Nước Mỹ lại “một đêm không ngủ”
Hàng chục ngàn người biểu tình đã xuống đường trên khắp nước Mỹ, khuấy động bạo lực xuyên đêm 31-5 (ngày 1-6, giờ Việt Nam). Trong đó, tình trạng bất ổn tàn phá các thành phố từ Philadelphia đến Los Angeles và đặc biệt bùng lên gần khu vực Nhà Trắng.
Người biểu tình xuống đường phản đối cái chết của George Floyd suốt đêm 31-5 (sáng 1-6, giờ Việt Nam) ở gần Nhà Trắng. Ảnh: AP |
Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1968, thời điểm mục sư người Mỹ gốc Phi Martin Luther King bị ám sát, ít nhất 140 thành phố của Mỹ đã nổ ra biểu tình và nhiều thị trưởng đã phải ban hành lệnh giới nghiêm. Các cuộc biểu tình bùng nổ từ vụ công dân George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát Mỹ đè cổ. Vụ việc không chỉ làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc tại Mỹ mà còn một số nước như Canada, Anh và Đức.
Tổng thống Trump phải xuống hầm trú ẩn
Các quan chức tiểu bang và các thành phố triển khai hàng ngàn binh sĩ Vệ binh Quốc gia, ban hành lệnh giới nghiêm nghiêm ngặt và đóng cửa các hệ thống vận chuyển để ngăn dòng người biểu tình, nhưng điều đó vẫn không thể ngăn chặn tình trạng hỗn loạn ở một số thành phố suốt đêm 31-5.
Những người biểu tình ở Philadelphia ném đá và cocktail vào cảnh sát trong khi kẻ trộm ở hơn 20 thành phố ở California đã đột nhập vào các cửa hàng và lấy đi tất cả mọi thứ hết mức có thể - những hộp giày thể thao, quần áo, và điện thoại di động, TV và các thiết bị điện tử khác. Tại Minneapolis, một tài xế xe tải chở dầu đã đâm vào đám đông người biểu tình nhưng may mắn không có người bị thương, và tài xế đã bị bắt.
Căng thẳng đặc biệt leo thang bên ngoài Nhà Trắng, cảnh vẫn diễn ra trong 3 ngày biểu tình, nơi cảnh sát bắn hơi cay và lựu đạn vào đám đông hơn 1.000 người biểu tình trên đường phố trong Công viên Lafayette. Hơn 50 nhân viên mật vụ Mỹ đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người biểu tình bên ngoài Nhà Trắng. Khi các cuộc biểu tình kéo dài trong giờ giới nghiêm, cảnh sát Washington cho biết phải ứng phó với nhiều vụ hỏa hoạn xảy ra xung quanh thủ đô. Theo hai quan chức Bộ Quốc phòng, toàn bộ lực lượng Vệ binh Quốc gia ở thủ đô Washington - khoảng 1.700 binh sĩ - được kêu gọi để giúp kiểm soát các cuộc biểu tình.
Trong động thái đáng lo ngại, Tổng thống Donald Trump được cho là đã phải xuống hầm trú ẩn khi người biểu tình vây kín Nhà Trắng. CNN dẫn lời một quan chức Nhà Trắng và một nguồn thực thi pháp luật ngày 1-6 tiết lộ, khi đám đông người biểu tình vây kín Nhà Trắng vào tối 29-5, Tổng thống Trump được đưa xuống hầm một thời gian ngắn. Theo nguồn tin, nhà lãnh đạo này phải trú dưới hầm, vốn được thiết kế để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp như tấn công khủng bố, khoảng 1 giờ trước khi được đưa lên mặt đất. Không rõ đệ nhất phu nhân Melania Trump và con trai của ông, Barron Trump, có xuống hầm hay không.
Khi các cuộc biểu tình gia tăng, Tổng thống Donald Trump đã đăng tải lại nhận định của bình luận viên bảo thủ Buck Sexton, người đã kêu gọi triển khai lực lượng áp đảo chống lại những người biểu tình bạo lực. Động thái này càng như “đổ thêm dầu vào chảo lửa” đang căng thẳng ở Mỹ. Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ, đã đến thăm địa điểm biểu tình ở quê nhà Wilmington và nói chuyện với một số người biểu tình. Ông cũng đã viết một bài đăng trên Medium thể hiện sự đồng cảm với những người biểu tình.
Sẽ truy tố
Ngày 31-5, Tổng chưởng lý bang Minnesota Keith Ellison thông báo ông sẽ phụ trách tiến trình truy tố vụ George Floyd tử vong sau khi bị cảnh sát đè cổ ở thành phố Minneapolis.
Trong một thông báo mới đưa ra, ông Ellison cam kết sẽ thực hiện nhiệm vụ với “sự nghiêm túc cao nhất” đồng thời sẽ huy động nguồn lực cần thiết để đảm bảo tính công bằng. Ông Ellison sẽ phối hợp với công tố viên hạt Hennepin Mike Freeman trong quá trình truy tố. Hôm 29-5, ông Mike Freeman công bố cáo trạng nêu rõ Derek Chauvin - cựu sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis liên quan đến cái chết của nạn nhân George Floyd, bị buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát. Trước đó, ông Freeman đã đề nghị ông Ellison hỗ trợ trong quá trình truy tố.
Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố chính phủ nước này sẽ liệt tổ chức chống phát xít Antifa vào danh sách các tổ chức khủng bố. Một số quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ, trong đó có cả Bộ trưởng Tư pháp William Barr, cho rằng, Antifa và những kẻ kích động khác đứng sau các cuộc biểu tình tại nhiều thành phố ở Mỹ. Trong thông báo hôm 31-5, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ khẳng định, tình trạng biểu tình bạo lực do Antifa và các nhóm tương tự xúi giục và thực hiện là hành động khủng bố trong nước và sẽ bị xử lý đúng theo pháp luật. Ông Barr cũng tuyên bố sẽ huy động các lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố để bắt giữ và buộc tội những người tham gia các cuộc đụng độ bạo lực.
Bên cạnh đó, Cục điều tra Liên bang (FBI) và các cơ quan khác cũng đang phối hợp với chính quyền địa phương để theo dõi các nhóm từ cả phe cực hữu và phe cực tả liên quan đến các cuộc bạo loạn và tấn công cảnh sát, bằng việc giám sát những động thái kêu gọi biểu tình bạo lực trên các phương tiện truyền thông xã hội và các loại hình thông tin liên lạc khác.
Lo ngại làn sóng Covid-19 thứ hai
Các cuộc biểu tình đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai nguy hiểm hơn.
Trong khi nhiều nhà lãnh đạo chính trị chấp thuận quyền bày tỏ bất bình của người biểu tình, họ cũng kêu gọi những người biểu tình đeo khẩu trang và duy trì giãn cách xã hội để bảo vệ bản thân và ngăn chặn virus lây lan. Chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt William Schaffner cho biết: “Không khí ngoài trời có thể làm loãng virus và giảm khả năng lây nhiễm”. Tuy nhiên, những chuyên gia khác lại bày tỏ lo ngại về rủi ro mà các cuộc biểu tình mang lại khi cho rằng: “Các cuộc biểu tình diễn ra ở bên ngoài, nhưng tất cả mọi người đều đứng gần nhau và trong trường hợp này, việc ở bên ngoài không bảo vệ bạn khỏi nhiễm virus”. Mặc dù nhiều người biểu tình đã đeo khẩu trang, nhưng cũng có những người không đeo. Mối lo ngại lớn nhất của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm là virus SARS-CoV-2 có thể lây lan bởi những người không có triệu chứng nhiễm bệnh và họ vẫn cảm thấy đủ sức khỏe để tham gia vào các cuộc biểu tình.
Cho đến nay, Mỹ vẫn là quốc gia có số ca nhiễm nhiều nhất thế giới với hơn 1,8 triệu người mắc Covid-19 và hơn 100.000 người tử vong do dịch bệnh. Người da màu là nhóm đối tượng nhiễm bệnh nhiều nhất, với tỷ lệ nhập viện và tử vong do Covid-19 ở người Mỹ da đen vượt xa so với người da trắng.
KHẢ ANH