Nữ tù nhân làm lay động bác sĩ Mỹ
(Cadn.com.vn) - Nhà chị Phạm Thị Xuân Viên ở 454/21-Nguyễn Trãi, thành phố Quảng Ngãi nhỏ nhắn nhưng khang trang. Câu chuyện của chúng tôi bỗng chốc quay về những ngày chị sống trong tù đày và bức ảnh đặc biệt do một nữ bác sĩ Mỹ chụp chị năm 1972.
Nụ cười nữ tù Phạm Thị Xuân Viên |
Mong một mùa xuân đoàn tụ
Lấy trong tủ ra tấm ảnh đen trắng có một cô gái đang cười rạng rỡ dù chân đang xiềng chung với một nữ tù khác, chị Viên bồi hồi kể về tuổi thanh xuân dữ dội của mình và hành trình khá đặc biệt của bức ảnh.
Quê chị ở xã Đức Tân (Mộ Đức, Quảng Ngãi), khi mẹ đang mang thai chị thì cha đi tập kết. Mong một mùa xuân đoàn viên, ba chị bảo mẹ hãy đặt tên con là Xuân Viên. Nhưng rồi phải mất 21 năm sau đó, mong ước này mới thành hiện thực. Ông nội, cha, chú ra Bắc nên mẹ chị là bà Trần Thị Thi ở nhà lọt vào tầm ngắm tra tấn của chế độ Mỹ-Diệm. Hình ảnh người mẹ gầy gò chịu đựng 6 trận tù với mọi ngón đòn tàn khốc của kẻ thù vẫn kiên cường hô “Hồ Chí Minh muôn năm” làm chị thêm nung nấu quyết tâm theo cách mạng. 12 tuổi chị làm liên lạc cho du kích xã, sau đó học y tá băng bó cho thương binh, rồi được kết nạp vào Đảng. Chị còn nhớ ngày đó, ba chị biết việc con gái làm, từ miền Bắc, ông gửi thư theo đường dây về động viên: “Cô ý tá nhỏ của ba, đang làm được những gì nào? So với các cháu nhỏ miền Nam còn trực diện chống quân thù, ba và cô chú ngoài này còn phấn đấu mới theo kịp...”. Những lá thư ấy chị thuộc lòng và thêm động lực vượt qua mọi thử thách.
Trong một lần xuống làng cải trang đi nhận lúa động viên của bà con, chị bị tên chiêu hồi phát hiện và chỉ lính bắn gãy xương đùi. Người mẹ đau đớn lao ra với con nhưng chị đã kịp ngăn lại bằng cách nói to hờn dỗi: “Mẹ đem con đi ở đợ, làm thuê gánh mướn cho người ta, bây giờ còn mẹ con gì”. Hiểu thâm ý của chị, bà mẹ lánh đi nơi khác. Chúng quăng chị lên chiếc đập lúa khiêng về Đức Vinh. Bà con ở đây rất nể phục người con gái tuổi 17 kiên cường. Cảm động nhất là má Phạm Thị Phú, nghe tin con trai hy sinh, đã chuẩn bị vạt giường chôn cất con nhưng thương cô gái, bà đã lấy chiếc vạt giường cho chị nằm và đành tạ lỗi với hương hồn con. Lên dinh quận Mộ Đức, bị tra tấn dã man chị vẫn trước sau như một nói mình đi làm thuê, không biết gì cách mạng. Chúng đưa chị ra bệnh xá dã chiến bó bột chân, rồi điều trị ở bệnh viện Duy Tân, Đà Nẵng. Lành lặn một chút, chúng lại đưa về trung tâm thẩm vấn. Đến khi vết thương chân tái phát, buộc chúng phải đưa về Khu chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Quảng Ngãi. Do điều trị không dứt điểm, chị thành tật, chân thấp chân cao. Tại Bệnh xá Quảng Ngãi, sợ tù nhân trốn, chúng xiềng chân chị và chị Nguyễn Trần Thị Lan với nhau, đi đâu cũng phải đi cùng, khổ sở vô cùng. Chị Lan có gương mặt xinh đẹp, làm du kích rồi bị địch bắt đánh đập thân tàn ma dại, thỉnh thoảng lại lên cơn động kinh. Những lúc như vậy chị Viên phải giữ bạn mình lại để khỏi rơi từ giường xuống đất.
Chị Viên (thứ hai trái sang) cùng gia đình hiện nay. Ảnh H.V |
Nghĩa tù là nghĩa tận
Chính trong thời gian này, nữ bác sĩ Jane cùng Hội Quaker (còn gọi là Hoa Cơ) đã đến Quảng Ngãi trực tiếp chăm sóc các bệnh nhân chiến tranh. Quá khâm phục sự bình thản can trường của những nữ tù “Việt Cộng”, bác sĩ Jane đã giấu máy ảnh trong túi thuốc và chụp nhiều tấm hình họ. Có trường hợp như chị Lan, bác sĩ Jane đã can thiệp chị được đưa đi chữa bệnh não sau đó. Chị Viên không biết rằng khi đang hồn nhiên nói cười với chị Lan, chị đã lọt vào khuôn hình của bác sĩ Jane. Năm 2006, bác sĩ cùng người bạn trong dịp sang Việt Nam đã tặng những tấm phim ngày trước cho Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ. Nhà văn Trầm Hương công tác tại đây đã mang ra Quảng Ngãi găp Hội tù yêu nước tỉnh tìm giúp người trong ảnh. Chị Viên nhận ngay ra mình và đôi chân người bạn cùng xiềng năm nào. Chị đi khắp nơi để tìm bằng được chị Lan. Sau những năm tháng tưởng chừng bó tay thì biết chị Lan ở trong thành phố với mình, đường Lê Hồng Phong, làm nghề bán rau, một mình nuôi 10 đứa con ăn học rất vất vả. Mặc cảm vì lấy chồng là lính chế độ Sài Gòn dẫu chỉ là lính trơn, chị Lan không dám kê khai những ngày bị bắt. Thương bạn, chị Viên tích cực gặp Hội tù yêu nước của tỉnh để làm các thủ tục giúp chị Lan hưởng các chế độ tù đày. Trước mắt là mong được vậy, sau còn tính đến chế độ thương binh, không thể nào buông xuôi như lâu nay.
Khi được hỏi, chân chị chiếc thấp chiếc cao như thế làm sao lấy được anh bộ đội đẹp trai, hiền hậu như anh Mười, chồng chị Viên cười: “Đó là duyên số mà”. Sau khi ra tù năm 1972, chị tiếp tục hoạt động ở xã. Quê hương giải phóng, chị may mắn được nhiều chú trước đây ở trong tù biết tiếng nên tạo điều kiện đi học văn hóa, học nghề. Làm ở bệnh viện tỉnh, cửa hàng dược của huyện rồi về hưu, trước đó tự mở một tiệm thuốc nhỏ ở quê, chị tằn tiện cùng chồng lên thành phố xây nhà. Hiện anh Mười đã phục viên cùng vợ chăm sóc mẹ Trần Thị Thi và đứa con trai đang học Đại học Tài chính, kế toán của tỉnh. Hỏi chuyện tình duyên của hai người, anh nói: “Mình ấn tượng bởi tờ xác nhận của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ngãi hồi phục Đảng cho Viên sau ngày giải phóng”. Anh không nghĩ người con gái nhỏ nhắn anh yêu lại can trường trong nhà tù đến vậy. Sự nể phục này tăng thêm hương vị để tình yêu hai người thêm đằm thắm. Anh kiên trì chở chị đi khắp nơi hòng tìm người bạn tù của vợ đã từng làm lay động những bác sĩ người Mỹ năm nào. Cả hai tin rằng những bức ảnh là bằng chứng sinh động nhất để đồng đội được hưởng các chế độ, quyền lợi thiết thực, xứng với tuổi trẻ hào hùng họ đã trải qua.
Hồng Vân