Núi rừng xanh những kỳ vọng...

Thứ ba, 18/04/2023 08:20
Đến thôn Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) hay qua thôn Hồ (xã Hướng Sơn), Xa Bai (xã Hướng Linh) và xa hơn là Trăng - Tà Puồng (xã Hướng Việt),  đều thuộc H.Hướng Hóa, Quảng Trị là thấy động lực tràn trề với những khoảng rừng xanh trù phú cùng những triển vọng hấp dẫn.
Giới thiệu các sản phẩm từ tre.
Người dân thôn Chênh Vênh giới thiệu về thành tựu khi có rừng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam đạt chứng nhận FSC.

Những chuyển biến ấy đang bật lên từ kết quả Dự án “Thúc đẩy quan hệ đối tác bền vững giữa chủ rừng nhóm hộ gia đình và doanh nghiệp trong thực hiện quản lý rừng bền vững nhằm ứng phó biển đổi khí hậu” (dự án PROSPER) được Liên minh Châu Âu và Tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan–Việt Nam (MCNV) tài trợ tại tỉnh Quảng Trị. Dự án PROSPER tại Quảng Trị được khởi động vào tháng 2-2020, thời gian triển khai 3 năm và vừa được tổng kết mới đây. Tham gia, hưởng lợi có hơn 3.700 nông dân thuộc các cộng đồng miền núi, hộ nhóm, hợp tác xã (HTX)…, phần lớn trong đó là đồng bào thiểu số ở phía bắc H.Hướng Hóa. Trọng tâm dự án là hỗ trợ năng lực thực hiện quản lý rừng bền vững và thúc đẩy liên kết chuỗi cung ứng về lâm sản nhóm các hộ gia đình, HTX tham gia trồng gỗ lớn, quản lý rừng, hướng đến tăng cường sự tham gia tích cực của cộng đồng trong phát triển lâm nghiệp…

Tổ bảo vệ rừng thực hành ghi chép nhật ký tuần tra, chụp ảnh, thảo luận khi có những phát hiện trên tuyến tuần tra.

Qua gần 1.000 ngày triển khai, dự án đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra các sáng kiến, mô hình nổi bật, trong đó có những kết quả mang tính tiên phong đầu tiên tại Việt Nam. Dự án cũng mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực quản lý rừng cộng đồng, phát triển sinh kế cho cộng đồng miền núi, phát triển rừng trồng gắn với phòng hộ và giảm phát thải. Theo đó, đánh một dấu mốc ấn tượng trên hành trình khi lần đầu tiên tại Việt Nam, 2.145ha rừng tự nhiên của 5 thôn tại các xã Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Linh của H.Hướng Hóa được cấp chứng nhận quốc tế FSC dịch vụ hệ sinh thái về lưu trữ và hấp thụ carbon, đóng góp hấp thụ hằng năm khoảng 7.000 tấn CO2. Kết quả này cao hơn thiết kế ban đầu. Lợi ích trước mắt của mô hình chứng chỉ FSC cho rừng cộng đồng là các nguyên liệu hoặc sản phẩm thường được bán giá cao hơn sản phẩm thông thường. Chia sẻ về kết quả này, anh Hồ Văn Giỏi, thôn Trăng – Tà Puồng (xã Hướng Việt) phấn khởi cho biết, đây là nguồn động lực để bảo vệ rừng tốt hơn, cũng như phát triển kinh tế khởi sắc.

Dự án cũng tạo ra vùng nguyên liệu tre có chứng nhận FSC từ 25 ngàn đến 30 ngàn tấn/năm gồm các loại lồ ô, vầu và nứa. Đây là nguồn lợi từ rừng mang đến thu nhập cho người dân tộc thiểu số ở địa phương. Mới đây, vùng nguyên liệu này còn được sử dụng sản xuất thí điểm làm than tre sinh học và lưu trữ carbon. Mô hình trồng rừng vùng đệm và tạo sinh kế gồm: cây trẩu, cây bản địa cũng đã đạt kết quả vượt bậc khi đạt được 227 ha rừng trẩu tập trung và 42ha rừng phân tán trồng tại 3 xã: Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn. Kết quả trên đã có tác động tích cực đến việc thực hiện kế hoạch phát triển lâm nghiệp bền vững tại Quảng Trị, thúc đẩy tỉnh phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ dầu trẩu giai đoạn 2023-2026, định hướng đến 2030 cho nông dân khu vực miền núi.

Giới thiệu các sản phẩm từ tre.

Hơn 3.200 hộ gia đình, thành viên HTX có rừng trồng keo tham gia vào cung ứng gỗ keo FSC có trách nhiệm, và đã thiết lập được gần 2.900 ha rừng trồng gỗ keo đạt chứng chỉ FSC. Một tác động lớn từ dự án chính là hỗ trợ mô hình du lịch sinh thái gắn với bảo vệ rừng FSC. Hai cộng đồng thôn Chênh Vênh và Trăng –Tà Puồng đã mạnh dạn tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng gồ: ẩm thực, tham quan rừng, tham quan thác nước, âm nhạc Bru-Vân Kiều. “Lần đầu tiên tại Quảng Trị, hai cộng đồng Bru – Vân Kiều tự tổ chức dịch vụ du lịch sinh thái cộng đồng, trong đó nhận thức mới về dịch vụ du lịch, giá trị của rừng, bảo vệ môi trường và văn hóa Bru – Vân Kiều”- ông Hồ Văn Chiến, thôn Chênh Vênh chia sẻ.

Khi đến đây, du khách sẽ được khám phá rừng vầu, rừng tre, rừng cây cổ thụ có từ hàng trăm năm tuổi, được nhìn thấy nhiều loài động vật quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất các mặt hàng thủ công từ nguồn nguyên liệu lâm sản ngoài gỗ (tre) từ rừng cộng đồng cùng người dân bản địa… Lãnh đạo UBND H.Hướng Hóa đánh giá cao những hỗ trợ mà MCNV đã, đang dành cho tỉnh Quảng Trị và dự án PROSPER đã mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực quản lý rừng cộng đồng, phát triển sinh kế cho cộng đồng miền núi, phát triển rừng trồng gắn với phòng hộ…

Dự án đã kết thúc nhưng đã tạo ra động lực và bệ phóng to lớn cho các hộ dân tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, lan tỏa sự mặn mà với rừng FSC ở những cộng đồng khác. Điều đó cũng đồng nghĩa góp phần thúc đẩy phát triển rừng bền vững, để những cánh rừng ngày thêm xanh.

Bảo Hà