Nông dân Đà Nẵng đoàn kết, năng động, sáng tạo
Với tinh thần “Đoàn kết- Năng động- Sáng tạo- Hợp tác-Phát triển”, phát huy vai trò nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn..., hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống, trong những năm qua, Hội Nông dân TP Đà Nẵng đã thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu về kinh tế-xã hội..., góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp
Toàn TP Đà Nẵng có hơn 48.000 hộ sinh sống bằng kinh tế nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 5% dân số thành phố, chủ yếu tập trung tại địa bàn huyện Hòa Vang. Trong nhiều năm qua, nông dân Đà Nẵng tích cực thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động sản xuất kinh doanh và không ngừng nâng cao về trình độ học vấn, tay nghề, đời sống vật chất và tinh thần của đa số nông dân được cải thiện.
Nhiều năm qua, nông dân Đà Nẵng bắt tay thực hiện chương trình “Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao (CNC), sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với xây dựng nông thôn mới” và chuyển dịch theo định hướng nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, ứng dụng CNC phục vụ đô thị và du lịch, tập trung vào 3 lĩnh vực mũi nhọn sau: nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp hữu cơ; khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần nghề cá; bảo vệ, phát triển rừng gắn với trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn; đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, đã xây dựng vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, với diện tích 345ha, vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn ứng dụng CNC theo hướng VietGap gần 43 ha. Đặc biệt, phát triển thủy sản theo hướng khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo gắn với cơ cấu vươn khơi, phát triển nghề cá hiện đại, đảm bảo đúng quy định quốc tế về khai thác theo quy ước IUU. Ngoài ra, tập trung phát triển ngành thủy sản từ khai thác theo phương thức truyền thống sang hiện đại, tiên tiến, ứng dụng CNC, bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản… Đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá để Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực. Ngư dân luôn vươn khơi, bám biển, duy trì hoạt động 129 tổ đoàn kết khai thác hải sản với 840 tàu, 4 nghiệp đoàn nghề cá với 473 đoàn viên là chủ tàu, thuyền viên, nâng sản lượng nuôi trồng, đánh bắt hàng năm khoảng 37.500 tấn. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, tổng diện tích đất rừng là 66.353,85 ha, trong đó đất có rừng là 63.044,15ha; tỷ lệ che phủ rừng là 45,5%; chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng rừng, triển khai trồng rừng đặc dụng, phòng hộ và chính sách hỗ trợ trồng rừng nguyên liệu cây gỗ lớn trên địa bàn thành phố. Các địa phương có rừng tích cực thực hiện việc giao đất rừng sản xuất cho người dân quản lý, trồng và khai thác; công tác quản lý, bảo vệ rừng được tăng cường, hiệu quả từ mô hình kinh tế rừng tăng lên... Để kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, năm 2021 Thành ủy Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 07 về việc xây dựng và phát triển huyện Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hòa Vang giai đoạn 2022-2025. Nhờ những cơ chế đúng đắn đó, kinh tế nông thôn Đà Nẵng có nhiều thay đổi toàn diện, cư dân và nông dân tích cực chuyển đổi ngành nghề, phát triển đa dạng các hoạt động thương mại, dịch vụ hỗ trợ sản xuất. Cơ cấu hộ, cơ cấu lao động có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tất cả các xã tại Hòa Vang đều đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao… Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, nông thôn, đã có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Đời sống gia đình nông dân được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, môi trường sinh thái được cải thiện đáng kể…
Chú trọng công tác tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến
Ông Nguyễn Hữu Thiết - Chủ tịch Hội Nông dân TP Đà Nẵng, trao đổi: Để đạt được những kết quả nêu trên, Hội Nông dân thành phố đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước để ban hành các Đề án, chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của nông dân Đà Nẵng. Ngoài ra, Hội còn tổ chức 300 lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho gần 26.3000 lượt cán bộ ở các cấp hội. Cùng đó, tổ chức các phong trào thi đua do Trung ương Hội, UBND thành phố phát động cũng như kịp thời tôn vinh, nhân rộng điển hình tiên tiến như “Chi hội, hội viên nông dân tiêu biểu”; “Nhà nông xuất sắc”; “Nhà khoa học của nhà nông”, các điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững…Bên cạnh đó, Hội còn hỗ trợ về cây, con giống, vật tư nông nghiệp với giá trị 53 tỷ đồng để giúp đỡ cho 4.000 lượt hộ nghèo, đồng thời giúp cho 1.800 hộ nông dân thoát nghèo, có thu nhập, việc làm ổn định. Trong 5 năm, có hơn 25.000 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Ngoài ra, Hội còn phối hợp cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác dân tộc, chính sách dân tộc, giúp đồng bào dân tộc Cơ Tu tại 2 xã Hòa Phú, Hòa Bắc được hưởng các chính sách về an sinh xã hội, tự chủ trong sản xuất để tự thoát nghèo bền vững.
Có thể nói, bằng cách vận dụng linh hoạt, năng động…, Hội Nông dân thành phố đã góp một phần công sức cùng với chính quyền các cấp tại Đà Nẵng xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, nông thôn hiện đại…
M.T