"Nóng" tình trạng phá rừng làm nương rẫy

Thứ bảy, 16/03/2019 17:00

Những ngày qua, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai đang xác minh, điều tra làm rõ vụ phá rừng tại xã biên giới Ia Mơ (H. Chư Prông). Trước đó, từ thông tin của người dân, trong 2 ngày 24 và 25-2, Đội Kiểm lâm đặc nhiệm Cục Kiểm lâm Việt Nam phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng IV, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, Hạt Kiểm lâm H. Chư Prông và các đơn vị chủ rừng, chính quyền địa phương kiểm tra phát hiện nhiều khu vực rừng tại xã Ia Mơ bị phá. Trong đó, lâm phần do UBND xã Ia Mơ quản lý là 5 vị trí bị phá thuộc rừng sản xuất với tổng diện tích 66.151m2 tại khu vực lô 5, khoảnh 10, Tiểu khu 1012. Tại lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ (BQL RPH) Ia Muer quản lý, lực lượng chức năng phát hiện có 2 vị trí rừng phòng hộ đầu nguồn, trạng thái rừng tự nhiên rụng lá phục hồi bị phá với tổng diện tích 7.194m2. Trong đó, tại vị trí lô 1, khoảnh 8, Tiểu khu 981 thuộc lâm phần của BQL RPH Ia Muer, toàn bộ cây đều mới bị cưa hạ và còn nguyên gốc, thân, cành tại hiện trường. Qua kiểm đếm, xác định đã có 45 cây Sơn, Dầu, Cà chít (nhóm I-V), đường kính từ 10-25cm bị cưa hạ, khối lượng thiệt hại trên 3,8m3. Từ việc kiểm tra tại 7 vị trí trên, lực lượng chức năng xác định toàn bộ đều bị phá với mục đích phá rừng lấy đất sản xuất, trong đó có 4/7 vị trí đã được kiểm lâm địa bàn, chính quyền địa phương và BQL RPH Ia Muer phát hiện, lập biên bản. Trong nhiều diện tích đất rừng bị phá, có nhiều diện tích được người dân trồng cây sản xuất như: điều, mỳ... phát triển xanh tốt.

Một diện tích rừng tại xã biên giới Ia Mơ (H. Chư Prông) bị phá đã được người dân trồng lại điều, chuối...

Cũng tại các xã biên giới H. Ia Grai, từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng làm nương rẫy cũng diễn biến phức tạp khi liên tiếp các vụ việc được phát hiện. Đơn cử, ngày 14-1, BQL RPH Ia Grai phối hợp cùng lực lượng Đồn Biên phòng Ia O, Kiểm lâm địa bàn xã Ia O phát hiện 1 hộ dân là người đồng bào DTTS cư trú tại làng Kloong (xã Ia O, H. Ia Grai) đang có hành vi phá rừng trái pháp luật tại lô 22, khoảnh 8, Tiểu khu 344 lầm phần BQL RPH Ia Grai với diện tích đo đếm ban đầu là 4.500 m2. Tiếp đó, ngày 2-2, lực lượng chức năng phát hiện 3 đối tượng đang có hành vi phá rừng trái pháp luật tại lô 6, lô 9 khoảnh 5, Tiểu khu 344 thuộc lâm phần BQL RPH Ia Grai. Hạt kiểm lâm (HKL) H. Ia Grai đã phối hợp cùng với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh vụ việc trên, qua kiểm tra, đo đếm diện tích bị thiệt hại là 18.980 m2. Cũng tại Tiểu khu 344, ngày 28-2, BQL RPH Ia Grai phối hợp Đồn Biên phòng Ia O, Kiểm lâm địa bàn xã Ia O phát hiện 1 hộ dân là người đồng bào DTTS trú làng Kloong  đang có hành vi phá rừng trái pháp luật tại lô 22, khoảnh 8, Tiểu khu 344 với diện tích đo đếm ban đầu là 3.500m2.

Trao đổi với PV, ông Lâm Văn Long, Hạt trưởng HKL H. Ia Grai cho biết: thời gian gần đây, trên lâm phần BQL RPH Ia Grai nằm tại địa bàn các xã Ia O, Ia Chía, tình trạng phá rừng trái pháp luật có chiều hướng gia tăng và diễn ra hết sức phức tạp với nhiều thủ đoạn, hình thức khác nhau. "Những người dân đa phần là người đồng bào DTTS vào rừng rồi sử dụng rìu, rựa hoặc cưa xăng độ chế nhằm tránh phát ra tiếng động để đối phó với lực lượng bảo vệ rừng và các ngành chức năng. Đồng thời họ còn cho người theo dõi, nếu phát hiện lực lượng chức năng sẽ thông tin cho nhau bằng điện thoại để bỏ trốn nên lực lượng chức năng rất khó phát hiện. Chưa kể việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn khi người dân gần như thiếu hợp tác, gây áp lực lớn cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nơi đây". Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy càng phức tạp hơn khi người dân tập hợp đông người và sẵn sàng chống đối, cản trở lực lượng chức năng. Điển hình, ngày 5-3, tại lô 26, khoảnh 3, Tiểu khu 363 (địa bàn xã Ia Chía), lực lượng BQL RPH Ia Grai phát hiện 60 người (trú làng Kúc, xã Ia O) đang chặt phá rừng trái pháp luật. Dù lực lượng BQL tổ chức tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn nhưng họ không nghe, tiếp tục chặt phá và có hành vi đe dọa, chống đối. Sau đó, nhiều lực lượng phải đến hiện trường cùng phối hợp ngăn chặn, tuyên truyền vận động, đến khoảng 10 giờ 30 cùng ngày người dân mới chịu đi về.

Một khoảnh rừng tại Tiểu khu 344 bị phá lấy đất sản xuất.

Trước tình hình này, ông Phan Trung Tường, Phó Chủ tịch UBND H. Ia Grai cho biết: chính quyền địa phương đã nắm được các vụ việc và đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn việc người dân phá rừng làm nương rẫy. "UBND huyện đã giao Hạt kiểm lâm phối hợp các ngành chức năng xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm. Trước mắt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý các đối tượng theo đúng quy định pháp luật. Về lâu dài sẽ kiên quyết áp dụng chế tài không cho các đối tượng phá rừng sử dụng đất trồng cây khác, dần tái tạo diện tích rừng đã mất", ông Tường khẳng định.  Tuy nhiên, từ sự việc trên có thể thấy áp lực giữ rừng đang đè nặng lên những đơn vị, ngành chức năng quản lý bảo vệ rừng nơi đây khi người dân ồ ạt kéo nhau phá rừng, bất chấp quy định pháp luật. Các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân cũng như xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, như vậy mới mong giữ được những cánh rừng còn lại nơi đây!

MINH TÂN