Nữ nhiếp ảnh gia Nhật Bản Hitomi Toyama: "Đất nước Việt Nam cho tôi thỏa ước mơ ngao du và khám phá"

Thứ hai, 09/06/2014 10:18

(Cadn.com.vn) - Nữ nhiếp ảnh gia Nhật Bản Hitomi Toyama, người thường được biết qua các hoạt động tự do trên báo chí quốc tế… và đặc biệt, là những ấn  phẩm chuyên đề về Việt Nam như: Việt Nam đẹp quá, Bão Việt Nam, Nàng Dandy, Người tình của Việt Nam... vừa qua đời ở tuổi 56 bởi căn bệnh bạch cầu tủy cấp vào ngày 1-6. Tại tang lễ của Hitomi Toyama diễn ra trong hai ngày 3 và 4-6 tại tòa nhà Yasuragira, tỉnh Shizuoka (Nhật Bản), đã nhận được vô số những lời chia sẻ tiếc thương của các đồng nghiệp trên thế giới và  Việt Nam...

Nhà nhiếp ảnh Hitomi Toyama.

Hitomi Toyama sinh tại TP Fuji, Shizukoka, Nhật Bản. Làm quen với máy ảnh khi mới trên 10 tuổi, từ thời trung học, Hitomi Toyama 2 lần nhận giải thưởng của thị trưởng trong các cuộc thi ảnh.  Từ 20 tuổi , Hitomi Toyama xuất bản tập ảnh đầu tiên. Năm 1989, Hitomi bắt đầu những ghi chép về hơn 60 trại giam, trại cải tạo mà chị đã đi qua, xuất bản sách Trại giam Nhật Bản và đoạt giải Kodansha Gendaishinsho, đồng thời,  sau đó tiếp tục cộng tác với nhiều NXB, và các tờ báo uy tín  của Nhật Bản...

Năm 1992, vào một dịp tình cờ đến Việt Nam trong vai trò một nhiếp ảnh gia tự do, Hitomi nhận thấy, mảnh đất này với chị, như có duyên phận, bởi một sự quyến rũ tuyệt vời. Không lâu sau khi trở về Nhật, năm 1993, Hitomi Toyama đã xây dựng một chuyến đi chi tiết đến Việt Nam bằng chiếc xe Cub từ Nam ra Bắc và ngược lại, để rồi sau đó trở thành một người bạn, một nghệ sĩ nhiếp ảnh, viết sách gắn bó thủy chung với đất nước Việt Nam. Từ năm 1995, chị thực hiện cuộc triển lãm "Giấc mơ VN" ở Tokyo,  rồi tiếp theo là hàng chục cuộc triển lãm ở cả Việt Nam và Nhật Bản như: "Bão VN" (1997, tại TPHCM và Nhật), "Nắng gió VN" (2003 tại Hà Nội), "Gió và nguồn sáng VN" (2004 tại TPHCM)... Tháng 8-2005, tạp chí Asahi Camera xuất bản tác phẩm Người tình của VN của Hitomi Toyama. Năm 2007, cuốn sách ảnh Thăng hoa cảm xúc của Hitomi được Trung tâm sách kỷ lục VN công nhận là cuốn sách ảnh lớn nhất VN. Tháng 4-2008, cuốn sách ảnh Phụ nữ VN của Hitomi được xuất bản và được sách kỷ lục thế giới Guinness ghi nhận là cuốn sách ảnh lớn nhất thế giới...

Kể lại những kỷ niệm đầu tiên khiến mình gắn bó với những miền đất và con người Việt Nam, chị Hitomo cho biết, vào một ngày cuối tháng 11-1993, sau 3 ngày đi lang thang quanh những con đường gần khách sạn Rex (TPHCM), chị đã quyết định cưỡi chiếc Super Cub mở đầu cho chuyến hành trình xuyên Việt. Đà Lạt là thành phố đầu tiên trên chuyến hành trình của chị. Do chưa rành tiếng Việt, chị không thể xin nghỉ lại nhà dân nên cứ từ mỗi điểm dừng chân, nếu đi 3 giờ không gặp quán trọ chị liền quay trở lại điểm khởi đầu. Cứ thế, từ con đường đỏ chói đất bazan, những mảng rừng cao su ngút ngàn của miền Đông Nam Bộ, đến những triền núi mù sương của mùa đông Trung Bộ hay con sông Cửu Long oằn mình mùa nước nổi... đã được Hitomo bấm máy và ghi vào sổ tay. Chị nói: "Tôi bắt gặp ở đất nước các bạn những cái đã mất đi ở Tokyo. Ở Tokyo, có tiền là bạn có tất cả, vì vậy mà người ta không còn ước mơ, người ta chỉ biết làm ra tiền. Chính đất nước các bạn cho tôi ước mơ được ngao du khám phá, và được sống bằng niềm đam mê của mình".

Một tác phẩm của Hitomi Toyama.

Đáng nhớ nhất với Hitomi, đó là lần đầu tiên chị gặp cô bé tên Trinh, mới 14 tuổi phải rời bỏ quê Mỹ Tho lên Sài Gòn gánh dừa đi bán rong để nuôi 3 đứa em nhỏ. Cô bé không chỗ trọ, ngày ăn bánh mì, tối ngủ vỉa hè. Vậy mà 12 năm sau, tại một cuộc triển lãm, đột nhiên xuất hiện một cô gái đến chào chị bằng tiếng Nhật rành rọt. Hitomi phải mất một lúc mới nhận ra: cô gái đó chính là Trinh. Cả hai ôm chầm lấy nhau xúc động. Hitomi không ngờ rằng, sau lần gặp gỡ và thăm hỏi vu vơ chủ yếu bằng cách ra dấu 12 năm trước, cô bé Trinh đã quyết tâm đi học tiếng Nhật với hy vọng sẽ gặp lại người khách lạ năm nào, mà theo Trinh, chỉ để hiểu nhau hơn, chứ chẳng để làm gì!

Một lần đang bon bon trên Quốc lộ 1A ở Quy Nhơn, xe chị cán phải tấm tôn cong queo ai đó vừa vứt ra trên đường khiến chị lãnh một cú ngã suýt mất mạng. Chị lấy làm lạ và tự hỏi sao lại có người đem tôn ra bỏ ngoài đường nên quyết vào tìm chủ nhà hỏi cho bằng được. Và khi biết chủ nhà muốn mượn sức nặng của xe tải để làm phẳng những tấm tôn bị cong thì chị không những nguôi giận mà còn khen là... có sáng kiến! "Đường ở Việt Nam có trẻ em nô đùa, có cả trâu lững thững đi, chó ngủ trưa. Quả thật là sôi động!"...

Trả lời phỏng vấn trên một tờ báo,  Hitomi nói rõ : "Tôi thực sự yêu mến Việt Nam, một đất nước tuyệt vời với nhiều cảnh sắc thiên nhiên rất đẹp. Tôi đặc biệt yêu những nụ cười thân thiện của người dân. Những năm qua, tình yêu với Việt Nam vẫn luôn thôi thúc trong tôi để chụp được những khoảnh khắc đẹp và tuyệt vời nhất. Hàng ngàn bức ảnh của tôi thể hiện tất cả tấm lòng và tình cảm của mình gửi đến người dân Việt. Mỗi khi ngắm lại các bức ảnh tôi lại có dịp nhớ lại các câu chuyện cũng như những nhân vật trong đó. Việt Nam có nhiều dân tộc thiểu số, thu hút sự tìm tòi, khám phá của các nhà nhiếp ảnh nước ngoài và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Nét mặt trong sáng, thân thiện, trang phục độc đáo cũng như những phong tục tập quán thú vị của người dân tộc khiến tôi rung động và ghi được khá nhiều bức hình thú vị. Dân tộc Chăm cũng là chủ đề tôi yêu thích".

Bên cạnh những tác phẩm nhiếp ảnh, hầu hết những chuyện trên đường đi Hitomi Toyama đều ghi chép chi tiết cẩn thận, để rồi sau đó, chị đã có 3 đầu sách viết về Việt Nam được xuất bản bằng tiếng Nhật. Trong lần cuối cùng, trước khi về Nhật lâm bệnh đột ngột rồi qua đời, chị cho biết sẽ còn quay lại để nghiên cứu nhiều hơn về con người, văn hóa ở một vài nơi. Nhưng tiếc thay, khát vọng ấy của Hitomi Toyama , Người tình của Việt Nam đành dỡ dang...

Trần Trung Sáng