Nông sản dịch bệnh, rớt giá khiến nông dân điêu đứng

Thứ năm, 27/02/2020 20:30

Hơn cả ngàn héc-ta sắn mắc bệnh khảm lá do virus phát sinh đang lây lan trên diện rộng tại nhiều xã của tỉnh TT-Huế. Cùng với đó, hàng chục ruộng mía trên những cánh đồng đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng không có thương lái đến thu mua. Thực trạng này khiến cho hàng chục ngàn nông dân ở TT-Huế đang đối mặt với trăm bề khó khăn.

Người trồng mía xã Quảng Phú lao đao vì không có thương lái thu mua.

Hơn 1.000 ha sắn bị nhiễm virus

Vụ Đông xuân năm nay, toàn tỉnh TT-Huế dự kiến đưa vào trồng 6.700 ha sắn. Hiện trên địa bàn đã trồng mới khoảng 3.700 ha. Tuy nhiên, đến giữa tháng 2-2020, bệnh khảm lá sắn do virus phát sinh gây hại khoảng 1.000 ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Phong An, Phong Hiền, Phong Sơn, Phong Hòa, Phong Chương (H.Phong Điền) và TX Hương Trà. Ông Hồ Vang - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, bệnh khảm lá sắn lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng (Bemisia tabaci) và qua hom giống nên khả năng lây lan rất nhanh. Khi cây sắn còn non bị nhiễm virus sẽ không cho củ; cây sắn đã lớn mới nhiễm virus vẫn có biểu hiện bệnh nhưng thiệt hại nhẹ hơn làm năng suất, chất lượng giảm. Triệu chứng bệnh xuất hiện ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của cây sắn từ khi chúng còn non đến 2 tháng tuổi.

Theo ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND H. Phong Điền, toàn huyện có 1.200 ha thì có 800 ha sắn nhiễm bệnh. Trên diện tích sắn mới trồng xuất hiện các khảm vàng loang lổ trên lá. Mấy ngày nay, vợ chồng anh Hoàng Ngọc Hùng (47 tuổi, trú thôn Triều Dương, xã Phong Hiền) như “ngồi trên đống lửa” khi hơn 5 ha sắn của gia đình đang phát triển đều mắc bệnh khảm lá. “Tiền giống, phân bón, công chăm sóc mấy ha thời gian qua chừ mất sạch rồi. Tui đang tính, phải huy động thêm người thân để đi nhổ, rồi gom lại để đốt. Nếu nhổ không kịp thì sợ lây lan qua sắn của các hộ khác” - anh Hùng chia sẻ.

Ông Trần Đức Thiện - Chủ tịch UBND xã Phong Hiền thông tin, tính đến ngày 24-2, lượng sắn mắc bệnh khảm lá trên địa bàn khoảng 80% (trên 200 ha) và đang có nguy cơ tăng lên. Nhiều nông dân ở xã đang gặp khó khăn chồng chất. Xã đã và đang cùng người dân đào hố, tiêu hủy, đồng thời chờ cấp trên hỗ trợ và tìm cách khống chế bệnh. Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT đã có công văn yêu cầu các địa phương có diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn cần khẩn trương chỉ đạo nông dân nhổ bỏ cây bị nhiễm bệnh để tiêu hủy.

Mía “đứng đồng”

Mọi năm, cứ đến tháng Giêng âm lịch, những ruộng mía ở các địa phương tại H.Quảng Điền (TT-Huế) nhộn nhịp thu hoạch, dù giá rẻ hay đắt, thương lái cũng đến tận nơi thu mua. Nhưng năm nay, nông dân chỉ biết chặt mía bán lẻ bên vệ đường. Ông Đoàn Phưng (trú xã Quảng Phú, H.Quảng Điền) cho hay, nhà ông trồng 3 sào mía, mọi năm cho thu nhập khoảng 45 triệu đồng. “Mía là cây trồng truyền thống tại địa phương từ bao đời nay. Dù thời tiết có khắc nghiệt thì nông dân vẫn gắn bó với giống mía Cẩm Tân. Nông dân thường lấy công làm lãi nên so với các cây trồng cạn khác, thu nhập từ mía vẫn tương đối khá”- ông Phưng chia sẻ. Thông thường, đến thời điểm thu hoạch, thương lái sẽ đến ruộng mía của ông Phưng thu mua nhưng 2 tháng nay, 3 sào mía của ông không thương lái nào ghé thăm. “Kinh phí để trồng 3 sào mía khoảng 15 triệu đồng, bây giờ không ai mua nên phải dựng lán trại, chặt từng cây bán lẻ nhưng số lượng bán được không đáng là bao”- ông Phưng buồn bã.

Cũng theo ông Phưng, hiện ngoài việc lo sợ chất lượng mía giảm sút khi quá lứa thu hoạch thì nông dân Quảng Điền còn đứng ngồi không yên bởi chuột đang sinh sôi, tàn phá đồng ruộng. Nhiều diện tích bị chuột cắn phá, nông dân chỉ còn cách chặt bỏ và đốt. Trong khi đó, những thương lái cũng đang bí đầu ra. Bà Nguyễn Thị Nhung đã hơn 10 năm thu mua mía xuất đi các tỉnh thành lân cận giải bày: “Hiện tôi đang tồn kho hơn 10 tấn mía. Bây giờ dù giá rẻ nhưng tôi cũng không dám thu mua. Thị trường tiêu thụ gặp khó khăn bởi khâu vận chuyển bị thắt chặt, nhiều mối hàng thân quen từ chối nhập hàng. Không chỉ tại TT-Huế, ở nhiều tỉnh, thành khác thị trường tiêu thụ bó hẹp, mía cũng đang bị tồn đọng”.

Theo nhiều nông dân ở H. Quảng Điền, mía mang lại thu nhập cao, thời điểm giá đạt đỉnh, nông dân thu về 300 triệu đồng/ha. Xã Quảng Phú từng là vùng chuyên canh mía có diện tích hơn 60 ha, qua từng năm diện tích liên tục giảm sút, nay chỉ còn 26 ha. “Vào dịp trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, sức tiêu thụ mía khá cao. Tuy nhiên, từ sau Tết đến nay, mía của nông dân hầu như không bán được. Trước những khó khăn mà người trồng mía trải qua sau nhiều năm, chính quyền địa phương cũng khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trước mắt, người dân đang chủ động trồng xen canh mía với các loại cây trồng khác như, ngô, sắn, lạc để bổ trợ cho nhau”- ông Phạm Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú nói. 

Hiện, toàn tỉnh TT-Huế có hơn 75 ha mía được trồng chủ yếu ở các địa phương như: Quảng Phú (H.Quảng Điền), Phong Hiền (H.Phong Điền), Khe Tre, Hương Phú (H.Nam Đông). Mặc dù là cây trồng truyền thống của nhiều nông dân nhưng những năm qua, người trồng mía liên tục gặp khó khăn. Không có thị trường tiêu thụ ổn định, đầu ra chỉ là bán lẻ ở các chợ nên một số thời điểm mía của nông dân khó tiêu thụ.

H.LAN