Nồng nàn Kiều Oanh
(Cadn.com.vn) - Mỗi nghệ sĩ đều mang trong máu thịt và tâm hồn mình những dấu ấn sâu đậm của bản sắc văn hóa vùng đất mà mình sinh ra và trưởng thành. Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Oanh, con chim sơn ca của Nhà hát kịch TT-Huế là đứa con của vùng sông nước Kiến Giang - Lệ Thủy, Quảng Bình, nhưng được nuôi dưỡng lớn lên trong vành nôi văn hóa Huế. Người dân Huế mê giọng hát nồng nàn ngọt lịm của Kiều Oanh, du khách bốn phương xuống đò nghe ca Huế cũng muốn mời cho được Kiều Oanh để thưởng thức tiếng hát, nụ cười của chị. Người ta ví chị như hạt phù sa lắng đọng của hai dòng sông: Kiến Giang và Sông Hương.
Kiều Oanh sinh ra bên bờ Kiến Giang, nơi miền sơn cước Bến Tiến, Phong Thủy nghèo khó. Tuổi nhỏ, ngoài thời gian học, Oanh thường lên rừng hái củi, rồi theo mẹ chèo đò xuôi về chợ Tréo nơi Ngã ba Mũi Viết bán kiếm tiền đong gạo. Tuy cuộc sống vất vả, nhưng tuổi thơ của Oanh luôn được sống trong không gian hò hát tâm linh của vùng quê hương sông nước. Miền quê Lệ Thủy ấy thật lạ lùng, nam nữ chèo đò cũng hát, đi cấy, gặt, đi xay lúa, giã gạo cũng hát, cũng hò khoan lề hố. Lệ Thủy có tất cả các điệu hò mà Huế có như hò mái nhì, mái đẩy, hò mái ba, mái bảy, hò xắp, hò nện, v.v... Người ta bảo chính nhà quân sự tài ba Đào Duy Từ - người đã khởi thảo ra tuồng Sơn Hậu, sáng tác các điệu múa Song Quang, Nữ tướng xuất quân, Tam Quốc, Tây Du..., người có công đầu trong việc phát triển nghệ thuật tuồng ở Đàng Trong... đã sáng tác và dạy cho người Lệ Thủy những điệu hò da diết ấy, khi ông theo lệnh chúa Nguyễn ra Quảng Bình thiết kế và chỉ đạo xây dựng lũy Trường Dục ở Phong Lộc (tên cũ của H. Lệ Thủy) và lũy Nhật Lệ ở Đồng Hới, chống quân Trịnh 400 năm trước. Văn hóa Việt luôn di chuyển theo bước chân người mở cõi, cho nên không biết ca Huế có trước hay hò khoan Lệ Thủy có trước...
Kiều Oanh cùng bạn bè hò khoan giã gạo, kẻ hò, người xố thâu đêm suốt sáng. Tiếng hò mái nhì, mái xắp trên sông Kiến đi vào tận giấc mơ, thấm vào máu thịt Kiều Oanh. Mang nặng tâm thức dân ca xứ sở ấy, Kiều Oanh lớn lên với lòng say mê dân ca từ nhỏ. Sau này, có lần Oanh tâm sự: “Tôi mê ca Huế từ nhỏ và luôn ao ước được trở thành diễn viên ca kịch Huế”. Rồi ca kịch Huế đã trở thành duyên nợ của cuộc đời Kiều Oanh.
Năm 16 tuổi, Kiều Oanh nộp đơn thi vào Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Huế. Nét tài sắc long lanh thiên bẩm của cô gái Quảng Bình đã được Huế đón nhận và vun đắp nên tài. Và hơn 27 năm, Kiều Oanh đã sống hết mình với nghề, hết mình với công chúng khán giả Huế trên cả 3 lĩnh vực hoạt động nghệ thuật: sân khấu ca kịch Huế, ca Huế trên sông Hương và diễn viên điện ảnh. Càng hát, càng diễn càng sắc sảo, tài hoa. Ngay trong năm đầu tiên ở Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, Kiều Oanh đã cùng một số bạn được các thầy giáo cho tham gia dựng vở, đi hát ca Huế trước công chúng. Năm 1985, khi tốt nghiệp ra trường, mới 19 tuổi, Kiều Oanh đã bước lên sân khấu Nhà hát Hưng Đạo (Huế) trước hàng ngàn khán giả, với vai Nàng Si-ta, kịch bản của nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ. Sau đó Kiều Oanh được mời sắm vai chính Công chúa Amela trong vở Quạ thần và pho tượng đá dưới sự chỉ đạo của các đạo diễn bậc thầy là NSND Xuân Đàm và đạo diễn sân khấu Đoàn Anh Thắng. Những năm tiếp theo, Kiều Oanh liên tục tham gia các vở diễn như Đêm về sáng, Nước mắt và bạo lực, Trái tim người mẹ, Lưỡi gươm chinh phạt... Vở nào Kiều Oanh cũng được khán giả ngợi ca, tán thưởng. Với ưu thế nổi trội về giọng ca trời phú, đặc biệt là sắc đẹp và vóc dáng lý tưởng, Kiều Oanh luôn được các đạo diễn mời đóng vai chính.
![]() |
NSƯT Kiều Oanh. |
Trong vở kịch thơ Duyên kỳ ngộ viết về người thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử, Kiều Oanh đã làm cho khán giả đêm Hội diễn sân khấu Duyên Hải phía Bắc tại Nam Định bồi hồi xúc động trước thiên tài thơ của Hàn Mặc Tử. Nàng thơ Thương Thương của Hàn (Kiều Oanh đóng) bước ra sân khấu, gương mặt đẹp đến nao lòng, làn môi rưng rưng nghiêng xuống, cánh tay trắng nõn nà đặt lên tấm thân hủi khốn khổ của người yêu, làm cho người xem nín thở. Đó là sự gặp gỡ của định mệnh, của sự mất còn trong truyền kiếp, khẳng định sự bất diệt của tình yêu con người. Vai Thương Thương của Kiều Oanh đêm đó đã được tôn vinh bằng tấm Huy chương Vàng và những tràng vỗ tay không dứt của khán giả.
Trong chuyến về Huế làm phim Đêm hội Long Trì, đạo diễn tài ba Hải Ninh đã phát hiện ra một Kiều Oanh khác: Kiều Oanh diễn viên điện ảnh! Ông đạo diễn nổi tiếng này mời Kiều Oanh đóng một vai cung phi trong phim. Từ đó Kiều Oanh liên tục thử sức mình trong môn nghệ thuật thứ bảy qua các nhân vật trong các phim truyền hình như: Kẻ báo thù, Phạm Công - Cúc Hoa,… Đến phim truyện nhựa Nợ sữa, Kiều Oanh đã vào vai rất thành công một phụ nữ dân tộc người Pa Cô nhân hậu, nhưng cổ hủ, mê tín, lạc hậu. Để đóng phim Nợ sữa, Kiều Oanh đã theo đoàn làm phim lên núi ở cùng đồng bào Pa Cô suốt 3 tháng trời. Với vai Kân Min xuất sắc trong phim Nợ sữa, Kiều Oanh đã được tặng Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố Đô lần thứ 2 của TT-Huế.
Kiều Oanh đã nhiều lần giành được huy chương vàng tại các cuộc liên hoan tiếng hát chuyên nghiệp toàn quốc với những làn điệu ca Huế say đắm lòng người. Những người dân Huế cũng như du khách đến Huế đều rất thích, rất nhớ chất giọng nồng nàn và hình ảnh kiều diễm của Kiều Oanh với tà áo dài tím khi chị xuất hiện trên con đò ca Huế trên sông Hương. Đó là phần thưởng lớn đối với mỗi nghệ sĩ, có khi lớn hơn cả huy chương vàng, bạc hay giải thưởng mà không phải ca sĩ nào cũng có được. Tháng 9-2001, chị được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú... Tất cả những sự tôn vinh ấy ghi nhận sự yêu mến của khán giả cả nước đối với tài năng và cống hiến của nghệ sĩ Kiều Oanh.
Ngô Minh