Nước Anh trong “ngày quyết định”

Thứ sáu, 24/06/2016 10:24

(Cadn.com.vn) - Cử tri Anh sẽ tự quyết định tương lai đất nước và cả Liên minh Châu Âu (EU) khi sẽ chọn lựa ở lại hay rời khỏi khối liên minh 28 quốc gia này - hay còn gọi là hiện tượng Brexit – trong cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức trong ngày 23-6.

Cả Châu Âu đang hướng về nước Anh - nơi có một con số kỷ lục - khoảng 46,5 triệu cử tri - đăng ký tham gia cuộc trưng cầu dân ý để “giúp” chính phủ đi đến quyết định cuối cùng về Brexit, vấn đề gây chia rẽ quốc gia trong suốt thời gian qua.

 Đây là sự kiện có thể thay đổi bộ mặt của Anh và cả Châu Âu, vì vậy đã thu hút sự chú ý của các chính trị gia trên toàn thế giới.

Thủ tướng Anh và phu nhân bỏ phiếu tại thủ đô London. Ảnh: AFP

LẦN THỨ HAI, ANH MUỐN “DỨT ÁO RA ĐI”

Các điểm bỏ phiếu ở Anh mở cửa từ lúc 7 giờ (giờ địa phương) và đóng cửa vào lúc 22 giờ (5 giờ ngày  24-6, giờ Việt Nam). Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố vào ngày 24-6 tại Tòa thị chính Manchester.

Đây là cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc lần thứ 3 trong lịch sử Anh, diễn ra sau một trận chiến kéo dài hơn 4 tháng qua giữa hai phe “Ở lại EU” và “Rời EU”. Lần này, người dân đánh dấu chọn trả lời cho câu hỏi duy nhất: “Liệu Anh nên tiếp tục là thành viên EU, hay rời khỏi EU?”. Họ được chọn một trong 2 đáp án: Một là “Tiếp tục là thành viên EU” và hai là “Rời EU”.  Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên, Anh phải nhờ đến trưng cầu dân ý để quyết định tư cách thành viên EU.

Năm 1975, chỉ 2 năm sau khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (EEC) - vốn là tiền thân của EU - Anh đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại khu vực này. Lúc đó, hơn 60% người dân Anh đã chọn ở lại bởi trên thực tế việc gia nhập EEC với Anh lúc đó không hề dễ dàng. Anh hai lần nộp đơn xin gia nhập EEC, vào các năm 1963 và 1967 nhưng bị từ chối. Đến lần nộp đơn thứ 3, Anh mới trở thành thành viên EEC vào năm 1973.

Lần này, Thủ tướng Anh David Cameron kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý dưới áp lực từ các nghị sĩ đảng Bảo thủ và một bên chống EU ngày càng mạnh mẽ. Những nghị sĩ này nói rằng, Anh không có tiếng nói nào kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 1975. Họ cũng cho rằng, EU đã thay đổi nhiều kể từ đó, kiểm soát nhiều hơn cuộc sống thường ngày của họ.

ANH SẼ Ở LẠI EU?

Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, tỷ lệ ủng hộ “Ở lại” và “Rời đi” là ngang nhau. Tuy nhiên, theo thăm dò mới nhất của Ipsos MORI, tỷ lệ ủng hộ “Ở lại” là 52% so với 48% muốn “Rời đi”. Một cuộc thăm dò khác của hãng Populus cũng cho thấy, phe “Ở lại” đang dẫn trước 10 điểm với tỷ lệ 55%.

Thực tế, nước Anh đang bị chia rẽ sâu sắc về tư cách thành viên EU, với sự khác biệt lớn giữa cử tri lớn tuổi và trẻ tuổi. Sự chia rẽ dân tộc được phản ánh rõ nét trên các trang báo Anh. “Ngày Độc lập” là tít đề trên trang nhất của tờ Sun, tờ báo bán chạy nhất nước Anh, trong khi tờ Daily Mirror cảnh báo “Không nên có bước nhảy vọt vào bóng tối”.

Trên thế giới, các nhà lãnh đạo, từ Tổng thống Mỹ Barack Obama cho đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đã kêu gọi nước Anh ở lại EU. Mới đây, người đứng đầu đơn vị chống khủng bố Hà Lan, ông Dick Schoof cảnh báo, Châu Âu có thể phải thiết lập những biện pháp mới về chia sẻ thông tin tình báo thiết yếu nhằm tự vệ trong cuộc chiến chống khủng bố. Các thành viên EU hiện chia sẻ các cảnh báo và thông tin thông qua Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol). Nhưng nếu rời EU, Anh có thể sẽ không còn là thành viên của Europol.  Hiện tại, thương nhân, giới đầu tư và các Cty đang chuẩn bị cho biến động trên thị trường tài chính bất kể kết quả như thế nào. Các nhà lãnh đạo tài chính của Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu (G7) cũng tuyên bố đã sẵn sàng thực hiện tất cả các bước cần thiết để bình ổn thị trường nếu Anh bỏ phiếu “Rời đi”.

Và nếu cử tri chọn Brexit, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên rời EU, một động thái mà liên minh này lo ngại sẽ tạo ra hiệu ứng domino. Theo điều khoản 50 trong Hiệp ước Lisbon, các nước thành viên có quyền quyết định ra khỏi EU.

Khả Anh