Nỗi oan của một làng nghề

Thứ sáu, 04/10/2013 09:51

(Cadn.com.vn) - Làng nghề nấu rượu truyền thống Long Thành thuộc xã Tân Long, H. Hướng Hóa, Quảng Trị vốn nổi tiếng khắp nơi vì vị đậm đà của rượu. Nhiều vị khách phương xa chọn cho mình loại rượu này để làm quà cho người thân. Thế nhưng trong thời gian qua cả làng  phải mang tiếng oan vì công ty rượu đóng trên địa bàn pha chế hóa chất vào rượu.

Chưa mừng đã vội lo

Tân Long là xã biên giới được biết đến như xứ sở của chuối, ngoài ra mặt hàng rượu nếp cũng nổi tiếng trong toàn tỉnh. Theo những hộ dân sống ở đây thì làng nghề đã có từ sau năm 1975 khi cha ông của họ lên vùng núi rừng để làm kinh tế mới. Một quá trình dài nổi trôi với nghề nấu rượu, từng bài học kinh nghiệm được đúc kết để làm sao cho ra những giọt rượu tinh túy nhất.

Ai đã từng nếm thử loại rượu của làng nghề này đều khen rằng chất rượu rất đậm đà, có nồng độ nhưng là độ của men rừng cộng nếp hảo hạng chứ không phải dùng cồn hay hóa chất nào khác. Có nhiều người ở phương xa đến thưởng thức một lần thì đặt luôn ở lò rượu vài vò mang về uống dần hay biếu người thân.

Trong vòng xoáy của thị trường, muốn phát triển thì phải xây dựng cho làng nghề truyền thống một thương hiệu cụ thể để cạnh tranh ra bên ngoài. Công ty rượu Tân Long thành lập là một nỗi vui mừng khôn xiết của cả làng nghề. Nhưng dân nấu rượu chưa mừng thì từng đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm và lực lượng quản lý thị trường đến hỏi thăm. Ông Hoàng Đình Tính ( 53 tuổi) đã có thâm niên mấy mươi năm trong nghề nấu rượu bức xúc: “Từ khi tôi bắt đầu khởi nghiệp bằng cái nghề này cho đến nay mới thấy cảnh rượu làng mình phải tiếp từng đoàn kiểm tra này lực lượng nọ. Mấy mươi năm rồi mà làng rượu chúng tôi làm ra đã có ai than phiền đâu. Chỉ tội cái công ty rượu đứng danh thương hiệu rượu gạo làng tôi làm ăn cẩu thả quá. Chạy theo lợi nhuận mà không nghĩ đến người dùng, cả cái làng nghề này cũng liên lụy. Bây giờ người ta không cho nó hoạt động nữa rồi, may thay đóng cửa sớm không dân nấu rượu chúng tôi đã phải bỏ cái nghề cha truyền con nối này rồi”.

Lò rượu thủ công của bà con tại làng nghề Long Thành dần nguội lạnh, chỉ còn nấu nhỏ giọt.

Rồi ông Tính kể: “Thực chất bảo là công ty rượu đóng trên địa bàn nhưng nó có nấu rượu đâu. Nó cho người đi đặt từng hộ nấu, bao nhiêu cũng mua cả. Ngay từ đầu, rượu mà nó móc cân lên cân là bà con đã nghi ngờ rồi. Ai đời rượu lại tính theo khối lượng cơ chứ, sau này mới vỡ lẽ chúng mua rượu của làng nghề rồi về hòa thêm cồn và nước lã thế là đóng chai bán ngon lành. Ai uống vào cũng kêu gào, đầu đau như búa bổ, uống nhiều say vài ngày mà chưa tỉnh, có người còn muốn táng đầu vào tường mà chết cho xong, rồi thề thốt chả bao giờ giám uống rượu nữa”.

Bà con trong làng kháo nhau rằng thì ra mình tin vào công ty rượu để nó lừa cho vỡ mặt, ngay chính quyền địa phương cũng tổ chức hết lễ này hội nọ để mừng nó mở đường làm ăn. Cuối cùng thì cả làng cả xã phải liên lụy. Hôm chúng tôi đến ông Võ Nhất Sinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã than thở: “Khi biết tin có người dám bỏ vốn mở công ty nấu rượu trên địa bàn thì ai cũng mừng rỡ, ít nhất làng nghề của  mình được thị trường biết đến. Nhưng chưa được mừng thì đã vội lo, làm ăn kiểu như vậy thì việc tan tác làng nghề truyền thống địa phương là điều trong nay mai”.

Công ty dởm… cả làng “say”

Căn nhà khang trang của bà Võ Thị Lợi đợt này phải tiếp khá nhiều đoàn kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường H. Hướng Hóa. Một gian nhà phía sau dùng để chưng cất rượu ngày trước chất đầy gạo nếp, men rừng, lò nấu. Lửa lúc nào cũng cháy hừng hực trong lò, nhưng giờ thì nguội lạnh đi rất nhiều. Bà tâm sự: “Tôi học cái nghề nấu rượu từ khi còn là thiếu nữ, đến nay thì con cháu đã đề huề. Mấy mươi năm trong nghề tôi luôn giữ cách nấu rượu truyền thống, tuyệt đối không sử dụng hóa chất hay bất cứ một biện pháp nào bên ngoài để tăng nồng độ cho rượu. Chú thấy đó, cơ quan chức năng kiểm tra lò rượu của tôi thì không có ý kiến gì, vẫn cho tiếp tục hoạt động. Nhưng người đặt nấu ngày càng thưa dần, vì bây giờ họ không còn tin vào chúng tôi nữa”.

Theo kinh nghiệm của những người trong nghề, sở dĩ ở địa phương nấu rượu ngon và chất lượng rượu tốt mà ở các nơi khác không có được là nhờ nguồn nước. Thêm vào đó, sử dụng men làm từ rễ cây của người dân tộc Vân Kiều trên địa bàn, nếp được mua từ Lào và phải là nếp trồng trỉa ở trên đồi, không phải là nếp ruộng. Quá trình phở rượu và lên men đều có bí quyết riêng mà chỉ truyền trong làng, đã nhiều người đến học lỏm về xuôi nấu nhưng không cho ra sản phẩm như ý.

Trước đây trung bình mỗi hộ nấu từ 20 lít đến 30 lít rượu, có hộ nhiều thì đến cả 100 lít mỗi ngày. Nhưng giờ thì nhỏ giọt, cầm chừng để duy trì làng nghề. Mỗi lít lãi chừng 3 đến 5 nghìn đồng, nên nhiều hộ nấu với quy mô lớn cũng kiếm được một khoản lời kha khá từ công việc này. Việc tận dụng hèm rượu sau khi nấu để phục vụ chăn nuôi mang lại một lợi nhuận đáng kể. Từ ngày công ty rượu Tân Long đóng trên địa bàn làm ăn gian dối bị phát giác và cấm tiệt thì làng nghề nấu rượu truyền thống cũng đi xuống. ƯớC mơ về một làng nghề truyền thống nổi tiếng khắp trong tỉnh và ra bên ngoài đã thực sự tan nát.

Theo dự định của UBND xã Tân Long, thì việc mở rộng làng nghề nấu rượu truyền thống ra toàn xã đã không thành công. Tiếng tăm của làng nghề truyền thống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Sinh nói đùa với chúng tôi rằng cái công ty dởm kia làm ăn cẩu thả đến nỗi cả làng phải “say” vì nó. Đây là một bài học kinh nghiệm lớn cho những làng nghề miền núi muốn dấn thân vào thị trường rộng lớn.

Bùi Đức Tú