O Chẩm gặp Chủ tịch Fidel Castro ở Dốc Miếu
Bà Chẩm nay đã 74 tuổi nhưng người dân Quảng Trị vẫn quen gọi là “O Chẩm” gắn với thành tích chiến đấu lẫy lừng và gan dạ trong những năm là chiến sĩ du kích bên bờ nam Bến Hải, gây khiếp đảm cho quân thù, đặc biệt trên tuyến phòng thủ hàng rào điện tử McNamara ở Dốc Miếu. Trước khi cùng bà trở lại câu chuyện đời mình, chúng tôi như nghe vang vọng thanh âm rộn rã ký ức ngày 15-9-1973. Bởi, không chỉ trong lòng dân Quảng Trị mà cả o Chẩm, ngày ấy và bây giờ luôn khắc sâu tình cảm chân thành về Lãnh tụ Fidel Castro và nhân dân Cuba với Việt Nam.
Trong 2 ngày 14 và 15-9-1973, Chủ tịch Fidel Castro cùng phái đoàn bất chấp hiểm nguy đã vào thăm Quảng Trị. Đây là chuyến thăm của nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất đến vùng giải phóng trong lúc chiến trường miền Nam Việt Nam còn diễn ra ác liệt. Sáng 15-9-1973, Chủ tịch Fidel Castro thăm Đông Hà, rồi ngược lên Đường 9 đến Cao điểm 241 (còn gọi căn cứ Carol) thuộc xã Cam Thành, H.Cam Lộ. Đây là căn cứ pháo của địch, còn ngổn ngang xác xe tăng, đạn pháo. Tại đây, quân và dân Quảng Trị chứng kiến hình ảnh Chủ tịch Fidel Castro phất cao lá cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Cũng chính tại đây, Chủ tịch Fidel đã nói: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Câu nói làm rung động bao trái tim nhân dân Cuba và Việt Nam cũng như hàng triệu triệu trái tim yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Sau khi thăm cao điểm 241, phái đoàn đến thăm và làm việc với Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại TT Cam Lộ, H.Cam Lộ. Đến đầu giờ chiều cùng ngày, Chủ tịch Fidel Castro rời trụ sở, ngược theo QL1A thăm căn cứ Dốc Miếu (H.Gio Linh). Nhận “nhiệm vụ” đón chào phái đoàn, có nữ du kích Hoàng Thị Chẩm. Đến thời khắc đó, o Chẩm mới biết mình được gặp người bạn lớn của nhân dân Việt Nam và vinh dự được bắt tay với Chủ tịch Fidel Castro. Trong cái nắm tay ấm áp và đầy xúc động đó, nữ du kích cùng các chiến sĩ như được động viên, truyền thêm sức mạnh chiến đấu từ vị Lãnh tụ Cuba.
Như nhiều người được đón phái đoàn hôm đó đều là những điển hình tiêu biểu, o Chẩm được biết đến là nữ dũng sĩ kiên cường, gan dạ. Tinh thần đó vốn được hun đúc từ lúc o còn nhỏ, phụ giúp cha nuôi giấu cơ sở cách mạng và làm liên lạc tại thôn Xuân Long, xã Trung Hải. Năm 12 tuổi, cha bị địch bắt vào nhà lao Quảng Trị, sau biến cố này, o được gửi đi “ở đợ” tại một gia đình ở tại TX Quảng Trị. Khác với những gì o lo lắng, gia đình người này đối xử tử tế và cho học chữ với chính gia sư dạy những đứa con của mình. Dù hoàn cảnh, lịch sử éo le nhưng cảm xúc về dòng ký ức này chưa từng xáo trộn trong lòng o, bởi tình người đã nhận được. Vài năm sau, o Chẩm trở về Trung Hải và từ chối tham gia chiến dịch K8 sơ tán ra Bắc để học tập với quyết tâm ở lại bám trụ quê hương, tự nguyện vào lực lượng du kích. Và từ đây, tên tuổi o Chẩm lẫy lừng trong chiến đấu.
Vào tháng 7-1967, o Chẩm được sang bờ bắc Bến Hải học lớp bắn súng khẩu 12 ly 7 do Sư đoàn 308 trực tiếp hướng dẫn. O cũng được giao chức vụ Khẩu đội trưởng 12 ly 7 của Xã đội Trung Hải. Sau đó, nữ du kích tài năng này được học thêm 1 tuần lớp bắn tỉa và thành xạ thủ bắn tỉa, tiêu diệt nhiều tên giặc tại căn cứ Dốc Miếu. Trong giai đoạn từ năm 1967 đến 1972, o Chẩm đã cùng đồng đội tham gia các đợt vây ép giặc tại căn cứ quân sự trên. Trong đó có trận đánh vào tháng 5-1970. O Chẩm được lệnh gài mìn chống tăng, chờ địch từ hướng đông của làng Cao Xá (xã Trung Hải) đi lên. Không ngờ địch đổi hướng, đi thẳng vào chỗ ẩn nấp của tiểu đội o Chẩm. Lúc này, tiểu đội không có súng chống tăng nên o Chẩm xin Tiểu Đội trưởng sẵn sàng hy sinh để dụ địch đi về hướng đã gài mình sẵn. Nữ du kích bé nhỏ xách khẩu AK43 chạy thẳng vào sát hướng lính bộ binh đi đầu khoảng 50m rồi nổ gần hết băng đạn. Vì muốn bắt sống bằng được nữ Việt cộng nên quân địch rơi vào bãi mìn được du kích cài sẵn. Tiếng mìn nổ rung chuyển, xe tăng địch bốc cháy, bản thân o Chẩm bị đất đá vùi lấp, ngất đi. Khi tỉnh lại, o mừng vui vì cả tiểu đội an toàn. Sau trận này, o Chẩm được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt cơ giới.
Trong khoảng thời gian chiến đấu chống Mỹ - Ngụy từ năm 1967 – 1972, o Chẩm trực tiếp đánh 60 trận, trực tiếp và cùng đồng đội làm tiêu hao nhiều sinh lực địch, đồng thời phát huy tài năng bắn tỉa để tiêu diệt nhiều tên địch. Nữ du kích đã 9 lần vinh dự được Nhà nước chứng nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”, trong đó có 1 danh hiệu “ Dũng sĩ diệt xe cơ giới” (xe tăng), 1 danh hiệu dũng sĩ diệt máy bay và 7 lần được tặng danh hiệu dũng sĩ diệt bộ binh. Từ năm 1970 đến 1972, o Chẩm 5 lần được trao danh hiệu “Dũng sĩ quyết thắng” do Cục Chính trị, Huyện đội Gio Linh, Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh B5 và Đoàn 5764 trao.
Quê hương giải phóng, o Chẩm được đi học y tá và gắn bó với công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tại Trung Hải. O là “bà đỡ” mát tay cho cả ngàn ca sinh nở an toàn ở xã bờ nam Bến Hải này. O Chẩm từng được trao giải thưởng KOVA cho những cống hiến không ngừng nghỉ trong vai trò y tá. Nhắc đến o Chẩm, bà con quê hương ai cũng bật lên tiếng thân thương lẫn tự hào.
Bảo Hà