Nước Mỹ nổi sóng vì cáo buộc nghe lén điện thoại
(Cadn.com.vn) - Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) James Comey đã yêu cầu Bộ Tư pháp công khai bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Donald Trump cho rằng, người tiền nhiệm Barack Obama đã nghe lén điện thoại của vị tỷ phú này trong chiến dịch tranh cử năm 2016.
Mối quan hệ của Tổng thống Donald Trump với người tiền nhiệm Barack Obama rơi xuống mức thấp nhất sau khi ông chủ mới của Nhà Trắng bất ngờ đưa ra lời tố cáo nặng nề: ông Obama tổ chức nghe lén bất hợp pháp “theo kiểu Watergate” tại tòa tháp Trump của ông trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2016.
Cáo buộc này ngay lập tức khiến nước Mỹ chao đảo khi Nhà Trắng yêu cầu Quốc hội vào cuộc điều tra.
Tổng thống Donald Trump (trái) cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama (phải) nghe lén |
FBI bác cáo buộc ông Obama nghe lén
Trong khi Quốc hội chưa có câu trả lời, cả FBI và Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ (DNI) đều cho rằng, những cáo buộc của ông Trump là sai sự thật.
Trong tuyên bố hôm 6-3, Giám đốc FBI James Comey thậm chí yêu cầu Bộ Tư pháp công khai bác bỏ cáo buộc của Tổng thống Trump. Ông Comey nhấn mạnh, không có bằng chứng chứng minh cáo buộc này và nó còn ám chỉ FBI đã phạm luật. Trước đó, cựu Giám đốc DNI James Clapper cũng bác bỏ cáo buộc “vô lý” của đương kim Tổng thống Mỹ. Phát biểu trong chương trình “Gặp gỡ báo chí” của NBC, ông Clapper nói không hay biết một lệnh nào của tòa án về việc theo dõi tòa tháp Trump ở New York. “Không có hành động nghe lén nào đối với tổng thống, tổng thống đắc cử khi đó, hay khi ông làm ứng viên...”, ông Clapper khẳng định.
Sự việc bắt đầu nổi sóng gió khi ông Trump cáo buộc cựu Tổng thống Obama ra lệnh nghe lén mình. “Tôi chắc chắn rằng một luật sư tốt có thể xử lý thực tế cựu Tổng thống Barack Obama đã nghe trộm điện thoại của tôi trong tháng 10-2016, trước khi diễn ra bầu cử... Đây là một vụ Nixon/Watergate”, ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter. Tuy nhiên, ông không đưa ra bằng chứng cụ thể nào.
Từ tranh cãi “dòng dõi” đến cáo buộc nghe lén
Cuộc tấn công bất ngờ và chưa từng có tiền lệ này đánh dấu những căng thẳng kéo dài giữa ông Trump và ông Obama trong suốt thời gian qua, từ tranh cãi về nơi sinh của vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ cho đến cáo buộc nghe lén như thế này.
Ông Trump từ lâu vẫn không chấp nhận Tổng thống Obama sinh ra tại Mỹ. Cho đến tháng 9-2016, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa mới từ bỏ lập trường sai trái này, kết thúc thuyết âm mưu kỳ quặc kéo dài 8 năm khiến vị tỷ phú này bị chỉ trích là người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc.
Hiến pháp Mỹ quy định tổng thống phải là công dân sinh ra tại nước này. Trước áp lực từ phe của ông Trump, hồi tháng 4-2011,Tổng thống Obama công khai giấy khai sinh để kết thúc cái mà ông mô tả là “vụ việc bên lề” như thế này. “Chúng tôi không có thời gian cho loại việc điên rồ này. Chúng tôi có những điều tốt hơn để làm”, ông Obama nói vào thời điểm đó.
Nhưng Tổng thống Trump bất ngờ làm hồi sinh lại vấn đề “dòng dõi” này trong cuộc phỏng vấn với Washington Post, trong đó ông nói “chưa sẵn sàng” công khai thừa nhận quyền hợp pháp của ông Obama để trở thành tổng thống. Mới đây, khi được hỏi tại sao người quản lý chiến dịch Kellyanne Conway khẳng định rằng, “Tổng thống Trump đã công nhận giấy khai sinh của người tiền nhiệm Obama”, ông Trump trả lời rằng, “bà Kellyanne có thể nói những gì bà ấy thích, nhưng nó không nhất thiết là chính xác”.
Khả Anh