Nỗi lòng dân “ốc đảo”

Thứ bảy, 15/08/2020 22:14

Thôn Hà Tây 1, xã Điện Hòa, TX Điện Bàn (Quảng Nam) được nhiều người ví như một hòn đảo nhỏ, lẻ loi trong “đại dương” tứ bề là đất của cư dân Đà Nẵng. Vì sống kiểu bị “kẹp chặt” như vậy nên nhiều năm qua người dân nơi đây đối mặt với không ít khó khăn trong sinh hoạt vì bị xem là dân... ngoại tỉnh.

Người dân thôn Hà Tây 1 trình bày nguyện vọng được đi chợ trong mùa dịch Covid.

Thôn Hà Tây 1, Điện Hòa lọt thỏm giữa các thôn Tân Hạnh, Trà Kiểm của xã Hòa Phước, H. Hòa Vang, Đà Nẵng và chỉ giao tiếp với “đất mẹ” Điện Hòa bằng con đường độc đạo chạy dài trên bờ đập Bàu Nít (thuộc sông Bàu Sấu). Mùa mưa năm 2018, mưa lớn, lũ tràn về đã cuốn trôi con đường bê-tông liên thôn. Thế là, hai năm nay mọi giao tiếp, sinh hoạt của 24 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu thôn Hà Tây 1 phải “nhờ” vào những con đường liên thôn thuộc xã Hòa Phước.

Những ngày bình thường đã khổ, từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 người dân ở đây lại càng... khổ hơn. Ông Lê Hoa (1957), trú Hà Tây 1, Điện Hòa, trao đổi: Khi TP Đà Nẵng thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, người dân Hà Tây 1 phải sống trong cảnh “nội bất xuất...”, mọi sinh hoạt thực hiện theo chế độ “tự cung, tự cấp” vì không thể đi ra ngoài mua sắm lương thực, thực phẩm. Nhiều gia đình có con em làm công nhân tại các nhà máy ở KCN Điện Nam-Điện Ngọc đi làm hết sức khó khăn. Vì tất cả các tuyến đường liên thôn, đường ngang... đều bị chốt chặn, cấm người dân Quảng Nam đi lại. Hiện tại, muốn mua sắm bất cứ vật dụng gì, người dân phải sang nhờ anh em, hàng xóm có hộ khẩu tại thôn Tân Hạnh mua hộ.

Anh Lê Trung Lộc (1985), trú Hà Tây 1, cho biết: những ngày bình thường, người dân thôn Hà Tây 1 đã cực thì trong những ngày giãn cách chống dịch lại càng... thêm khổ. Mọi giao tiếp với xã hội bên ngoài đều bị chia cắt, tất cả được thực hiện qua ĐTDĐ.

Theo tìm hiểu, không riêng gì thời Covid mà những sinh hoạt của người dân trong thời điểm yên bình cũng gặp không ít khó khăn. Gần như mọi sinh hoạt từ việc giao tiếp xã hội, mua bán, học hành của con em... đều diễn ra trên đất Hòa Phước. Tuy nhiên, do hộ khẩu là Điện Hòa, Điện Bàn nên việc giao tiếp này gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính. Cụ thể, những đứa trẻ đến tuổi đi học, gia đình phải lập thủ tục xin tạm trú tại Hòa Phước mới được nhận vào lớp và học phí cũng đóng với mức cao hơn vì... trái tuyến. Hiện tại, các hộ dân của xã Hòa Phước đều được sử dụng nước sạch nhưng 24 hộ dân thôn Hà Tây 1 phải sử dụng nước giếng khoan vì công ty Cấp nước từ chối phục vụ người dân ngoài tỉnh.

Con đường bê-tông đã bị lũ cuốn trôi.

“Năm 2019, khi công nhân đào đường chôn ống xong, công ty hướng dẫn mọi người làm thủ tục cấp nước sạch. Khi phát hiện hộ khẩu của chúng tôi ở Quảng Nam, họ từ chối lập hợp đồng rồi im lặng đưa công nhân lên đào ống, chở về”, ông Phạm Hùng (1968), kể.

Ngày 14-8, khi nghe chúng tôi thông tin về những khó khăn mà người dân thôn Hà Tây 1 đang đối mặt hiện nay, ông Trần Úc - Chủ tịch UBND TX Điện Bàn đã làm việc cùng UBND H. Hòa Vang đề nghị giúp đỡ. Qua đó, tạm thời 26 hộ dân tại Hà Tây 1 được UBND xã Hòa Phước cấp phiếu đi chợ và được đi lại bình thường như người dân địa phương nhằm giải quyết tạm thời những khó khăn trong mùa phòng, chống dịch.

Mong rằng, chính quyền hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam sớm có sự hợp tác chặt chẽ trên tinh thần đoàn kết, bình đẳng để người dân thôn Hà Tây 1, Điện Hòa hết chịu những khổ do cách trở vì địa lý và mang tiếng là dân... ngoại tỉnh.

M.T