Nỗi niềm người dân tái định cư vùng cao (Kỳ cuối: Cuộc sống lay lắt nơi tái định cư)

Thứ năm, 27/09/2018 16:00

Giữa cái nắng những ngày đầu tháng 8, chúng tôi đến khu TĐC giãn dân của thôn 1 (xã Phước Mỹ, H. Phước Sơn, Quảng Nam). Nhiều người dân cho biết, gần 1 tháng qua, khu vực này không có mưa. Cả làng với hơn 20 hộ dân phải chia sẻ nhau nguồn nước từ con suối nhỏ phía cuối làng. Nói là con suối nhưng chỉ là một hố nước nhỏ, người dân phải chặn dòng lại rồi đặt một ống nhựa bên trong mới hứng được dòng nước ít ỏi chảy ra. Về làng mới, việc làm chưa có, nhiều người cứ quanh quẩn ở nhà. “Mình về đây dựng nhà gần 2 tháng rồi. Mặt bằng này là đất rẫy của mình ủi ra nên không tốn tiền. Những nhà khác nếu chưa có mặt bằng thì được nhà nước hỗ trợ mặt bằng với diện tích đất ở 200m2. Nhà cửa tương đối ổn định nhưng ở đây chưa có điện, không có nước sinh hoạt nên cuộc sống rất khó khăn”- anh Hồ Văn Phố tâm sự.

 Đời sống người dân ở các khu TĐC vùng cao Quảng Nam còn rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Văn Bảo–Bí thư Đảng ủy xã Phước Mỹ cho biết, khu vực thôn 1 đất chật, người đông và có nguy cơ sạt lở, được sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, địa phương khảo sát và có 49 hộ đăng ký di dời đến nơi ở mới. Đến nay, địa phương đã nghiệm thu nhà ở mới của 21 hộ. Những hộ di dời được tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng/hộ. “Cái khó hiện nay ở khu TĐC mới là nước sinh hoạt cho người dân không có. Hiện địa phương đang khảo sát nguồn nước ở thôn 4 nhưng đưa về đến khu vực TĐC thôn 1 xa hơn 7km. Chúng tôi đang tìm nguồn kinh phí để triển khai. Về điện thắp sáng, dự kiến cuối năm nay sẽ kéo nguồn điện về đây để bà con sinh hoạt”- ông Bảo thông tin thêm.

Đối với những khu TĐC của thủy điện, cuộc sống người dân còn khó khăn hơn rất nhiều. Để góp phần xây dựng thủy điện Đắc Mi 4C, 44 hộ dân xã Phước Hòa (H. Phước Sơn) chấp nhận về TĐC tập trung ở thôn 2 của xã. Thế nhưng hơn 10 năm ở đây chỉ có 4 hộ thoát nghèo, những hộ trên rơi vào đối tượng cán bộ và hộ gia đình có vay ưu đãi ngân hàng. Cũng như những khu TĐC khác, vấn đề nan giải ở đây là khan hiếm nước sinh hoạt do không có kinh phí duy tu sửa chữa thường xuyên nên hệ thống hư hỏng rất nhanh. Một số công trình dù chủ đầu tư bàn giao cho địa phương nhưng chính quyền vẫn không biết cách giúp dân khắc phục sự cố. Điển hình như tại khu TĐC xã Phước Hòa này, theo người dân cho biết, đến bây giờ họ vẫn chưa được thông tin vị trí đặt đường ống dẫn nước sạch âm dưới lòng đất, nên khi xảy ra sự cố hư hỏng họ không biết cách sửa chữa, trong khi đó chủ đầu tư thì nói bàn giao cho địa phương nên hết trách nhiệm.

Bên cạnh đó, nhà máy thủy điện Đắc Mi 4C khi thiết kế không tính chính xác cao trình, độ ngập nên khi mùa mưa đến, diện tích mặt nước hồ dâng lên cao khiến 19 hộ dân nằm sát lòng hồ thường xuyên bị ngập úng. Mặc dù chính quyền và người dân nhiều lần đề nghị chủ đầu tư nhà máy thủy điện có phương án hỗ trợ sơ tán dân lên địa điểm an toàn, song đến nay sự việc vẫn chưa được giải quyết. Đối với đất sản xuất, dù nhà máy thủy điện vẫn bố trí đủ diện tích đất nương rẫy cho người dân  nhưng đất được bố trí bên kia lòng hồ, người dân muốn đến canh tác phải đi đường vòng xa hàng chục kilomet. Mong muốn của địa phương là chủ đầu tư thủy điện cần hỗ trợ xây dựng cây cầu bắc qua sông để dân đi lại canh tác thuận lợi như trước đây.

Hơn 20 hộ dân TĐC thôn 1 (xã Phước Mỹ) sử dụng nguồn nước ít ỏi này để sinh hoạt.

Tại xã Phước Xuân (H. Phước Sơn), dự án thủy điện Đắc Mi 4C cũng đã thu hồi 105ha đất sản xuất của dân, đến nay chỉ cấp lại chưa được 25ha. Ông Nguyễn Tấn Sâm - Chủ tịch UBND xã Phước Xuân cho biết, dự án thủy điện chỉ mới tập trung đầu tư hạ tầng, công trình dân sinh mà thiếu quan tâm xây dựng phương án sản xuất, tính toán quy hoạch quỹ đất canh tác dự trữ. “Chỗ ở mới nơi TĐC thua xa nơi cũ. Chủ đầu tư thủy điện không chỉ giao đất thiếu so với diện tích đất thu hồi mà còn bố trí nơi sản xuất không thuận lợi đi lại, đất quá xấu. Nhiều năm qua, thủy điện nỗ lực khai hoang vài héc-ta lúa nước cho người dân sản xuất nhưng bất lực vì địa hình toàn sỏi đá, không thể sản xuất bằng hình thức cơ giới hóa. Thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định, đời sống bấp bênh khiến đói nghèo triền miên. Những năm gần đây chưa có hộ dân TĐC nào thoát nghèo bền vững sau khi đã đăng ký. Vì chưa tìm kiếm được nghề nghiệp thay thế sau khi bị mất tư liệu sản xuất nên cuộc sống của đồng bào vẫn triền miên nghèo khó”- lãnh đạo xã Phước Xuân than vãn.

Trước những bất cập khiến cuộc sống người dân lâm vào khó khăn, chính quyền các cấp đã nỗ lực can thiệp, giải quyết, song sự việc vẫn chưa khả thi. “Sự xuống cấp về hạ tầng cơ sở, các công trình dân sinh ở các khu TĐC chính quyền nắm rất rõ, nhiều lần đề xuất với chủ đầu tư thủy điện, nhưng họ vẫn thoái thác trách nhiệm. Đối với việc người dân kiến nghị thiếu đất sản xuất, huyện cũng đang rà soát, thống kê lại diện tích những khu vực không phải là rừng thì bóc tách ra để cấp đất sản xuất. Bên cạnh đó, khi giao đất rừng cho người dân quản lý, bảo vệ, cần ưu tiên cho những hộ dân chưa có đất sản xuất để tạo công ăn việc làm cho họ...”-Chủ tịch UBND H. Phước Sơn Nguyễn Mạnh Hà cho biết. Nói về hệ quả của việc di dời người dân để nhường đất cho các dự án thủy điện, ông Đặng Tấn Giản-Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam nhận định: “Chúng ta đã xáo trộn văn hóa bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số. Dân hết tiền, mất đất sản xuất, không trình độ nghề nghiệp ổn định, trong khi không ai đứng ra tổ chức cho họ làm ăn, chẳng khác nào đẩy họ vào đường cùng. Kiểu TĐC đem con bỏ chợ nếu không giải quyết căn cơ, không loại trừ sẽ dẫn đến những hệ lụy rất nghiêm trọng”...

BÃO BÌNH