Nông sản mất giá, nông dân lo không có tết

Thứ năm, 16/01/2020 18:00

Thời tiết cuối năm 2019 vô cùng thuận lợi nên rau màu vụ Đông Xuân 2019-2020 của bà con nông dân tỉnh Quảng Nam được mùa. Tất cả các loại rau, củ quả đều lên xanh mơn mởn, cho năng suất cao. Tuy nhiên, chưa hết mừng vì mùa màng bội thu, người nông dân Quảng Nam lại đối diện với cảnh hàng nông sản bị rớt giá thê thảm, nhiều loại rau có giá không bằng phân nửa vụ Đông Xuân năm trước.

Cánh đồng rau Bàu Tròn rộng hơn 40ha hút mắt người nhưng bán chẳng được bao nhiêu đang trở thành nỗi lo của nhiều người nông dân.

Anh Nguyễn Phong - nông dân chuyên trồng khổ qua tại thôn Thi Thại (xã Duy Thanh, H. Duy Xuyên), cho biết: Năm nay, do thời tiết thuận lợi, giàn khổ qua rộng hơn 150m2 của gia đình ít bị sâu bệnh, cho năng suất cao nhưng khi bán lại bị tư thương ép giá vì không có người mua. Năm trước, giá trung bình mỗi kg là 25 đến 30.000 đồng nay chỉ còn từ 5 đến 7.000 đồng. Biết bị lỗ cả vốn lẫn công nhưng phải bán để thu hồi vốn. Tương tự, những vườn cải các loại của các nhà vườn đều lên xanh tốt hơn mọi năm nhưng vẫn không có người mua hoặc mua với giá chưa tới 50% của Tết năm 2019. Nhiều gia đình phải chọn cách cho cải trổ hoa để ngắm trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.

Bà Nguyễn Thị Hạnh - trú xã Điện Minh (TX Điện Bàn), trao đổi: Những năm trước, nguồn thu nhập từ việc bán các loại rau quế, xà-lách... đã giúp gia đình lo đủ một cái Tết no ấm nhưng nay phải dựa vào các nguồn thu khác vì rau bị dội chợ, rớt giá. Ngoài nguyên nhân được mùa, một lý do khác phải kể đến là do thời gian qua người nông dân lạm dụng thuốc tăng trưởng nên "người người, nhà nhà" từ thành phố đến nông thôn đều tổ chức trồng rau sạch trong thùng xốp, chậu cây cảnh... theo phương thức tự cung, tự cấp. Vì thế, dù Tết Nguyên đán 2020 sắp đến nhưng nhu cầu về nông sản của người dân tại khu vực thành phố vẫn không nhiều.

Không riêng người trồng rau tại TX Điện Bàn, H. Duy Xuyên mà người trồng rau tại những làng rau nổi tiếng, như: Bầu Tròn (xã Đại An, H. Đại Lộc), thôn Trà Quế (xã Cẩm Hà, TP Hội An) cũng lâm vào cảnh "đứng ngồi không yên". Trao đổi cùng chúng tôi, lãnh đạo H. Đại Lộc cho biết: Đây là quy luật của cung cầu. Do lượng rau vụ Đông Xuân năm nay được mùa song nhu cầu của người tiêu dùng lại có hạn nên dẫn đến tình trạng rớt giá. Trước tình hình trên, hàng năm ngành nông nghiệp của địa phương đã có khuyến cáo người nông dân nên chuyển đổi việc trồng rau sang trồng các loại cây khác, như: bắp, bí... có thể lưu giữ và giá trị kinh tế cao hơn. Ngoài ra, địa phương còn khuyến khích các Hợp tác xã Nông nghiệp và Kinh doanh dịch vụ phối hợp với nông dân đầu tư, xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, hệ thống điện để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc sản xuất đồng thời tiến hành các thủ tục để cơ quan chức năng cấp chứng nhận thương hiệu "rau an toàn". Bên cạnh đó, còn xây dựng chuỗi liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ và kết hợp giữa phát triển kinh tế nông thôn và khai thác du lịch...

Không riêng người trồng rau mà những người mua bán nông sản cũng chịu những "thiệt thòi" khi nông sản bị mất giá. Anh Lê M. - người chuyên thu mua nông sản tại Điện Minh, tâm sự: Trước đây, tôi cũng là người trồng rau nên hiểu được nỗi khổ của người nông dân. Với thực tế hiện nay, muốn có lãi buộc người thu mua phải ép giá, làm như vậy cũng... không đành song không thực hiện thì chẳng có lãi. Theo tìm hiểu, nhiều vùng trồng nông sản hiện nay đang lâm vào cảnh "được mùa, mất giá". Hầu hết, các sản phẩm đều thuộc dạng "tươi sống" nên không thể cất giữ, buộc người nông dân phải bán đổ, bán tháo cho thương lái nhằm vớt vát phần nào nguồn vốn đầu tư, công sức chăm sóc và lấy lại đất để canh tác loại nông sản khác để vớt vát cho một vụ rau thua lỗ. Hơn nữa, trong thực tế ở nhiều vùng quê người dân chưa kịp "gượng" dậy trước "cơn bão" mang tên dịch tả lợn Châu Phi, nay phải chịu cảnh nông sản rớt giá nên nhiều gia đình lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn khi Tết Nguyên đán 2020 đã cận kề.   

Có thể nói điệp khúc "được mùa, mất giá" đã lặp đi, lặp lại ở nhiều địa phương trong thời gian qua. Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều nông dân lâm vào cảnh khó khăn. Hy vọng, đây cũng là bài học để chính quyền và từng người dân hiểu rõ hơn về quy luật của cung - cầu để có biện pháp phòng, tránh và vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất của mình.

M.T