Nước mắt trên đất vàng

Thứ ba, 29/08/2017 10:27

Từ khi Công ty vàng Bồng Miêu  (Quảng Nam) ngừng hoạt động, khu vực Đồi Sim, Thác trắng là bãi vàng cũ trở thành vô chủ. Không ít vàng “tặc” tại mỏ vàng Bồng Miêu là “cựu” công nhân của mỏ trở thành những phu vàng bất đắc dĩ. Đang thất nghiệp lại quen với việc đào hầm lấy quặng, hàng trăm công nhân khai thác vàng cũ của mỏ đã gia nhập đội quân "vàng tặc".

Nhiều lán trại của vàng "tặc" mọc lên sau khi Cty vàng Bồng Miêu đóng cửa.

"VÀNG TẶC" KỂ CHUYỆN 

Tôi gặp lại ông Hồ Văn Tám (57 tuổi), trú thôn 8 (xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh, Quảng Nam). Mới 3 năm mà trông ông già đi nhiều, da đen sạm, khắc khổ hơn xưa.  Năm 2014, trong chuyến công tác lên vùng Tam Lãnh này tôi gặp ông cùng hàng chục công nhân thuộc Công ty vàng Bồng Miêu đang đấu tranh yêu cầu công ty trả lương cho công nhân. Sau đó, Công ty có trả lương nhưng kèm theo là hàng loạt đợt nghỉ việc, đóng cửa mỏ khiến số công nhân làm vàng tại đây điêu đứng. Nói về tình cảnh hiện tại, ông Tám cười buồn: "3 năm rồi từ khi công ty đóng cửa tôi vẫn làm nghề vàng đó thôi. Chỉ có điều trước thì làm công nhân vàng còn giờ thì làm vàng… tặc". 3 năm trước, công việc tại mỏ vàng không suôn sẻ, vợ ông đang nấu ăn cho Công ty Bồng Miêu phải về mở thêm quán chè để thêm thu nhập. Khi Công ty lâm thế lao đao, cả làng bỗng nhiên mất việc làm, đời sống khó khăn, quán chè cũng dần ế ẩm. "Năm ngoái thằng con lớn đi học nghề ngoài Đà Nẵng nên vợ tôi cũng đi theo nó rồi. Ở Đà Nẵng thuê phòng trọ vừa cơm nước cho con cái vừa bán bánh mỳ cũng có đồng ra đồng vào. Tôi thì già rồi, làm vàng mấy chục năm ni cũng yếu sức, cố bám trụ ở đây thôi chứ biết đi đâu giờ”, ông Tám tâm sự. Cái sự bám trụ mà ông Tám nhắc tới chính là việc cùng với công nhân lén lút đi đãi vàng sót khi công ty đóng cửa. Ông Tám cho biết trước đây khi công ty còn thì bảo vệ, chính quyền địa phương còn ra sức canh giữ nhưng bây giờ thì bất lực. Nguy hiểm hơn, những “phu vàng bất đắc dĩ" như ông đã từng có kinh nghiệm, thông thuộc địa hình, đường ngang ngõ tắt của các hầm vàng cũ… nên họ cũng chính là những đối tượng dẫn đầu của nhiều tốp vàng “tặc” tìm đường vào những hầm vàng. Mặc sức khai thác quặng, bất chấp lệnh cấm và truy đuổi cũng như hiểm nguy rình rập, những hầm có sẵn, những mỏ lộ thiên được vơ vét đến tận cùng. Không có được kinh nghiệm và kiến thức như những công nhân vàng, vàng “tặc" ở khắp nơi đổ về nơi này với sự liều lĩnh và tham vọng làm giàu.

Theo thông tin từ UBND xã Tam Lãnh, trung bình mỗi ngày có khoảng từ 60-70 người đến khu vực mỏ vàng Bồng Miêu khai thác vàng trái phép. Một số người còn phá cả cây chống hầm để lấy quặng. Nguy cơ sập hầm gây chết người rất cao nhưng họ vẫn bất chấp. Trung bình mỗi người khai thác vàng trái phép có thu nhập từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Ông Nguyễn Tấn Hòa, Bí thư Đảng ủy xã Tam Lãnh cho biết, mặc dù có mỏ vàng tồn tại nhưng những hệ lụy nó mang đến cho địa phương nhiều hơn lợi nhuận. Tình hình ANTT tại địa phương càng trở nên phức tạp hơn khi không chỉ dân địa phương mà cả người từ các nơi khác tự truyền tai nhau tin đồn "mỏ vàng đóng cửa", quản lý được “thả lỏng". Công ty vàng Bồng Miêu rút đi đã để lại hệ lụy to lớn cho địa phương. Vấn đề môi trường, ANTT trở thành nỗi lo thường trực. Nguy hiểm nhất là nhiều nhóm phu vàng còn trang bị cả máy xay đá, đưa vào hầm sâu hàng chục ki-lô-mét trong lòng núi đào quặng xay ra đãi vàng. Ngoài việc công ty này đang nợ thuế của Nhà nước thì việc số lao động trước đây là công nhân của nhà máy quay lại đào quặng vàng trái phép đã gây sức ép lớn lên chính quyền. Thời gian qua, lực lượng chức năng huyện, tỉnh đã tổ chức nhiều đợt truy quét nhưng vẫn chưa ổn định tình hình. “Đốt máy nổ, phương tiện đãi vàng chỉ là giải pháp tạm thời. Mỗi lần truy quét, những người khai thác vàng trái phép lại trốn vào núi để tránh cơ quan chức năng. Sau khi lực lượng chức năng rút, họ lại ra khai thác lại, mọi việc lại đâu vào đấy”-ông Hòa nói.

Người dân nhiều lần bao vây Cty vàng Phước Sơn để đòi nợ.

Cty vàng Bồng Miêu đóng cửa khiến cuộc sống của những người công nhân lâm vào khó khăn.

MÒN MỎI CHỜ... PHÁ SẢN

Nếu như mỏ vàng Bồng Miêu (H. Phú Ninh) trở thành điểm đen vàng “tặc” sau khi Công ty vàng Bồng Miêu đóng cửa thì tại H. Phước Sơn, nơi có mỏ vàng lớn nhất nước cũng đang lao đao vì nợ nần. Sau 4 tháng từ ngày TAND tỉnh Quảng Nam mở thủ tục phá sản đối với Công ty TNHH vàng Phước Sơn, con số chủ nợ gửi giấy báo nợ đối với công ty vẫn chưa dừng lại. Trong khi Công ty vàng Phước Sơn đang mỏi mòn chờ phá sản thì hàng chục cá nhân, công ty khác lao đao vì món nợ chưa đòi được từ công ty này.

Ngày 27-8, trao đổi với P.V, bà Cao Thị Huyền-Chánh án Tòa Kinh tế TAND tỉnh Quảng Nam cho biết, phía tòa vẫn đang tập hợp hồ sơ, giấy báo nợ từ các chủ nợ đối với Công ty vàng Phước Sơn. Trước đó, TAND tỉnh đã tổ chức cuộc họp hòa giải giữa hai bên là các chủ nợ và Công ty vàng Phước Sơn nhưng bất thành. Trong 4 tháng qua, TAND tỉnh đã gửi thông báo đến hơn 140 chủ nợ của Công ty, yêu cầu họ gửi giấy đòi nợ, tuy nhiên nhiều đơn vị cả trong và ngoài nước vẫn chậm trễ gửi giấy báo. Sau khi hết hạn nhận giấy đòi nợ, tòa sẽ triệu tập hội nghị chủ nợ bao gồm tất cả chủ nợ của Công ty Vàng Phước Sơn. Thông tin từ CAH Phước Sơn, ngay sau khi có thông tin Công ty vàng Phước Sơn bị mở thủ tục phá sản, tình hình ANTT địa phương cũng nóng lên. Cơ quan CSĐT thường xuyên huy động lực lượng túc trực, theo dõi bởi công ty còn nợ rất nhiều người tại thị trấn Khâm Đức. Theo thống kê, những chủ nợ lớn nhất của Công ty vàng Phước Sơn đó là Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Lý Châu Giang với số nợ hơn 1,5 tỷ đồng. Công ty Quảng An 1 7,5 tỷ đồng cùng hàng chục cơ sở, cá nhân nhỏ lẻ khác. Theo ước tính số nợ của Công ty vàng Phước Sơn tại thị trấn Khâm Đức hiện tại là hơn 20 tỷ đồng.

ĐỒNG DAO