Nỗi niềm môn Sử!

Thứ tư, 10/07/2019 10:44

1. Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 đã khép lại. Thí sinh (TS) cùng phụ huynh đang hồi hộp ngóng chờ kết quả điểm thi dự kiến sẽ được công bố vào ngày 14-7 tới. Đến lúc đó, dựa trên phổ điểm các môn thi mới phần nào biết được sức học cũng như sự đầu tư của TS đối với từng môn học. Tuy nhiên, từ những chia sẻ về cách học - ôn tập rất thực tế của TS đăng ký dự thi tổ hợp môn KHXH trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, có thể thấy, HS đang ngày càng "ngán" học môn Sử.

Trên cơ sở so sánh SGK môn Lịch sử nước ngoài, GS Vũ Dương Ninh đã có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng tại hội thảo nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Lịch sử cho giáo viên tại Đà Nẵng. Ảnh: P.T

Một TS ở Đà Nẵng bày tỏ quan điểm: "Kỳ thi THPT Quốc gia vừa để xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển ĐH, CĐ, chúng em phải thi đến 6 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc là Toán- Văn- Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp gồm 3 môn (nếu KHTN: Lý- Hóa- Sinh; nếu KHXH: Sử- Địa- Giáo dục công dân- P.V). Với khối lượng kiến thức nhiều như thế, làm sao chúng em ôn tập cho xuể. Vì vậy, chúng em phải tính toán, cân nhắc ôn tập sao để đảm bảo đủ điểm xét tốt nghiệp đối với những môn không xét tuyển ĐH, dành thời gian, tâm sức đầu tư cho các môn thi xét tuyển ĐH, CĐ. Trong 3 môn ở tổ hợp môn KHXH, Sử là môn "khó nuốt", khó kiếm điểm nhất. Vì vậy, với môn Sử, chúng em chỉ cần ôn tập để vượt qua điểm liệt là được". Một phụ huynh tâm sự, dò xong đáp án môn Sử do Bộ GD-ĐT công bố, con trai anh đã nhảy cẫng lên mừng rỡ vì... qua được điểm liệt. Nhìn con vui sướng, anh vừa thương vừa buồn lẫn lộn...!   

2. Thực ra, không phải đến bây giờ, HS mới chán học môn Sử. Thực trạng này diễn ra trong rất, rất nhiều năm mà nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ chương trình - SGK, từ cách dạy- học Sử, cách kiểm tra, đánh giá đối với môn học này có quá nhiều vấn đề. Với chương trình, SGK nặng nề, khối lượng kiến thức quá nhiều, cách dạy - học theo kiểu đọc - chép cùng quan niệm Sử là môn học thuộc lòng, chỉ cần "tụng" thuộc là có điểm đã khiến cho môn học này ngày càng rơi "tự do" trong bối cảnh xã hội chỉ chuộng học các ngành thuộc khối A, B, D, bởi đó là những ngành dễ kiếm việc làm và dễ kiếm tiền...

Cách đây 4 năm, tại lễ chung kết, trao giải cuộc thi "Em yêu lịch sử Việt Nam" diễn ra tại Đà Nẵng, GS-TSKH Vũ Minh Giang - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Việt Nam- cho rằng, không phải HS không yêu lịch sử Việt Nam mà chính là do cách giảng dạy Lịch sử của chúng ta có quá nhiều vấn đề. Ông cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc HS không yêu thích môn học này là lỗi của người lớn, lỗi của người dạy Sử, kể cả người làm Sử, trong đó có ông.

3. Mới đây, tại hội thảo "Nâng cao chất lượng giảng dạy bộ môn Lịch sử cho giáo viên" do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng tổ chức, với tham luận đầy tâm huyết "Làm thế nào để HS bớt chán học Sử- Vấn đề SGK", GS Vũ Dương Ninh có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng về chương trình, SGK môn Lịch sử Việt Nam.

Về cách viết, GS cho rằng nên "giảm bớt những đoạn văn dài bề bộn niên đại, tên người và số liệu. Thay thế vào đó là bản đồ giới thiệu vị trí địa lý của địa điểm nghiên cứu, là bảng biên niên các sự kiện (có chọn lọc), hình ảnh nhân vật kèm theo niên đại và câu trích lời phát biểu của người đó, bảng thống kê số liệu, sơ đồ miêu tả sự kiện chính hay trận chiến quan trọng, đồ thị thể hiện sự diễn biến của sự kiện". Đặc biệt, cần đưa mục "Nghệ thuật và Lịch sử" vào trong chương trình, SGK dạy môn Sử, cụ thể là tranh, ảnh, trích dẫn các đoạn thơ văn, nhạc… phản ánh một giai đoạn hay một sự kiện lịch sử, giới thiệu phim tài liệu hay phim truyện có liên quan đến sự kiện lịch sử… Bởi "nghệ thuật có sức hấp dẫn trực quan giúp HS tiếp thu lịch sử nhẹ nhàng, dễ hiểu và dễ nhớ hơn". Xác định, thi cử là một khâu rất quan trọng quyết định cách dạy- học, tuy nhiên, GS Vũ Dương Ninh cho rằng "cần đả phá cách hiểu sai: học sử là chỉ học thuộc niên đại, sự kiện và nhân vật". Bởi chính sự hiểu sai này mà "HS hoàn toàn bị động, sinh ra chán Sử". Vì thế, ông đề nghị, trong bài thi, kiểm tra nên cho phép HS tham khảo tài liệu (được quy định) để nêu lên nhận định của các em. Và "Cách đánh giá dựa trên năng lực lập luận của các em cho dù ý  kiến đó không đúng đáp án, không đúng ý của thầy cô, không đúng "lập trường" (!?)"- GS bày tỏ quan điểm.

Về cách thi, kiểm tra, GS đề xuất, không nên thiên hết về trắc nghiệm mà nên kết hợp giữa trắc nghiệm với tự luận. Cụ thể cách thi nên có hai phần, phần trắc nghiệm (khoảng 20 câu) và phần bình luận một vấn đề lịch sử, có như thế mới "nâng cao năng lực tư duy của HS". 

4. Chỉ ra được nguyên nhân, nêu ra được giải pháp, vấn đề còn lại là cần bắt tay vào việc thực hiện đổi mới chương trình, SGK, thay đổi cách dạy-học thụ động như hiện nay đối với môn Quốc sử. Và một điều không kém phần quan trọng ảnh hưởng việc dạy- học môn Sử, đó là cần thay đổi quan điểm, tư duy của xã hội về môn Sử. Xin được trích lời của GS Vũ Dương Ninh trong tham luận "Làm thế nào để HS bớt chán học Sử- Vấn đề SGK" để kết thúc bài viết này: "Về lâu dài, một đất nước mà người dân không biết lịch sử nước mình thì hậu quả vô cùng tai hại... Rất cần đưa vào Luật Giáo dục 4 môn thi cơ bản trong chương trình thi tốt nghiệp sau 12 năm là Toán, Quốc văn, Quốc sử và Ngoại ngữ".

KHÁNH YÊN