Nông dân lao đao vì thơm (dứa) rớt giá

Thứ sáu, 12/01/2018 16:20

Hiện khu vực giáp ranh giữa hai huyện Đại Lộc và Nam Giang là vùng có diện tích trồng thơm lớn nhất của Quảng Nam. Cuộc sống người dân nơi đây phụ thuộc chủ yếu vào việc trồng thơm. Nhiều năm trước, khi giá thơm bắt đầu tăng mạnh, nhiều người đã chuyển đổi diện tích trồng cây keo sang trồng thơm, nhà ít thì vài sào, nhiều thì vài héc-ta. Trang trại gia đình ông Bùi Tấn Ngọc (1971, TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang) nằm trên một sườn đồi heo hút. Trước mắt chúng tôi là một vùng trồng thơm rất quy mô, trải dài từ chân lên đến sườn đồi.

Anh Bùi Tấn Ngọc bên vườn thơm đến kỳ thu hoạch.

Ông Ngọc cho biết đã trồng thơm được 7 năm nay, đây là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nhiều năm trước thơm được giá, với diện tích 2,5ha, trừ chi phí phân bón, công chăm sóc  cuối năm gia đình ông lãi khoảng 150 triệu đồng. "Trồng thơm mất nhiều công chăm sóc, khi thu hoạch xong phải cắt cành già rồi vào phân để nuôi cây non. Chừng 5- 6 tháng thì thu hoạch. Lúc trước, đến mùa thu hoạch tôi phải thuê 6-7 nhân công, nhưng hiện nay giá thơm quá thấp nên chỉ 2 vợ chồng làm, được chừng nào hay chừng đó, còn lại thì bỏ chứ thuê nhân công không đủ tiền trả công. Nhiều năm trước 1 cộ thơm (300 quả) bán được gần 2 triệu đồng, nhưng năm nay chưa được 500 ngàn đồng"- ông Ngọc nói.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Hai (1950, trú xã Đại Sơn, H. Đại Lộc) tâm sự: "Tôi bắt đầu trồng thơm từ năm 2007. Nhờ trồng thơm nên kinh tế gia đình khá giả hơn. 2 năm trở lại đây việc mua bán không còn nhộn nhịp như trước nữa, các thương lái ép giá, hầu như chúng tôi chỉ thu hoạch những quả to. Năm nay giá thấp nên đói rồi..."- ông Hai buồn bã nói.

Thơm năm nay được mùa nhưng mất giá khiến người trồng gặp khó khăn. 

Qua tìm hiểu, các thương lái cho biết, nguyên nhân thơm rớt giá do những năm trở lại đây thơm ở Nghệ An, Hà Tĩnh nhập về với giá rất thấp nên họ phải thu mua giá thấp và chỉ mua quả lớn, giá từ 2 đến 4 ngàn đồng. "Giá thơm giảm mạnh, thương lái chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, sức tiêu thụ giảm, nhiều mối quen vì lợi nhuận đã lấy hàng từ phía Bắc. Những năm trước, có ngày tôi mua hơn 1 tấn, nhưng vụ này một ngày chỉ mua 2 tạ, có khi ít hơn, tùy vào lượng thơm từ phía Bắc nhập về.  Biết người nông dân trồng trọt vất vả, nhưng chúng tôi phải thu mua theo giá thị trường thôi"- một thương lái thông tin. Trao đổi với chúng tôi, ông Bnướch Sơn- Trưởng thôn Hoa, nơi có vùng chuyên canh thơm lớn nhất H. Nam Giang cho biết, thôn Hoa hiện có khoảng 30ha đất  trồng thơm. Nghề trồng thơm phát triển nhiều năm nay và đã tạo ra nguồn kinh tế ổn định cho người dân. Nhờ trồng thơm mà các hộ dân trong thôn từng bước thoát nghèo, đời sống kinh tế được nâng lên. Thế nhưng trong vài năm nay giá thơm liên tục giảm, năm 2016 giảm 1 nửa so với các năm trước, còn vụ này thì chưa được nửa giá. Chi phí bỏ ra lớn, trong khi thu hoạch giá cả thấp khiến người nông dân trồng thơm gặp rất nhiều khó khăn.

LÊ VƯƠNG