Nữ lơ xe
(Cadn.com.vn) - Giữa làn người tấp nập, vội vã ra vào bến xe, tại một góc nhỏ xuất hiện một phụ nữ dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn, nước da ngăm đen cố gắng chào mời khách lên xe cho kịp giờ lăn bánh... Đó là chị Nguyễn Thị Phương Phụng (35 tuổi, TP Huế)-một trong nhiều người phụ nữ hằng ngày phải kiếm sống trên từng chuyến xe khách và làm công việc lơ xe (phụ xe) ở Bến xe Bắc TP Huế.
Ăn "đường", ngủ "bụi"
Bến xe phía Bắc TP Huế mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm lượt xe khách đến và đi. Điều khá đặc biệt ở đây là số lượng chị em làm lơ xe luôn "áp đảo" phái mạnh. Chị Phụng cùng chồng chạy xe tuyến TP Huế-TP Đông Hà có thâm niên 5 năm trong nghề chia sẻ: "5 giờ là vợ chồng tôi phải có mặt tại bến xe nên đành trông cậy mẹ già ở nhà đưa cháu đến trường. Cả ngày "phơi" mặt nắng gió, có hôm về tới nhà mà mùi bụi bặm, xăng xe, mồ hôi còn bám riết, cơm cũng chẳng thiết ăn". Chị Phụng cho biết, trước đây hai vợ chồng nhận thầu xây dựng ở các tỉnh phía Nam. Năm đầu thu nhập ổn định đủ để trang trải cuộc sống và gởi tiền về cho gia đình. Sau này khó khăn, áp lực hơn đành bỏ về quê. Chạy vạy khắp nơi, cầm cố cả nhà cửa, chị cùng chồng mạnh dạn mua một chiếc xe gần 600 triệu đồng chở khách. Theo chị Phụng, nghề này phải có kinh nghiệm, hiểu tâm lý hành khách để ứng xử phù hợp và một sức khỏe thật tốt. "Ngày đầu mới chạy xe cùng chồng, tôi ngửi thấy mùi xăng dầu là ói ra mật xanh mật vàng. Phải mất một thời gian dài mới làm quen, ăn "đường", ngủ "bụi" để thích nghi đó chú à", chị Phụng tâm sự.
Có những người đàn bà gắn bó cả đời với nghiệp lơ xe. |
Ăn vội hộp cơm mua dọc đường, chị Nguyễn Thị Bé (45 tuổi) lơ xe chạy chuyến TP Huế-Lao Bảo hơn 7 năm chia sẻ: "Khách đi xe ngày thường thưa thớt và không ổn định, đôi khi chúng tôi phải nhận chở hàng thêm để bù tiền xăng xe những mong thu nhập tạm đủ nuôi con cái ăn học thôi. Xe tại bến, đúng giờ phải xuất phát dù có khách hay không nên chuyện cả hành trình dài xe trống hoắc không có khách là bình thường". "Ở đây, phần lớn chị em làm lơ xe theo chồng để tiết kiệm phí thuê người và cũng giảm bớt thất thoát, thỉnh thoảng cũng có một vài cô gái trẻ làm thuê cho các chủ xe. Các chuyến xe từ các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị hoặc về các huyện lân cận tương đối gần nên khách không nhiều, chủ yếu khách quen từ lâu nên chị em có thể chịu đựng vất vả", chị Bé cho biết.
Vui buồn trên từng chặng đường
Trên những hành trình dài đằng đẵng, biết bao chuyện vui buồn xảy ra, trong đó có những câu chuyện cười ra nước mắt khiến nhiều "bóng hồng" nhớ mãi. Chị Trần Thị Huế (37 tuổi, Quảng Trị) chạy tuyến TP Huế-TP Đông Hà tâm sự: "Gần 10 năm làm lơ xe, mỗi chuyến xe chở khách với tôi là một "trải nghiệm" đặc biệt, không bao giờ quên". Chị Huế kể, trong chuyến xe chiều 30 tết năm 2013, công việc cực nhọc hơn bình thường vì trong ngày này, nhu cầu đi lại của khách tăng cao. Khi chuyến hành trình cuối cùng trong ngày đưa khách từ TP Đông Hà về TP Huế chạy được chừng 30 phút thì trên xe có một ông khách cứ nằng nặc đòi lái xe thay bác tài.
Mọi người trên xe khuyên thế nào ông cũng không nghe, rồi ông còn lao đến bác tài xế để... ôm kỷ niệm. Mọi chuyện diễn ra khá nhanh khiến ai cũng bất ngờ, buộc người lái xe phải cho xe đỗ bên đường. "Tôi phải bình tĩnh trò chuyện, giải thích cho ông khách để họ hiểu đó là hành động nguy hiểm dễ dẫn đến tai nạn giao thông. Thì ra ông khách hôm đó trước khi lên xe có uống một ít bia nên mới ứng xử như vậy. Bất ngờ nữa, trước đây ông khách cũng là "đồng nghiệp" chạy xe đường dài, lâu quá ông ta thấy "nhớ" nghề", chị Huế cười chua xót.
Chị Huế tranh thủ nghỉ ngơi trước khi xe xuất bến. |
Không chịu nổi áp lực công việc vì ít có thời gian gần con cái, chăm sóc gia đình và sức khỏe suy giảm, nhiều chị em đành bỏ nghề tìm việc khác. Số người ở lại vì thế phải sống mạnh mẽ, cứng cỏi hơn mới có thể tranh giành khách và chống lại lời đe dọa của các chủ xe khác. Chị Huế cũng đã gặp không ít lời dọa nạt, cướp khách quen và cạnh tranh không lành mạnh. "Những lúc đó, là phụ nữ chân yếu tay mềm ai mà không hoang mang và lo sợ. Nhưng, để tồn tại trong môi trường phức tạp này buộc tôi phải dám đối mặt để tự tìm cách che chở cho bản thân", chị Huế tâm sự.
Nhiều nữ lơ xe vì suốt một ngày ngửi mùi bụi đường, mùi xăng xe nên dần dà bị các bệnh về mắt, viêm phổi, ho lao hay viêm xoang, rồi có người vì ráng sức bưng vác nên bị bệnh đau lưng, khớp hành hạ. Và còn vô vàn thử thách khắc nghiệt khác trong nghề mà các chị không thể nói ra hết. Với họ, còn sức khỏe, còn tuổi trẻ thì còn theo nghề lơ xe.
Long Hữu