Nữ y sĩ vùng cao chống lại hủ tục
(Cadn.com.vn) - Chôn sống trẻ sơ sinh theo thi thể người mẹ (đã chết)- một hủ tục kinh hoàng đang âm thầm diễn ra trong đời sống người Xê Đăng ở
Chị Hiếu bảo, cu Khánh là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất đối với chị.
Ký ức “trọ học”
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Hiếu, tại thôn 2 xã Trà Mai huyện vùng cao Nam Trà My. Trong căn nhà gỗ tạm bợ mới được dựng trước Tết Nhâm Thìn, Hiếu đang ẳm ru một bé trai ngủ bằng những câu hát Xê Đăng. Đó chính là đứa bé được chị cứu sống vào ngày 2-9-2011 và đặt tên là Hồ Quốc Khánh. Chị Hiếu đã xin chính quyền nhận cu Khánh làm con nuôi.
Dáng người nhỏ thó (chưa đầy 43kg), hai bàn tay và đôi chân chai sạn là dấu vết của quãng đời tự lập, vất vả đi tìm con chữ và kiếm sống của nữ y sĩ Hiếu. Sinh năm 1987 trong một gia đình nghèo khó và đông anh em, quanh năm sống dựa vào nương rẫy, từ nhỏ Hiếu đã ham học nhưng nhà đông con quá nên cha mẹ Hiếu ít quan tâm đến chuyện học hành của con cái. Cũng như cách quen sống tự lập, lớn lên giữa núi rừng, ngoài giờ đi rẫy, Hiếu cứ cắp sách đến lớp học trong bản, “thủng thẳng” học hết lớp này lên lớp khác. 10 tuổi, Hiếu bắt đầu sống xa nhà, tự cất một túp lều nhỏ bằng cái màn tuyn lắp ghép bằng tre nứa cạnh trường cấp 2 tại xã Trà Cang.
Công cuộc “trọ học” của Hiếu bắt đầu từ đó, tự đi học, nấu ăn và thời gian rảnh đi làm thuê cho các “nóc” nhà khá giả, tiền công là 1-2 kg gạo mỗi ngày. Mười bữa cơm thì có đến chín bữa trộn muối vừng hoặc rau xanh. Khổ cực là vậy nhưng Hiếu cứ lặng lẽ, cần mẫn chăm chỉ đi học, làm thêm như những con ong hút mật. Có những lúc Hiếu tưởng chừng phải bỏ học nhưng lại nghĩ “bỏ học mình sẽ làm gì”, và tự động viên “Cứ học tiếp đi, được tí mô hay tí đó”. Đến khi học lên Trung cấp Y dược tỉnh, Hiếu lại tranh thủ làm thêm trong 3 tháng hè. Ban ngày vượt đường rừng đi quanh các thôn, nóc bán kem, mì tôm dạo. Tối đến, bê từng ly cà-phê ở trung tâm huyện để kiếm thêm tiền trang trải việc học. Tích cóp, tằn tiện, mấy tháng hè cũng kiếm được chừng 3 triệu đồng để lo cho cả kỳ học đầy khốn khó... Bao nhiêu năm miệt mài vất vả tự đi tìm con chữ, cô bé Hồ Thị Hiếu đã thành tài với nghề y sĩ.
Nữ y sĩ Hiếu hướng dẫn người dân sử dụng thuốc.
Dâng “mật” cho đời
Chưa một lần làm mẹ, chưa một mối tình trải qua, nhưng bằng kinh nghiệm, vốn sống và trái tim nhân hậu, Hiếu đã dũng cảm cứu sống một sinh linh bé nhỏ khỏi hủ tục chôn sống theo mẹ. Vào khoảng 3 giờ 30 ngày 2-9-2011, sản phụ Hồ Thị Yên (1978) ở làng Tắk Giang thôn 6 xã Trà Cang sinh được một bé trai. Sau khi sinh con, thai phụ bị tai biến băng huyết và tử vong tại nhà. Đau lòng hơn là bé trai vừa mới ra đời đã bị người cha và dân làng ruồng bỏ, đem đi chôn cùng với mẹ theo tập tục người Xê Đăng.
Nhận được tin dữ, chị Hiếu đã gọi điện cho Hồ Thị Hoàng (em ruột) đến can ngăn, “Bằng giá nào cũng không cho dân làng đem chôn đứa trẻ”. Mặt khác, chị tức tốc mua sữa, quần áo và cắt rừng chạy hơn 7 km đường đèo dốc lên cứu đứa bé. Khi Hoàng tới nơi nhìn thấy cháu bé đã khô quắt lại, da dẻ không còn một chút máu, mắt nhắm nghiền, còn anh Hồ Văn Xếp (cha đứa trẻ) và dân làng đang chuẩn bị đưa đứa bé chôn theo mẹ. Chị cố gắng giải thích, cầu xin đến khản cả giọng nhưng anh Xếp vẫn không đổi ý: “Mẹ nó chết rồi phải mang nó chôn theo chứ, nuôi sống sao được”.
Không thuyết phục được, Hoàng đưa điện thoại cho anh Xếp nói chuyện với chị Hiếu. Đầu dây bên kia, anh Xếp nhận được một giọng nói vừa nghiêm khắc, vừa khẩn khoản: “Nó cũng ưng sống như mấy người chứ. Tui làm y sĩ, để tui đem về nuôi. Các người không sợ bị tù vì làm trái pháp luật à. Cuối cùng thì gia đình đứa trẻ cũng đồng ý. Mừng đến rơi nước mắt, hai chị em Hiếu nhanh chóng bế cháu bé, vừa cho uống sữa vừa chạy đến trung tâm y tế huyện cấp cứu. Đứa bé tội nghiệp được cứu sống trong ngày 2-9, Hiếu đặt tên cho nó là Hồ Quốc Khánh. Cu Khánh hiện hơn 6 tháng tuổi, khỏe mạnh, bụ bẫm, từ 2,5kg lúc mới sinh lên 8kg.
“Nuôi cu Khánh lớn khôn, bụ bẫm như ngày hôm nay, tôi muốn minh chứng cho dân làng rằng “một đứa bé dù được sinh ra từ cái chết của mẹ, nó vẫn có thể lớn lên như những đứa trẻ bình thường khác”. Đó là mong muốn của nữ y sĩ Hồ Thị Hiếu. Chị muốn giữ lại quyền sống, quyền làm người của những đứa trẻ bị “ruồng bỏ”, nạn nhân của một hủ tục của người Xê Đăng. Cứ mỗi tháng 7 lần, y sĩ Hiếu đều đặn đến tận nơi hỏi han tình hình sức khỏe của bà con, vận động các mế (mẹ) các chị đem con đến khám bệnh, nhận thuốc.
Đi tới đâu, y sĩ Hiếu cũng đều để lại số điện thoại và nhắn nhủ các già làng, trưởng bản, cán bộ địa phương mỗi khi có người dân nào ốm nặng hay một em bé bị “ruồng bỏ”... hãy gọi cho chị. Bây giờ, mỗi lần có người nhắc đến chuyện tình cảm riêng tư, chị chỉ bảo: “Đợi cu Khánh lớn lên chút nữa. Còn chuyện chồng con cứ để theo lẽ tự nhiên. Nếu ai ưng tui làm vợ thì cũng phải thương cu Khánh luôn, nếu không tui đành ở vậy nuôi con”.
Gia Lạc – Phạm Bình