Nơm nớp lo hàng kém chất lượng dịp Tết
Nhiều vụ sản xuất, vận chuyển hàng kém chất lượng (KCL) bị phát hiện tại Đà Nẵng những ngày giáp Tết khiến người dân thấp thỏm lo âu. Trong khi đó, các mặt hàng thực phẩm tự làm tự bán trên vỉa hè, trên mạng Internet ngày càng nhiều, trở thành xu hướng tiêu dùng lại vô cùng khó khăn trong khâu kiểm soát chất lượng.
Lô rượu ngoại không có hóa đơn mới bị QLTT Đà Nẵng phát hiện. |
Nóng hàng kém chất lượng
Càng gần Tết thì hàng lậu, hàng nhái, hàng hết đát, nói chung là hàng KCL tuồn ra thị trường càng nhiều. Chỉ trong một thời gian ngắn, QLTT Đà Nẵng đã phối hợp với Công an TP ngăn chặn, xử lý hàng loạt vụ sản xuất, lưu thông hàng KCL như bột ngọt, rượu, hạt nêm, mỹ phẩm, quần áo... Mới nhất, ngày 14-1, QLTT Đà Nẵng phối hợp với CSGT kiểm tra đột xuất xe tải BKS 75C-04473, do ông Phan Văn Sa (1972, trú Thừa Thiên-Huế) điều khiển lưu thông qua địa bàn TP. Qua kiểm tra phát hiện hơn 600 chai rượu ngoại các loại gồm Chivas Regal 25, Johnnie Walker Red Label, Captain Morgan Black, Royal Salute Gift boxes 21 không dán tem nhập khẩu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ và tính hợp pháp khi lưu thông. Trước đó, ngày 9-1, lực lượng Cảnh sát kinh tế CATP bắt quả tang một vụ sản xuất, đóng gói hàng giả trên đường Tôn Thất Đạm, Q.Thanh Khê. Theo đó, hơn 1.200 gói hạt nêm và bột ngọt các loại đã được làm giả nhãn hiệu các mặt hàng hạt nêm, bột ngọt thông dụng trên thị trường. Ngoài ra còn có 9 bao nguyên liệu hạt nêm và bột ngọt đang được cất giấu chưa kịp sang chiết, mang đi tiêu thụ.
Do đặc thù phần lớn hàng tiêu dùng ở Đà Nẵng nhập từ phía Nam ra nên việc kiểm soát qua khâu lưu thông gặp nhiều khó khăn. Càng gần Tết, các mặt hàng KCL vận chuyển, lưu thông vào Đà Nẵng càng nhiều. Do đó cuộc chiến ngăn chặn hàng KCL trên các tuyến đường cửa ngõ vào TP cũng nóng hơn bao giờ hết. Đơn cử chỉ trong ngày 25-12 vừa qua, các lực lượng chức năng của Đà Nẵng đã phát hiện 3 vụ vận chuyển hàng KCL với số lượng lớn vào TP. Tại QL 1A ở Hòa Phước, xe khách BKS 43B- 04528 bị phát hiện chở 27 kiện hàng gồm quần áo, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc; xe tải BKS 43C- 15013 cũng chở lượng lớn quần áo không hóa đơn, xuất xứ; 2 xe tải chở 500 kg thịt bò không có giấy kiểm dịch.
Ông Trần Phước Trí, quyền Cục trưởng QLTT Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã tăng cường phối hợp với CSGT kiểm tra kiểm soát hàng lậu lưu thông đến và qua địa bàn TP dịp gần Tết. Theo đó, bên cạnh việc tăng cường lực lượng, thu thập thông tin, QLTT cũng đưa ra nhiều giải pháp để bóc mẽ các thủ đoạn tinh vi của đối tượng buôn lậu. Theo ông Trí, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu diễn biến phức tạp trên khâu lưu thông, khi hàng hòa vào gần tới địa bàn Đà Nẵng thì chúng chia nhỏ, đi bằng nhiều hướng. Khi cơ quan chức năng phát hiện với số lượng vi phạm nhỏ thì chỉ xử lý hành chính. Chẳng hạn rượu nhập lậu được chia nhỏ, khi bị phát hiện không đủ số lượng để khởi tố hình sự. Ngoài ra, chúng liên tục theo dõi, nắm bắt hoạt động của các lực lượng liên quan trong việc điều chỉnh hướng hoạt động của xe khi đi qua địa bàn TP. Chẳng hạn trước đây chúng chỉ đi qua QL1 ở Hòa Châu, Hòa Phước thì nay có thể đi theo đường cao tốc, đường vành đai phía Nam. Điều này đã gây nhiều khó khăn trong kiểm soát, ngăn chặn.
Khó quản hàng handmade
Nhiều mặt hàng thực phẩm tự làm tự bán (hàng handmade) dịp Tết như thịt muối, hành muối, bò khô, mứt gừng... đang là xu hướng được người dùng ưa chuộng. Các mặt hàng này được bán nhiều trên vỉa hè, trên mạng xã hội, tuy vậy rất khó để kiểm nghiệm chất lượng vệ sinh thực phẩm. Chị Thảo Ngân (31 tuổi, trú Q.Hải Châu) cho biết, mình là tín đồ của hàng handmade, thường xuyên mua, sử dụng các mặt hàng thực phẩm trên mạng xã hội. Theo chị Ngân việc mua bán này thuận lợi, đỡ tốn thời gian, được giao hàng tận nhà, hơn nữa được nhìn sản phẩm trực quan bằng hình ảnh, người bán hầu hết cũng là bạn bè quen biết nhau trên facebook nên yên tâm về chất lượng. Thay vì sắm Tết theo cách truyền thống ra chợ, siêu thị, chị Ngân vừa đặt thịt muối, bò khô, mứt gừng cho dịp Tết này từ các bạn facebook sau khi “lượn” một vòng nhìn ngắm nhiều hình ảnh hấp dẫn. Không chỉ chị Ngân mà nhiều người tiêu dùng khác do bận rộn công việc cũng thường chọn mua hàng qua mạng để được ship tận nhà cho thuận tiện.
Tuy nhiên, theo ông Trần Phước Trí, việc kiểm soát chất lượng các mặt hàng tự làm tự bán này hiện rất khó khăn. Ông Trí nói: Đây là các mặt hàng tự làm, không đăng ký kinh doanh, không có hóa đơn chứng từ, khi phát sinh sự việc QLTT rất khó xử lý. Mua bán trên vỉa hè, nhưng ATTP thì ảnh hưởng chung, khi ăn rồi, xảy ra sự cố, truy ra mới phát hiện hàng này mua trên vỉa hè thì không biết nguồn gốc xuất xứ sản xuất, không có cơ sở QLTT cũng như lực lượng chức năng tiến hành tiếp nhận vụ việc, xử lý. Theo ông Trí, việc buôn bán này nhỏ lẻ, rất nhiều, không thể kiểm soát hết được do đó khuyến cáo người dân nên tới những nơi đảm bảo uy tín chất lượng, mua hàng có nhãn tem, nguồn gốc xuất xứ. Như vậy khi xảy ra sự cố ngộ độc thực phẩm có cơ sở xử lý. Với việc mua bán hàng online cũng vậy, phải đọc kỹ nội dung liên quan, đặc biệt hướng dẫn sử dụng, hóa đơn chứng từ, để có cơ sở xử lý khi phát sinh sự việc không mong muốn.
HẢI QUỲNH