NSA gây sốc với vụ nghe lén “Minaret”

Thứ sáu, 27/09/2013 10:55

(Cadn.com.vn) - Vụ bê bối của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) lại bật tung những khoảng tối ngầm đáng kinh ngạc vào những năm 1960. Các nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington ngày 26-9 (giờ Việt Nam) công bố các tài liệu giải mật cho thấy, NSA bí mật thực hiện chương trình nghe lén kéo dài 6 năm có mật hiệu “Minaret” nhằm vào biểu tượng dân quyền Martin Luther King, võ sĩ quyền Anh hạng nặng Muhammad Ali cũng như các nhân vật phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.

Chương trình nghe lén này được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Lyndon Johnson vào năm 1967 - thời kỳ cao trào chiến dịch chống chiến tranh Việt Nam tại Mỹ.

Tình hình này buộc Tổng thống Johnson yêu cầu các cơ quan tình báo điều tra có hay không việc các thế lực bên ngoài kích động biểu tình trong nước. NSA khi đó phối hợp với các cơ quan tình báo khác để lên “danh sách” những người chỉ trích phản chiến để nghe trộm các cuộc điện thoại từ nước ngoài của họ. Chương trình vẫn tiếp tục khi Tổng thống Richard Nixon vào Nhà Trắng năm 1969 cho đến khi Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ Elliot Richardson ra lệnh chấm dứt vào năm 1973, khi chính quyền Nixon bị nhấn chìm trong vụ bê bối Watergate.

Martin Luther King (trái) và Whitney Young (phía sau) - hai mục tiêu nghe lén của NSA. Ảnh: BBC

Chương trình nghe lén này từng bị phơi bày năm 1970, song những mục tiêu bị theo dõi của chương trình cho tới nay mới được tiết lộ. Theo đó, trong khoảng thời gian từ năm 1967-1973, NSA theo dõi các thông tin liên lạc quốc tế của 1.650 công dân Mỹ, trong đó có mục sư Martin Luther King, cộng sự của ông là Whitney Young và ngôi sao đấm bốc Ali, cũng như các nhà báo của hai tờ báo danh tiếng New York Times, Washington Post.

Ngoài ra, NSA còn theo dõi hai thượng nghị sĩ Frank Church của bang Idaho và Howard Baker của bang Tennessee. Theo tạp chí Foreign Policy của Mỹ,  Thượng nghị sĩ Frank Church từng là đồng minh của Tổng thống Johnson và người bỏ phiếu ủng hộ Nhà Trắng can thiệp quân sự vào Việt Nam sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ năm 1964. Tuy nhiên, sau đó ông này lại quay sang chỉ trích hành động quân sự này của Mỹ ở Việt Nam. Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Howard Baker thường xuyên chỉ trích chính quyền Johnson vì Washington không đảm bảo giành được chiến thắng ở Việt Nam.

“Dù sau này, ông Howard Baker quay sang ủng hộ chính sách Việt Nam của Tổng thống Richard Nixon nhưng ông vẫn bị NSA giám sát”, tờ Foreign Policy viết. Những tiết lộ mới nhất được đưa ra trong bối cảnh NSA đang vướng vào cuộc tranh cãi mới về các chương trình giám sát của mình, sau khi cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ Edward tiết lộ chương trình giám sát điện thoại và Internet của NSA, cả trong nước và khắp thế giới, khiến người dân Mỹ và các nước phẫn nộ.

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Matthew Aid và William Burr của Đại học George Washington, việc lạm dụng chương trình do thám trong giai đoạn chiến tranh Việt Nam còn vượt xa quy mô các chương trình hiện nay. Chương trình nghe lén trên của NSA bị đánh giá là chương trình “hèn hạ nếu không muốn nói là trái luật”. “Những tiết lộ gần đây gây sốc rất lớn, đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy tình báo Mỹ đang theo dõi những kẻ thù chính trị của Nhà Trắng”, họ viết.

An Bình