Nóng ở biên giới Trung – Ấn

Thứ ba, 19/08/2014 09:01

(Cadn.com.vn) - Sau nhiều thập kỷ theo đuổi kế hoạch chiến tranh với Pakistan, Ấn Độ một lần nữa chú trọng đến khu vực biên giới phía bắc vẫn bị bỏ quên với Trung Quốc. New Delhi nỗ lực cải thiện khả năng chiến đấu chống lại nước láng giềng hùng mạnh hơn nhưng đồng thời, tăng cường sự tương tác với quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA).

Chính sách hai hướng này thu được những kinh nghiệm đáng giá trong 5 năm qua, nhằm mục đích ngăn chặn bùng nổ giao tranh không cần thiết dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC), trong bối cảnh Trung - Ấn nước đang có tranh chấp biên giới.

Khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ảnh: Diplomat

Tập trung quân sự ở biên giới

Quân đội Ấn Độ đang tập trung lực lượng tại khu vực biên giới ở Ladakh, sa mạc núi cao tiếp giáp với Khu tự trị Tây Tạng (TAR), nơi không thể tiếp cận bằng đường bộ trong 7 tháng mỗi năm vì con đường dẫn đến đây bị tuyết lấp đầy.

Một trạm Không quân mới với nhiều máy bay chiến đấu nằm cách LAC chỉ chưa tới 25km. Một lữ đoàn thiết giáp chính thức với xe tăng T-72 của Liên Xô sẽ được đặt tại Ladakh. Một lữ đoàn bộ binh với hơn 3.000 quân đội hiện đang tiến gần hơn tới khu vực quan trọng, nơi quân đội Trung Quốc đã xâm nhập trong hơn 3 tuần vào năm 2013.

New Delhi cũng lên kế hoạch xây dựng ít nhất 13 dự án đường chiến lược quan trọng tại khu vực này. Nhưng Ladakh không phải là nơi duy nhất được các nhà hoạch định quân sự chú ý. Tại Sikkim và Arunachal Pradesh, quân đội được điều đến, trung đoàn bọc thép và pháo binh được đưa đến hỗ trợ. Nhiều máy bay chiến đấu như Su-30 được đưa đến gần biên giới tranh cãi. Nhiều con đường mới đang được xây dựng.

Trên thực tế, Ấn Độ đang cố gắng bắt kịp với Trung Quốc. Nhưng New Delhi có lẽ sẽ mất gần một thập kỷ nữa mới có thể tiếp cận các cơ sở hạ tầng mà Bắc Kinh đã xây dựng tại TAR. Từ những năm 1990, Trung Quốc xây dựng mạng lưới đường giao thông, sân bay và đường sắt tại khu vực dân cư thưa thớt TAR, qua đó cung cấp cho PLA một lợi thế khác biệt khi cần thiết phải huy động lực lượng trong thời gian nhanh gấp đôi.

Tuyến đường sắt Thanh Hải-Tây Tạng nối Lhasa tới Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài đến Xigatse, gần biên giới Ấn Độ, vào cuối tháng 8 này. Đến năm 2020, tuyến đường sắt nối thủ đô Kathmandu của Nepal cũng được lên kế hoạch.

Theo đánh giá của Ấn Độ, có 15 cảng hàng không tại TAR, 12 trong số đó dành riêng cho mục đích quân sự. Trong khi đó, Quân đội Ấn Độ vẫn còn phụ thuộc vào đường băng cũ và một vài sân bay được xây dựng vào những năm 1960.

Hợp tác

Nhận thức được những thua thiệt này, các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ quyết định xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự đồng thời hợp tác với quân đội Trung Quốc tại biên giới thường xuyên hơn.

Đầu năm nay, New Delhi và Bắc Kinh dành 4 địa điểm dọc biên giới tranh chấp ở Ladakh để tổ chức các cuộc họp khẩn cấp nhằm giải quyết nhanh chóng  những tồn tại có thể. Ngoài 4 điểm trên, hai nước cũng quyết định mở thêm 2 địa điểm khác dành cho việc tổ chức các cuộc họp thường niên giữa các quan chức cấp cao.

Cho đến nay, các hội nghị hàng năm diễn ra tại Bumla ở Arunachal Pradesh, Nathula ở Sikkim, và Chushui ở Ladakh. Trong các cuộc đàm phán ở Delhi, hai bên cũng quyết định thành lập đường dây nóng giữa hai nước. Tất cả những quyết định này là một phần của các biện pháp xây dựng lòng tin (CBMs) mà New Delhi và Bắc Kinh quyết định theo đuổi sau khi ký kết Hiệp định Hợp tác Quốc phòng biên giới giữa hai nước vào tháng 10-2013.

Việc Ấn Độ đẩy mạnh hoạt động dọc theo biên giới khiến các tướng hàng đầu Trung Quốc và các quan chức thường xuyên có các chuyến thăm tới khu vực biên giới Ladakh và Sikkim. Tuy nhiên, Trung Quốc không cần phải lo lắng trong ít nhất thập kỷ tới. Vẫn còn nhiều việc phải làm ở Ladakh, Sikkim và Arunachal Pradesh. Xây dựng đường giao thông tại khu vực núi cao và trang bị cho quân đội là một việc không dễ đối với New Delhi.

An Bình