Nữ phu xe vùng biên
(Cadn.com.vn) - Hè! Trời Lao Bảo nắng như đổ lửa, từng cơn gió Lào thổi vùn vụt rát rạt, hơi nóng từ mặt đường nhựa ngùn ngụt khiến không khí càng trở nên ngột ngạt, khó thở. Mặc, ngoài kia những phụ nữ trong bộ đồng phục áo xanh vẫn miệt mài cùng chiếc xe chất đầy hàng hóa qua lại Cửa khẩu Lao Bảo (CKLB). Chỉ có thể nói, rằng khó nhọc, vất vả ấy là nghề của những người phụ nữ được người dân gọi là...
Từ những nữ phu xe...
Trước mắt chúng tôi là những phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều, người Kinh của 2 bản Ka Tăng, Khe Đá (TT Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) mặc đồng phục với chiếc váy quen thuộc, trên ngực áo mang phù hiệu có dán ảnh, đóng dấu đỏ của BĐBP quốc tế CKLB cùng những chiếc xe kéo có gắn biển số. Từng đoàn, từng đoàn cần mẫn kéo những chiếc xe đầy hàng hóa qua lại biên giới. Đúng như lời chị Võ Thị Thúy - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ TT Lao Bảo nhận xét: “Đó là một hình ảnh rất đỗi quen thuộc, góp một phần làm văn minh cho cửa khẩu, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho nhiều du khách đến tham quan”.
![]() |
Nhọc nhằn nữ phu xe. |
“Cửu vạn” - nghề vất vả nhất trong những nghề vất vả và nghề kéo xe thuê của những phụ nữ nơi vùng biên giới Việt Lào này cũng vậy. Thời gian đối với các nữ phu xe chẳng có ý nghĩa gì, ngày cũng như đêm, trời nóng cũng như mưa, họ vẫn miệt mài với công việc. Thậm chí, với các chị, nhiều khi “tối đâu là nhà, ngả đâu là giường”, cứ nhận hàng là lên đường. Có lúc nhận hàng xong thì đã quá khuya, cửa khẩu đóng cửa, vậy là các chị đành trải áo ngủ bên kia biên giới, có khi mờ sáng mới về đến nhà, tranh thủ chợp mắt một chút rồi lại lên đường. “Nghề kéo xe tụi tui vất vả, cực nhọc, nói mãi không hết. Kéo xe hàng trăm cây số mỗi ngày, nhọc nhằn đã đành, nhiều khi tai nạn xảy ra cũng không lường trước được. Chú nghĩ coi, với những chuyến hàng nặng, cao ngất như thế thì xe nó điều khiển mình chứ làm sao mình điều khiển được nó” - lau vội những giọt mồ hôi chảy ròng trên trán, chị Lan - một trong những “phu xe” vùng biên giới CKLB kể.
Để minh chứng cho lời mình nói, chị đưa dẫn chứng: “Cách đây không lâu, tui với 2 người cùng kéo một chuyến hàng nặng gần 2 tấn qua biên giới. Khi xuống con dốc sâu, xe lao nhanh, cả người và xe hàng cứ thẳng tiến vào... bụi. May là cả 3 chị em chỉ bị trầy xước, hàng hóa không bị hư hỏng nhiều lắm...”. Đó là những tai nạn nghề nghiệp, chỉ một chút sơ sẩy là gánh hậu quả, nhẹ thì bị trầy xước, nặng thì gãy tay chân, rồi còn phải đền bù tiền hàng hóa giá trị hàng trăm triệu đồng mà cả kiếp làm thuê của các chị cũng không trả nổi. Biết là khổ cực, nhưng cũng vì mưu sinh mà các chị phải làm, và với nhiều chị, tham gia đoàn “cửu vạn vùng biên” này không chỉ là để kiếm sống mà đó còn là nơi để chia sẻ, tâm sự và giúp đỡ nhau trong cuộc sống.
Với các chị, uy tín là điều được đặt lên hàng đầu, dù không giàu có, thậm chí là “nghèo rớt mồng tơi”, nhưng bao giờ cũng giữ “đói cho sạch, rách cho thơm”. Chị Hồ Thị Hiền - thành viên của đội “phu xe” cho biết: “Dù mỗi chuyến hàng chỉ được trả 10-15 ngàn đồng, nhưng không vì thế mà chúng tôi cho phép mình làm chuyện xấu. Đơn giản, chúng tôi xem đó là nghề, mà đã là nghề thì phải giữ chữ tín. Thực lòng, trong hàng tá hàng nhận vận chuyển, nếu “bớt” một chút để bán thì chẳng ai biết, nhưng lương tâm không cho phép chúng tôi làm điều ấy”. Vâng, chính điều đó đã làm cho nhiều người tôn trọng, quý mến các chị. Như chị Lịch, một chủ hàng nhận xét: “Nhiều lúc hàng ở bên Lào, khuya không qua được của khẩu, mình giao lại cho họ hết. Các chị nhiệt tình, giữ cả đêm mà chẳng đòi hỏi gì cả, hàng hóa vẫn nguyên vẹn”.
![]() |
Ngồi chờ đợi người tới thuê kéo chở hàng. |
... Đến “trinh sát” vùng biên
Về đời cửu vạn, đã có rất nhiều người viết, nhưng tôi vẫn muốn viết tiếp, bởi mỗi một “kiếp làm thuê” đều có những phận đời khác nhau, với những việc làm có ý nghĩa khác nhau. Ở đội nữ phu xe này lại có những nét đáng quý, họ - những người lao động rất đỗi bình thường, luôn nêu cao tinh thần đấu tranh tố giác, không tiếp tay cho tội phạm, cung cấp thông tin kịp thời cho chính quyền TT Lao Bảo, ĐBP... để chống lại nạn buôn bán hàng cấm qua biên giới, trốn thuế, vượt biên trái phép... Hằng năm, những “trinh sát” này cung cấp hàng trăm thông tin quý giá và phối hợp với các lực lượng đấu tranh phòng chống tội phạm ở CKLB. Chính các chị là “tai mắt” giúp lực lượng chức năng triệt phá nhiều vụ buôn lậu, hàng cấm qua biên giới. Việc làm của các chị đã góp phần làm cho cửa khẩu bình yên, làm cho người dân yên tâm, yên mến hơn.
Nếu những trinh sát có nghiệp vụ riêng trong quá trình điều tra, thì những nữ phu xe này cũng có “nghiệp vụ” mang thương hiệu... đội xe kéo thuê. “Kẻ gian với người ngay, hàng gian lận, hàng cấm với hàng hóa có nguồn gốc... dù che giấu cẩn thận đến đâu thì chúng tôi cũng phát hiện được. Rồi còn tâm lý, thái độ, cử chỉ của những người có động cơ xấu luôn lo sợ, chỉ cần nhìn qua là biết liền” - chị Lan bộc bạch. Nói về việc làm của các chị em trong đội “phu xe vùng biên”, nhiều người thân thương so sánh họ với người cảnh sát trong “18 bánh xe công lý” - bình lặng đấu tranh cho lẽ phải. Từ trong sâu thẳm ý thức của mọi người, việc đấu tranh, phòng chống tội phạm luôn được đặt lên hàng đầu, bên cạnh nghiệp mưu sinh nhọc nhằn của mình.
Các chị bảo, thà mất những chuyến hàng vận chuyển thuê chứ không thể để kẻ gian, bọn buôn bán hàng lậu hưởng lợi. “Những thông tin mà chị em trong đội xe kéo cung cấp đã góp một phần quan trọng, giúp chúng tôi khám phá nhiều vụ buôn lậu, buôn bán hàng cấm, người vượt biên trái phép qua biên giới... kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh, không cho chúng cơ hội hoành hành. Đồng thời, qua đó tinh thần đấu tranh phòng, chống tội phạm của người dân được nâng cao hơn” - đồng chí Nguyễn Duy Hòa - Trưởng ĐBP quốc tế CKLB khẳng định.
Hoàng hôn dần buông, ánh đèn đường bắt đầu sáng, nhiều người đã quây quần bên mân cơm cùng gia đình, nhưng còn đó nhiều nữ phu xe vẫn chưa ngừng nghỉ. Và liệu tối nay, những phụ nữ ấy có kịp về trước khi cửa khẩu đóng cửa, hay lại một đêm nữa ngủ bên kia biên giới...?
Bài, ảnh: Nguyễn Minh Đức