Nỗi niềm những “giáo viên chờ nâng hạng” ở Nghệ An

Thứ tư, 17/03/2021 14:11

Mới đây, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 01, 02, 03, 04/2021 quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm xếp lương giáo viên từ MN đến THPT. Quy định mới về việc thăng hạng của Bộ đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của giáo viên trên địa bàn Nghệ An. Đây được xem là cơ hội cho những người nhiều năm qua chờ nâng hạng. Tuy nhiên, Sở Bộ GD-ĐT tỉnh Nghệ An khuyến cáo giáo viên cần tìm hiểu kỹ quy định để xác định bản thân thuộc đối tượng nào, đặc biệt, không vội vàng học chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên do đơn vị không có chức năng, thẩm quyền đào tạo tổ chức.

Một giờ dạy tiếng Anh tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An.

Thiệt thòi về thu nhập

Luật Viên chức năm 2010 quy định “người được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp nào thì phải có đủ tiêu chuẩn của chức danh nghề nghiệp đó”. Đối với ngành Giáo dục, giáo viên được xếp từ hạng IV đến hạng I, tùy theo cấp học cũng như yêu cầu về trình độ chuyên môn đào tạo đối với vị trí việc làm tương ứng. Đây cũng là căn cứ để tuyển dụng, trả lương cho giáo viên.

Nhưng trên thực tế, nhiều giáo viên, đặc biệt là giáo viên bậc MN, TH, THCS được đào tạo trên chuẩn, có bằng đại học, song chỉ được trả lương trình độ trung cấp, cao đẳng (tương ứng với giáo viên hạng IV, hạng III). Để được nâng lương, giáo viên buộc phải thi nâng hạng với nhiều tiêu chuẩn, trong đó, có tiêu chí về chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và chứng chỉ nghề nghiệp. Thầy Nguyễn Duy Linh, Hiệu trưởng Trường TH Thạch Ngàn 2, huyện Con Cuông, Nghệ An cho biết: “Mặc dù là trường miền núi khó khăn, nhưng 100% giáo viên của trường đều có trình độ đại học trở lên. Tuy nhiên, trường có 7 giáo viên đang hưởng lương giáo viên hạng III (theo trình độ cao đẳng) do chưa được thi thăng hạng II. Điều này khiến họ gặp thiệt thòi về thu nhập”.

Thực hiện các Thông tư trên, từ tháng 3, cách xếp lương cho giáo viên các cấp theo chức danh nghề nghiệp mới sẽ thay đổi. Trong đó, giáo viên mầm non áp dụng hệ số lương từ 2,1-6,38 (hiện đang áp dụng hệ số từ 1,86-4,98); giáo viên tiểu học từ 2,34-6,78 (hiện đang áp dụng từ 1,86-4,98); giáo viên trung học áp dụng hệ số lương dao động từ 2,34- 6,78 (hiện áp dụng hệ số từ 2,1-6,38).

Ồ ạt tìm đăng ký các lớp học chứng chỉ

Quy định mới về việc thăng hạng khiến nhiều giáo viên trên địa bàn Nghệ An ồ ạt tìm đăng ký các lớp học chứng chỉ nghề nghiệp giáo viên. Thậm chí, nhiều giáo viên do không nắm rõ nên học nhầm loại chứng chỉ. Một số Trung tâm Giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Phòng GD-ĐT cùng trường đại học, cao đẳng mở các lớp học chứng chỉ cho học viên. Trong khi đó, không phải cơ sở nào cũng được phép đào tạo, cấp chứng chỉ. Mặt khác, không phải giáo viên nào có chứng chỉ là được nâng hạng ngay.

Trường THPT Mường Quạ, huyện Con Cuông có 33 cán bộ giáo viên, trong đó có 25 người là giáo viên hạng II. Thầy Đặng Văn Bằng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Nâng hạng là nguyện vọng nhiều năm nay của giáo viên. Tuy nhiên, nhà trường khuyến cáo mỗi giáo viên cần bình tĩnh, không nóng vội chạy theo dư luận để tìm các lớp học không đủ tiêu chuẩn cấp chứng chỉ. Nhà trường luôn khuyến khích mỗi giáo viên tự hoàn thiện bản thân, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp thay vì tạo áp lực để thúc giục giáo viên. Trước băn khoăn, lo lắng của giáo viên, Sở GD-ĐT  tỉnh Nghệ An đã có công văn đề nghị các Phòng GD-ĐT  tạo, các trường học trên địa bàn rà soát cơ cấu, hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên, qua đó xác định đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo các thông tư mới, xây dựng kế hoạch, sắp xếp.

B.T