Nỗi lòng của ngoại!

Thứ tư, 31/12/2014 09:57

(Cadn.com.vn) - Trong chuyến công tác tại huyện miền núi Nam Trà My (Quảng Nam) cuối năm 2014, tôi tình cờ gặp một bà già người dân tộc Ca Dong ngồi lần đếm những đồng tiền lẻ trong túi để nhờ anh Ngô Duy Khánh, cán bộ thôn Tắc Pỏ (xã Trà Mai, H. Nam Trà My) mua quà gửi thằng cháu ngoại đang bị tạm giam. Trắc ẩn trước hoàn cảnh của bà cụ, tôi tìm cách bắt chuyện. Bà kể chuyện nhà mình bằng chất giọng lơ lớ của người nói tiếng Kinh chưa sõi, đôi lúc bà còn đệm một vài tiếng Ca Dong nên tôi phải nhờ anh Khánh phiên dịch hộ.

Bà tên là Nguyễn Thị Minh (1943), trú thôn Tắc Pỏ. Nơi sinh ra bà chính là căn cứ khu ủy Khu 5 thời kỳ 1954-1963 nay là Khu di tích Nước Là (H. Nam Trà My). Cũng như bao thanh niên ở chiến khu thời ấy, năm 1961, bà Minh tham gia dân công cõng đạn, tải thương... Do có nhiều thành tích trong quá trình tham gia dân công, ngoài việc được Đảng, Nhà nước tặng nhiều huy chương, bằng khen, bà Minh còn được Nhà nước giải quyết cho hưởng chế độ bệnh binh. Với khoản trợ cấp chính sách được hưởng hàng tháng (1,8 triệu đồng/tháng), những tưởng sẽ giúp bà thảnh thơi hơn với tuổi già song điều đó lại... không đến.

Năm 1995, khi vợ chồng người con gái út Nguyễn Thị Năm sinh đứa con đầu lòng, đặt tên là Võ Quốc Đảo. Sinh con chưa được bao lâu, chẳng may người chồng bị bệnh nặng, qua đời. Nuôi con chưa đầy 8 tháng tuổi, người mẹ đi bước nữa, để lại đứa bé chưa biết đi cho bà ngoại chăm nuôi. Thời ấy, kinh tế còn quá khó khăn, một mình bà Minh phải bươn chải hết lên rừng hái măng, tìm củi đến xuống suối mò con ốc, con cua đem về đổi gạo nuôi cháu.

Như bao đứa trẻ khác lớn lên giữa đại ngàn Trường Sơn, Võ Quốc Đảo chẳng mấy chốc đã lớn lên như cây măng giang mọc giữa rừng. Thương cháu mồ côi cha, lại thiếu tình thương của mẹ, bà Minh tạo điều kiện cho cháu đến trường học lấy cái chữ. Biết bà vất vả vì mình nên Đảo rất chịu thương, chịu khó.

Bà Minh vét số tiền còn lại để gửi cho cháu ngoại.

Cách đây 2 năm, khi đang học lớp 10 tại Trường THPT nội trú H. Nam Trà My, trong một lần ra xuống suối bắt ốc bán kiếm tiền giúp bà, chẳng may Đảo bị trượt chân ngã, đầu đập vào đá bị thương nặng. Chạy chữa khắp nơi, được lành bệnh nhưng cú ngã đó để lại di chứng khiến Võ Quốc Đảo bị ảnh hưởng đến thần kinh nên phải nghỉ học. Từ khi bị bệnh, tính khí của Đảo lúc thương, lúc giận thất thường.

Chiều 8-9-2014, trong lúc uống rượu cùng cha dượng là anh Đinh Hồng Tân (1975), hai bên xảy ra mâu thuẫn. Do quá say, chẳng biết đâu là phải trái nên sau một hồi cãi vã, cả hai xông vào quyết ăn thua. Kết quả trận “thư hùng” này, anh Tân bị Đảo đâm chết. Cũng vì quá say, sau khi đâm chết cha dượng, Đảo “vô tư” ôm xác anh Tân ngủ cho đến sáng.

Kể từ ngày Võ Quốc Đảo bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi giết người, bà Minh chẳng một phút nào không nhớ về đứa cháu ngoại. Nhớ những ngày chưa bị bắt, Đảo có thể giúp bà những việc nặng nhọc. Bây giờ, trong ngôi nhà tình nghĩa vừa được Nhà nước xây dựng trống vắng hơn, chỉ còn một mình bà thui thủi... Khoản tiền lương bệnh binh, bà chi tiêu dè xẻn để dành nhờ người mang xuống thăm cháu.

Đang trò chuyện, bà Minh bảo: “Mình thịt con gà hết lớn, ngày mai nhờ anh Khánh mang xuống cho nó bồi dưỡng”. Nghe vậy, anh Khánh giải thích sẽ không mang được những thức ăn nấu sẵn vào phòng, bà Minh vẫn khăng khăng: “Cháu mình thích thịt gà lắm... Gà của mình nuôi, mình làm thịt, mình tự nấu có bị độc đâu... mà cấm”. Giải thích mãi, bà Minh cũng hiểu nhưng trước khi về bà vẫn bảo: “Thôi, mình sẽ làm thịt con gà nhỏ thôi. Gửi cho nó ăn để... đỡ thèm”.

Vét xong những đồng tiền cuối cùng được giấu kỹ trong mấy lớp áo đưa cho anh Khánh, bà Minh đứng dậy... Dáng liêu xiêu của bà dần khuất về phía triền núi.

Bầu trời Tắc Pỏ khi đó mây giăng kín, cơn mưa cuối ngày đông giá bắt đầu nặng hạt. Bất chợt, tôi nghĩ đến hai chữ: Giá như! Giá như đừng có bữa rượu chiều hôm ấy; giá như cả hai người đừng để rượu làm mờ đi lý trí...

M.T