Nóng chuyện dạy bơi cho trẻ

Thứ năm, 25/05/2017 10:53

(Cadn.com.vn) - Thực trạng việc trẻ em đuối nước tăng dần qua mỗi năm và đang ở mức báo động đặt ra một thách thức không nhỏ cho các ngành, đơn vị và toàn xã hội, đặc biệt, khi hè đến,  việc phổ cập, nỗ lực dạy bơi cho trẻ đang được cấp bách thực hiện. Tuy nhiên, thực tế để đáp ứng được mục tiêu của Bộ LĐ-TB&XH đến năm 2020 có trên 80% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi là điều không hề dễ dàng khi vẫn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập. Ngay bây giờ, vấn đề đặt ra là việc dạy bơi cho trẻ không phải đổ dồn lên vai ngành Giáo dục mà cần sự chung tay từ cộng đồng, xã hội.

Để khắc phục tình trạng đuối nước ở trẻ em cần có sự quan tâm, chung tay của toàn xã hội.

Báo động tình trạng trẻ em đuối nước

Theo thống kê mới nhất của Bộ LĐ-TB&XH, với việc có đến 3.500-4.000 trẻ em đuối nước mỗi năm khiến Việt Nam là nước có tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất khu vực và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Tại Quảng Nam-Đà Nẵng việc trẻ em là học sinh ở các trường tiểu học và THCS bị đuối nước cũng liên tục diễn ra. Mới đây nhất, ngày 1-5, một học sinh ở Quảng Nam khi tắm biển cùng gia đình tại biển Bình Minh (xã Bình Minh, H. Thăng Bình) đã bị sóng biển cuốn trôi. Hay như trước đó hai anh em ruột tại TP Tam Kỳ trong lúc vui chơi vô tình sập hố công trình và đuối nước. Ngoài ra, vụ ba học sinh trung học tại TT Ái Nghĩa (H. Đại Lộc) khi tắm biển Đà Nẵng bị đuối nước cũng để lại nhiều đau thương, tiếc nuối cho gia đình và người thân... Trước thực trạng đó Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng đề xuất chính sách hạn chế đuối nước cho trẻ em thông qua việc phổ cập kiến thức, dạy bơi cho trẻ. Theo đó, ngoài việc 80% trẻ em được học bơi đến năm 2020 thì 100% các tỉnh, TP phải kiện toàn mạng lưới dịch vụ bơi, tổ chức dạy kỹ năng an toàn cho trẻ 6-15 tuổi; 100% tỉnh, TP xây dựng đội ngũ giáo viên dạy bơi và 100% các xã, phường loại bỏ các tác nhân xấu gây đuối nước cho trẻ. Ông Trần Công Nguyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng cho biết: Việc tăng cường dạy bơi, giảm tỷ lệ đuối nước ở trẻ em đang được các cấp, ngành và các đơn vị quan tâm, triển khai. Sở LĐ-TB&XH cũng đã yêu cầu tăng cường phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong việc tổ chức dạy bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh tiểu học và THCS theo chương trình "Bơi an toàn" của TP. Ưu tiên hỗ trợ cho trẻ em có hoàn ảnh đặc biệt, phối hợp bàn giao, quản lý trẻ an toàn dịp hè nhằm hạn chế tai nạn thương tích, đuối nước.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Thực tế việc tổ chức dạy bơi cho trẻ được quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Ở địa bàn vùng sâu, vùng xa thời gian nghỉ hè nhiều nhưng học sinh vẫn không có cơ hội được học bơi khi thiếu bể bơi, thiếu giáo viên dạy và không có nguồn kinh phí tổ chức thực hiện. Hơn thế, không có bể bơi, người hướng dẫn việc các em tìm đến các ao, hồ để bơi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Qua khảo sát tại một số trường tiểu học trên địa bàn Quảng Nam, vấn đề xây dựng hồ bơi trong khuôn viên trường là "giấc mơ" khó thực hiện, số trường được hỗ trợ, vận động kinh phí xây dựng được hồ bơi chỉ tính trên đầu ngón tay. Riêng tại Đà Nẵng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND TP một số trường trên địa bàn TP cũng đã xây dựng hồ bơi, tổ chức dạy, phổ cập kiến thức bơi và phòng chống đuối nước. Bà Phạm Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng GD&ĐT H. Hòa Vang, cho hay: "Việc tổ chức cho học sinh học bơi luôn được nhà trường và phụ huynh quan tâm, hưởng ứng. Hiện nay, đã có một số trường tiểu học trên địa bàn huyện tổ chức dạy bơi, đến cuối năm sẽ có tổng cộng 17 trường tiểu học có bể bơi từ nguồn kinh phí của TP. Trung bình 20 buổi học các em có thể biết bơi và tự trang bị được kỹ năng ứng phó với hoàn cảnh xấu".

Ngoài ra, việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lúc không có điều kiện xây bể bơi cũng nảy sinh nhiều "sáng kiến" hay khi nhiều nơi đã vận dụng một số đoạn sông, hồ đảm bảo an toàn tạo "bể bơi" cho trẻ. Tuy nhiên, chính vì ô nhiễm môi trường thời gian gần đây nên giải pháp đó cũng không còn khả quan. Nhiều trường, đơn vị cũng tự vận động kêu gọi hỗ trợ từ xã hội để tự xây dựng bể dạy bơi trong khi chờ kinh phí. Điển hình như thầy Đỗ Xuân Thưởng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Đức Thiệu (TT Ái Nghĩa, H. Đại Lộc, Quảng Nam) đã tự vận động kinh phí xây dựng bể bơi phục vụ dạy bơi cho học sinh nhà trường. Về vấn đề khắc phục đuối nước cho trẻ, Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu, ngoài sự nỗ lực của ngành giáo dục cần có sự quan tâm của toàn xã hội, tăng cường phối hợp giữa gia đình-nhà trường, không ngừng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Phi Nông