 8-12. Qua tìm hiểu, được biết, bà Thái vốn làm nghề phụ hồ, do sức khỏe giảm sút nên ở nhà trông cháu. Sẵn đó, bà nhận giữ thêm 1, 2 trẻ để kiếm thêm thu nhập.

Trường hợp thứ 2 là cháu P.A (8 tháng tuổi), được mẹ gửi cho bà Lâm Thị Kim Mai (trú P. Hòa Khánh Bắc, Q. Liên Chiểu) giữ gần 1 tháng với giá gần 1 triệu đồng/tháng (không kể tiền ăn trưa). Bà Mai nguyên làm công nhân trong KCN. Sau khi sinh con thì ở nhà chăm con rồi nhận giữ thêm con cho người cháu gọi bằng dì và cháu P.A. Chiều 16-12, khi đến đón con về, chị Huyền (mẹ cháu P.A) phát hiện trên má con có vết tím bầm. Bà Mai cho biết, vết bầm này do khi ngủ cháu lăn trong nôi sắt tạo nên.

Bà đã chườm đá nên sẽ hết ngay thôi. Tưởng bà Mai nói thật, chị Huyền không nghi ngờ gì. Khi về đến phòng trọ, cởi áo ấm và khăn quàng cổ con ra, chị phát hoảng khi phát hiện trên 2 má của cháu P.A có những vết bầm tím rất lớn. Không chỉ có thế, cả chân cháu cũng bị bầm tím. Bé P.A được gia đình đưa đi cấp cứu tại bệnh viện ngay chiều 16-12.  Do bức xúc trước thái độ không thành thật của bà Mai, ngày 17-12, gia đình chị Huyền đã làm đơn nhờ cơ quan chức năng làm rõ.

Trong tâm trạng bức xúc, bà ngoại cháu P.A nói: “Thật ra, gia đình tôi cũng không muốn làm lớn chuyện, nếu như cô Mai thành thật nhận lỗi. Ban đầu, cô ấy nhận có đánh cháu, về sau lại chối. Chuyện đã lỡ để xảy ra rồi, đáng lẽ phải biết nhận lỗi chứ. Chúng tôi làm như vậy để cơ quan chức năng vào cuộc ngăn ngừa, không để xảy ra trường hợp tương tự cho những đứa trẻ khác...”. Được biết, ngay sau khi nhận đơn kiến nghị của gia đình chị Huyền, UBND P. Hòa Khánh Nam và CAP đã tiến hành đến nhà bà Mai kiểm tra, yêu cầu bà trả trẻ, không được tổ chức giữ nữa vì trái quy định. Ngày 18-12, bà Mai đã chấp hành, đồng thời đem con của mình (3 tuổi) đi gửi trẻ.

 Cái nôi mà bà Lâm Thị Kim Mai cho biết là nguyên nhân gây ra vết bầm tím cháu P.A

Nỗi lo về loại hình giữ trẻ tự phát

Cả hai vụ việc trên cho thấy, người gửi trẻ ở dạng tự phát đều không qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ giữ trẻ. Họ là người dân, giữ trẻ từ nhu cầu bức thiết của các nữ công nhân đã lập gia đình đang làm việc trong các KCN không có điều kiện để gửi con vào các nhà trẻ công lập cũng như tư thục.

Chỉ tính riêng tại P. Hòa Khánh Bắc, ngoài 2 trường mầm non (MN) công lập, trên địa bàn có 7 trường MN tư thục và 27 nhóm trẻ, nhóm lớp tư thục nằm trong diện quản lý của phường. Tuy nhiên, số trường MN này vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ tại đây do số lượng nữ công nhân có con nhỏ làm việc tại KCN khá lớn. Được biết, ngoài 25.573 nhân khẩu có hộ khẩu thường trú, P. Hòa Khánh Bắc hiện đang quản lý gần 21.000 nhân khẩu tạm trú.

Ông Phan Lợi - cán bộ VH-XH P. Hòa Khánh Bắc, cho biết: Trong năm 2015, qua kiểm tra, cơ quan chức năng của phường đã phát hiện, buộc 4 điểm giữ trẻ tự phát phải trả trẻ, không được tổ chức giữ trẻ do không đảm bảo các điều kiện theo quy định. Cũng theo ông Lợi, việc quản lý các trường hợp giữ trẻ tự phát tại các hộ gia đình nằm xen kẽ trong các khu dân cư vô cùng khó khăn. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, hầu như ai cũng cho biết họ giữ giúp cháu cho con hoặc người thân trong gia đình. Phần lớn những điểm tự phát này giữ từ 3-4 trẻ.

Tương tự, P. Hòa Thọ Tây cũng đang phải đối mặt với số lượng nhân khẩu tạm trú và công nhân đang làm việc tại KCN đóng chân trên địa bàn khá lớn. Theo đó, ngoài hơn 12.000 nhân khẩu có hộ khẩu thường trú, phường hiện quản lý hơn 6.500 nhân khẩu tạm trú và hơn 15.000 công nhân đang làm việc trong các KCN. Trong khi đó, trên địa bàn phường chỉ có 1 trường MN công lập, 12 nhóm trẻ tư thục nằm trong diện quản lý của phường (trong đó có 1 nhóm lớp đã ngừng hoạt động) và không có trường MN tư thục nào.

Đặc thù của các nữ công nhân đã lập gia đình, có con nhỏ đang làm việc trong các KCN thường làm theo ca. Chính giờ giấc làm việc này ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc con trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 18 tháng tuổi. Hầu hết các trường MN công lập trên địa bàn TP chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên. Nhà trẻ công lập thì không có. Với đồng lương công nhân quá ít ỏi, các nữ công nhân đang làm việc trong những KCN không có khả năng để gửi con trẻ vào cơ sở giữ trẻ ngoài công lập. Vì vậy, họ đành bấm bụng gửi con cho các điểm giữ trẻ tự phát này để đi làm, vì giá cả phải chăng, lại linh hoạt về thời gian giữ trẻ.

Theo số liệu thống kê của ngành GD-ĐT (tính đến tháng 5-2015), toàn TP hiện có 175 trường MN, trong đó chỉ có 66 trường công lập, còn lại là tư thục và dân lập. Song song với loại hình trường MN ngoài công lập này, toàn TP hiện có 521 nhóm lớp độc lập tư thục với gần 12.000 trẻ đang được chăm sóc, giáo dục tại đây. Trong số đó, có 509/521 nhóm lớp có quyết định thành lập và chỉ có 422/521 lớp được cấp phép hoạt động. Cũng trong 521 nhóm lớp độc lập tư thục này, chỉ có 422/521 nhóm lớp được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, đây chỉ là con số thống kê được. Thực tế, loại hình giữ trẻ gia đình nhỏ lẻ nằm đan xen trong các khu dân cư mọc theo hình thức tự phát hiện chưa thống kê được, gây không ít khó khăn trong công tác quản lý.

Có thể thấy, nhu cầu giữ trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 18 tháng tuổi của các nữ công nhân tại các KCN ở Đà Nẵng hiện rất lớn. Để không xảy ra những câu chuyện đáng buồn trên, việc làm cấp bách hiện nay là cần hình thành các nhà giữ trẻ cho con cái của các nữ công nhân. Song song đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phối kết hợp giữa các ngành chức năng trong công tác kiểm tra, quản lý đối với loại hình giữ trẻ tự phát.

Khánh Yên