Nóng bỏng nạn lấn chiếm đất hành lang bảo vệ đê điều xây dựng nhà ở
Xây nhà trên đê
(Cadn.com.vn) - Hệ thống đê Đông (viết tắt: đê Đông) dài gần 50km, chạy dọc từ TP Quy Nhơn (Bình Định) đến các xã phía Đông của H. Tuy Phước và H. Phù Cát (Bình Định). Tuyến đê có nhiệm vụ ngăn mặn, tiêu úng, thoát lũ; phục vụ sản xuất, canh tác và bảo vệ cư dân sinh sống ven đê. Thế nhưng trong vài năm gần đây, tình trạng người dân lấn chiếm đất trên phạm vi đê và đất thuộc hành lang bảo vệ đê để xây dựng nhà ở trái phép thường xuyên diễn ra. Sở dĩ có tình trạng này là do chính quyền các địa phương và ngành chức năng liên quan chưa kiên quyết, triệt để trong ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm. Việc xử lý các trường hợp vi phạm hầu hết chỉ dừng ở mức phát hiện, lập biên bản rồi... vận động người vi phạm tự giác tháo dỡ công trình. Thế nhưng, đa số các trường hợp không chấp hành; còn chính quyền địa phương và ngành chức năng cũng bỏ ngỏ việc cưỡng chế, tháo dỡ.
Đơn cử, trong năm 2014 và 2016, có tổng cộng 8 trường hợp ở xã Phước Sơn và xã Phước Thắng (H. Tuy Phước) lấn chiếm hàng trăm mét vuông đất hành lang đê Đông để đắp nền, xây dựng nhà ở trái phép. Các trường hợp này bị chính quyền địa phương và ngành chức năng lập biên bản, đề nghị tháo dỡ, trả lại hiện trạng ban đầu. Nhưng đến nay, những căn nhà đã xây dựng và các nền, móng vẫn còn tồn tại. Thậm chí, vào tháng 2-2017, ông Nguyễn Văn Hùng (bị lập biên bản vi phạm năm 2014, trú xã Phước Thắng) tiếp tục tập kết vật liệu tại nơi vi phạm để xây dựng nhà ở. Theo Chi cục Thủy lợi - Sở NN&PTNT Bình Định, tình trạng xây dựng công trình nhà ở trái phép trên hành lang bảo vệ đê điều thuộc hệ thống đê Đông không chỉ diễn ra ở xã Phước Sơn, Phước Thắng mà còn xuất hiện ở xã Phước Thuận, Phước Hòa (H. Tuy Phước); xã Cát Chánh (H. Phù Cát) và P. Nhơn Bình, P. Nhơn Phú (TP Quy Nhơn).
Ông Hùng xây nhà trên đất thuộc hành lang bảo vệ đê Đông (ảnh chụp ngày 22-2-2017). |
Nan giải việc xử lý
Ông Nguyễn Xuân Phú - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, cho biết: Nhiều trường hợp xây dựng công trình nhà ở xảy ra và tồn tại từ trước khi Luật Đê điều có hiệu lực thi hành nên việc xử lý gặp khó khăn, vướng mắc. Riêng những trường hợp mới phát sinh gần đây, Chi cục phối hợp với các địa phương kiểm tra, lập biên bản vi phạm; đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương kiên quyết xử lý triệt để. "Việc xử lý cưỡng chế, tháo dỡ thuộc trách nhiệm chính của địa phương. Nhưng thực tế, hầu như chưa có công trình xây dựng trái phép nào bị cưỡng chế, tháo dỡ", ông Phú thẳng thắn thừa nhận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Giàu - Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho rằng: UBND xã thường xuyên kiểm tra, lập biên bản đối với các trường hợp vi phạm rồi vận động người dân tự giác tháo dỡ công trình là chính. Bởi nếu tổ chức cưỡng chế cần kinh phí khá lớn, có trường hợp số tiền thực hiện lên tới 20 - 30 triệu đồng. Khoản tiền này UBND xã phải ứng trước từ ngân sách; nhưng sau đó hầu hết các trường hợp vi phạm không chấp hành việc nộp khoản chi phí tháo dỡ nên địa phương rất khó khăn. Còn theo ông Nguyễn Văn Công - Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, thì: "Xã liên tục tuần tra để phát hiện, ngăn chặn và xử lý tình trạng lấn chiếm hành lang đê Đông để xây dựng nhà trái phép. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm thường lén lút bơm cát, xây dựng móng, nền vào ban đêm hoặc các ngày nghỉ nên việc lập biên bản quả tang để xử lý gặp nhiều khó khăn" (!?).
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND H. Tuy Phước Nguyễn Đình Thuận cho rằng: "Quan điểm của huyện là phải ngăn chặn ngay từ đầu, không để phát sinh các trường hợp vi phạm mới. UBND huyện sẽ chỉ đạo các địa phương có tuyến đê Đông đi qua tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm để tình trạng xây dựng nhà trên hành lang đê không còn tái diễn".
Để hệ thống đê Đông không bị xâm phạm, chính quyền địa phương và ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh, kiên quyết tháo dỡ công trình xây dựng trái phép nhằm răn đe, ngăn chặn ngay từ đầu.
C.Luận