Nồng ấm ký ức sông Con
1. Sông Hiếu, còn có tên gọi là sông Con, một trong những con sông lớn tại Nghệ An. Ở đất Nghĩa Đàn, sông mang tên Hiếu, đến Tân Kỳ thành sông Con. Đã là Con thì phải Hiếu, tên sông hay ý nguyện con người! Đi hết H. Tân Kỳ, sông Con bỗng chảy ngược lên vùng núi Anh Sơn xanh thẳm như lưu luyến không chịu từ giã đại ngàn. Đoạn sông chảy ngược này dài hơn 60 km, sau đó đổ vào sông Lam ở ngã ba Cây Chanh. Sông Con mang trong lòng nó rất nhiều kỳ tích lịch sử đã thành tình cách mạng, tình kháng chiến gắn bó thủy chung. Hai bờ sông Con tuy nhỏ bé về diện tích nhưng đó là mạch Đất Thiêng, mạch đất của những huyền thoại lịch sử mang tính thời đại. Bên sông có dãy núi Lèn Rõi có hệ thống hàng chục hang động rất hoang sơ, kỳ vĩ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy trong Hang Chùa hàng trăm loại công cụ có hình dạng rìu đá, dao đá, chày đá... của người Việt Cổ. Sử sách chép rằng các hang động ở Lèn Rõi ấy cũng đã từng là nơi cất giấu vũ khí, nơi trú quân tập luyện, chính là “căn cứ địa” nghĩa quân Lam Sơn của Lê Lợi. Lê Lợi đã đưa quân từ Lam Sơn (Thanh Hóa) về đây xây dựng lực lượng kháng chiến lâu dài. Xuất phát từ đây, nghĩa quân Lê Lợi đã diệt thành Trà Lương, Khả Lưu, Bồ Ải, Trà Lân... Tất cả những trận đánh ấy, Lê Lợi đều xuất quân ở căn cứ Bãi Lơi Lơi, bãi Tập Mã, đồng Voi, núi Đồn, núi Cột Cờ, ở những thành lũy trên đất Tiên Kỳ, Giai Xuân... bên sông Con. Trong áng hùng văn Bình Ngô Đại Cáo lẫm liệt của Nguyễn Trãi, có nhắc tên miền đất sông Con - Tân Kỳ: “Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay...”. Đó là trầm tích lịch sử.
Lịch sử cũng có một sự trùng hợp lạ kỳ. Gần 1.000 năm trước, vào thời Lý, con thứ 5 của Lý Thái Tổ là Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang, trấn giữ châu Nghệ An (11-1041) đã dùng sức dân mở con đường thượng đạo trên đất Tân Kỳ. Con đường ấy đã góp phần quan trọng vào chiến thắng của vua Lê Thái Tông đánh tan quân Chiêm Thành ở cửa biển Ô Long mùa xuân năm Giáp Tý (1044). Thời chống Mỹ, người Tân Kỳ lại một lần nữa xẻ núi, băng rừng mở đường thượng đạo: Đường Hồ Chí Minh lịch sử. Ngày 9-9-1964, trên một bãi đất hẹp dưới chân núi Dong, Trung đoàn 98 công binh đã bổ nhát cuốc đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh. Nơi xuất phát điểm ấy là “Cây số 0” ở ngã ba thị trấn Lạt bên sông Con. Cuối năm đó, con đường bí mật ấy mới mở được 16 cây số. Thế mà một năm sau (10-1965) đoàn xe chở vũ khí lương thực đầu tiên đã chuyển bánh vào Nam. Con đường mòn mang tên Bác vươn tới tận Lộc Ninh, phía tây Sài Gòn. Con đường thượng đạo Hồ Chí Minh chính là cột xương sống vững chãi để dân tộc ta làm nên thắng lợi vĩ đại năm 1975, thống nhất Tổ quốc!
2. Một ký ức sống động nhất, nồng ấm nhất trên đất sông Con, làng Sẻ, xã Nghĩa Đồng là "Xưởng quân giới Huỳnh Thúc Kháng”. Câu chuyện kháng chiến này người làng Sẻ ai cũng nhắc nhớ. Người kỹ thuật viên sản xuất vũ khí thời ấy là ông Nguyễn Văn Ngọc, 95 tuổi, hiện đang sống tại Hà Nội. Ông Ngọc kể: Năm 1947, nhà máy Trường Thi- Bến Thủy ở Vinh do Chính phủ ta quản lý là nhà máy sửa chữa đầu máy xe lửa lớn nhất Đông Dương bị máy bay Pháp đánh phá. Vì nhà máy Trường Thi có sản xuất súng ống đạn dược, quân dụng phục vụ cho quân đội nên Chính phủ chủ trương sơ tán nhà máy về các huyện miền núi Nghệ An, Hà Tĩnh, mỗi cơ sở quân giới được đặt tên các nhà cách mạng yêu nước như: Huỳnh Thúc Kháng, Quách Văn Cự, Hoàng Hữu Nam, Lê Đình Dụ, Vũ Tiến Tới, Đặng Thái Thân... Cơ sở quân giới ở Làng Sẻ được mang tên cụ Huỳnh Thúc Kháng, đóng tại Vực Voi, thôn Tri Chỉ, xã Đại Đồng, H. Nghĩa Đàn (nay thuộc xã Nghĩa Đồng, H. Tân Kỳ) gọi là Xưởng Quân giới Huỳnh Thúc Kháng. Đó là thời của lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn từ Trung Quốc về làm tư lệnh Liên khu IV. Từ 1947-1951, xưởng đã sản xuất hàng trăm tấn vũ khí. Xưởng thời đó chạy máy phát điện bằng hơi nước máy “Ru Lô”, lấy nước từ bến sông Con đoạn Vực Voi, lấy củi trong rừng bằng sức trâu, bò kéo cộ, công nhân khuân vác. Đường đi an toàn nhất lúc này là đường sông với thuyền chở ngược, bè, mảng đi xuôi. Với diện tích rộng gần 5 ha đất chiếm 1/3 rú Bắc Cho và Vực Voi, thôn Tri Chỉ, làng Sẻ dành cho xưởng xây dựng nhà máy, sân chơi thể dục thể thao, bóng chuyền và làm nhà ở tập thể cho công nhân. Công nhân xưởng, từ Bắc, Trung, Nam chuyển về, có người đưa cả vợ con lên đây sau này ở lại lập nghiệp ở xã Nghĩa Đồng. Lúc đó, ông Võ Duy Thái (tức cố Trọng) làm trưởng thôn Tri Chỉ, sau đó làm Phó Chủ tịch UBND xã, cùng thời với ông Dương Bẹn làm chủ tịch, người biết về địa lý phong thủy, địa hình rừng núi, thông thạo địa hình rừng núi mọi nơi. Có thể nói ông Thái là cầu nối giữa chính quyền địa phương, nhân dân với cán bộ công nhân xưởng Huỳnh Thúc Kháng, bất cứ công việc gì ban lãnh đạo xưởng đều tham khảo ý kiến của ông. Vì thế khi khảo sát về địa điểm đặt nhà máy, Ban Giám đốc đều nhờ đến ông Thái, coi ông như một cán bộ, một phó quản đốc xưởng. Nhờ ông huy động sức người trong thôn, huy động trâu, bò kéo gỗ làm nhà, kéo máy từ dưới sông lên, khi sản xuất xong chuyển vũ khí đạn dược lên thuyền bè...Gia đình công nhân được ở khu tập thể trong xưởng, các công nhân độc thân thì ở sơ tán trong nhà dân. Mỗi người đều có một tên riêng làm con nuôi, lấy họ của các gia đình trú ở làm giấy thông hành (giấy căn cước, chứng minh bây giờ) phòng khi địch họa.
Ông Nguyễn Văn Ngọc (thứ 3 phải sang) và con cháu họ Vũ Nghĩa Đồng. Ảnh: Thanh Tuệ |
Năm 1952 do quá trình vận chuyển bị lộ giặc Pháp đem máy bay đến ném bom làm hư hỏng nhà máy. Để bảo đảm an toàn cho dân quanh vùng, xưởng tạm dừng và sơ tán đi nơi khác. Một lần nữa người dân thôn Tri Chỉ- làng Sẻ lại phải chung sức cất giấu, máy móc cho xưởng chờ ngày trở lại! Đến năm 1958 những máy móc còn lại được chuyển lên xưởng 250 Nghĩa Đàn thuộc Bộ Nông nghiệp tiếp quản đến bây giờ. Năm 1955, ông Võ Duy Thái bị quy sai địa chủ. Ông Nguyễn Văn Ngọc đã tìm những người công nhân Xưởng quân giới Huỳnh Thúc Kháng của mình cũng ký đơn gửi lên chính quyền tỉnh Nghệ An và Chính phủ xét lại công lao kháng chiến của ông bố nuôi Võ Duy Thái. Nhờ thế, năm 1998, ông Võ Duy Thái đã được Chính phủ tặng Huy chương Kháng chiến hạng Ba...
Năm 1996, ông Nguyễn Văn Ngọc dẫn 4 cựu chiến binh xưởng Quân giới Huỳnh Thúc Kháng từ Hà Nội về thăm lại Nghĩa Đồng nơi địa danh xưa các cụ từng công tác tại đây. Đường xa, tuổi cao, đi đường vất vả, song được đến với “chiến khu xưa” một thời từng sống và công tác, ai cũng háo hức tìm đến xưởng, tìm dấu tích địa hình xưa, thắp nhang cho những người thân yêu làng Sẻ đã quá cố. Cán bộ làng xã thời đó đã mất lâu rồi, lớp lớp thanh niên hồi đó người còn người mất, người đi xa, chỉ còn lại các cụ bà tuổi xưa nay hiếm... Nghĩa Đồng ngày nay là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, cuộc sống bà con đổi mới từng ngày. Các bà các ông cao tuổi, khi nhắc đến Xưởng quân giới Huỳnh Thúc Kháng, câu chuyện luôn rôm rả và phấn khích. Chuyện chiến tranh đã thành chuyện tình người nồng ấm và gắn bó! Núi Vực Voi còn soi bóng dòng sông Con như một nhân chứng về xưởng Huỳnh Thúc Kháng lừng danh xưa!
NGÔ MINH