Nước mắt "ông 35"

Thứ năm, 22/10/2015 11:44

(Cadn.com.vn) - 5 năm gần đây, nhiều hộ chăn nuôi ở xã Tam Quang   (H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) liên tục bị mất dê. Dù nghề nuôi dê đang có hiệu quả kinh tế, song nhiều hộ không chịu nổi nạn trộm dê nên có ý định bỏ nghề.

Tam Quang là xã ven biển, một số thôn có địa hình đồi gò, mọc nhiều cây bụi nên thuận tiện cho việc nuôi dê. Khoảng 20 năm trước, cả xã chỉ có một vài hộ nuôi, về sau, thấy có hiệu quả kinh tế nên nhiều người bỏ vốn đầu tư nuôi dê. Theo các hộ chăn nuôi, dê là con vật dễ nuôi, nguồn tiêu thụ ổn định và có giá nên luôn luôn có lãi. Với quy mô đàn 40- 50 con, mỗi hộ có thể thu lãi hàng năm hơn 30 triệu đồng và ít rủi ro. Do vậy, nhiều hộ dân Tam Quang xem con dê là “cần câu cơm”, đầu tư nuôi hàng đàn.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, xã Tam Quang nổi lên nạn trộm dê khiến những hộ chăn nuôi mất ăn mất ngủ. Hộ anh Trần Sơn Hà (1972, trú thôn Xuân Trung) là một ví dụ. Trước đây anh nuôi hơn 50 con, thi thoảng mới bị mất 1 con dê non do đi lạc hoặc bị thú hoang cắn. Bắt đầu từ năm 2009, anh Hà mất toàn dê đực lớn. Tính đến nay, anh bị mất hơn 30 con dê. Chị ruột anh Hà là Trần Thị Sương (1968) nhà cạnh bên cũng thường xuyên bị mất dê.

Không chỉ có anh Hà, chị Sương, những hộ chăn nuôi dê khác trong xã như ông Phan Văn Việt (thôn An Hải Đông), ông Trần Duy Lý (thôn Trung Toàn), ông Năm Rân (thôn Xuân Trung)... cũng lâm vào cảnh mất dê tương tự. Ông Lý cho biết, đàn dê của ông có lúc lên đến 60 con, trong suốt 3 năm liền, các dê cái vẫn đẻ, ông không bán đi con dê nào nhưng đàn dê của ông “ngót” lại, hiện chỉ còn khoảng 40 con. Chuồng dê của hộ ông Trần Hoàng (thôn Xuân Trung) hiện nay chỉ có dê con và dê cái, tuyệt nhiên không có con dê đực lớn nào vì bị trộm bắt hết. Hộ ông Việt từ năm 2011 đến nay đã mất tổng cộng 40 con dê, toàn là dê trưởng thành, có con nặng đến 50kg. Một số hộ mất liền 4-5 con dê lớn chỉ trong một ngày như hộ ông Năm Rân, ông Cao Văn Lào (thôn Thanh Long). Theo ông Việt, dê cái chủ yếu bán làm giống, nếu trộm dê cái đem bán rất dễ bị lộ. Vì vậy, kẻ trộm chủ yếu bắt dê đực trưởng thành bán cho các quán nhậu.

Chị Sương rất lo lắng vì tình trạng thường xuyên mất trộm dê.

Trưởng Công an xã Tam Quang Nguyễn Hòa xác nhận có tình trạng mất dê liên tục nhiều năm gần đây đúng như phản ảnh của người dân. Tuy nhiên, do không bắt được quả tang kẻ trộm nên việc xử lý còn nhiều khó khăn. Chị Trần Thị Sa (1971, thôn Xuân Trung) kể, khoảng 18 giờ ngày 26-8-2014, chị đang hái rau rừng thì nghe tiếng dê kêu bất thường. Khi đến kiểm tra, chị Sa nhìn thấy ông X., một người trong xã đứng gần bụi cây rậm rạp, cạnh đó là một con dê đực lớn bị trói cả 4 chân. Chị Sa nhận ra ngay đó là con dê quen thuộc của chị Sương nên gọi điện thông báo. Tuy nhiên, khi chị Sương đến nơi thì ông X. đã bỏ đi mất. Sự việc sau đó được CAX Tam Quang tiếp nhận rồi chuyển lên CAH. Vì không có chứng cứ đầy đủ nên sau đó ông X. không bị xử lý.

Tiếp đó, ngày 2-5-2015, chị Sương mất con dê đực giống nặng khoảng 35kg. Ngày hôm sau, một người buôn dê tên Danh (trú thị trấn Nam Phước, H.  Duy Xuyên, Quảng Nam) điện báo chị Sương biết có người bán 1 con dê đực rất giống con dê nhà chị mà ông đã nhìn thấy trước đó mấy hôm. Ngay lập tức, chị Sương chạy ra nhà ông Danh thì thấy đúng là con dê của mình. Ông Danh cho biết người bán con dê tên là Th., con rể ông X. Ngày 4-5-2015, chị Sương trình báo sự việc lên CAH Núi Thành. Tại cơ quan điều tra, ông X. cho rằng con dê đi lạc vào chuồng dê của ông nên ông có quyền bán. Ngày 13-5-2015, Công an huyện xử phạt hành chính và buộc ông X. cùng con rể bồi thường cho chị Sương 5,3 triệu đồng.

Đơn trình báo của các hộ nuôi dê đề nghị xử lý nghiêm khắc đối tượng trộm dê.

Nhiều hộ nuôi dê khẳng định ông X. chính là thủ phạm của hàng loạt vụ trộm dê mấy năm gần đây. Theo lý giải của các hộ này, hiện cả xã có 11 hộ nuôi dê, ngoài 2 hộ mới bắt đầu nuôi trong năm nay, có đến 8 hộ thường xuyên bị mất dê, duy chỉ có mỗi hộ ông X. là không bao giờ bị mất. Nhiều người còn cho biết, dê ông X. thả ở thôn An Tây nhưng họ thường thấy ông này đi khắp các thôn để “thăm” các bầy dê của hộ khác. Khi bị phát hiện thì ông bảo “đi tìm dê lạc!”. Hầu hết các hộ nuôi dê đều cho rằng việc xử phạt hành chính với ông X. là quá nhẹ và muốn bỏ nghề nuôi dê bởi sợ nạn trộm dê tái diễn...

Phương Nam