Ở điểm nóng học sinh bỏ học

Thứ ba, 04/07/2017 09:21

(Cadn.com.vn) - “Nhắc đến huyện Ia Pa là nhắc đến điểm nóng về học sinh nghỉ học, bỏ học của tỉnh Gia Lai”. Câu cửa miệng của nhiều cán bộ, giáo viên đang công tác trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thôi thúc chúng tôi về với các trường học ở vùng khó Ia Pa để tìm hiểu sự học của con em đồng bào dân tộc nơi đây.

 

Đổi thay sự học vùng khó Ia Pa

Đến huyện vùng khó Ia Pa, chúng tôi được thầy Phạm Văn Đức – Trưởng phòng GD-ĐT H. Ia Pa dẫn tới thăm các trường học trên địa bàn. Thầy Đức cho biết năm 2002, Ia Pa được thành lập trước muôn vàn khó khăn. Nằm cách TP Pleiku chừng 100 cây số về phía Đông Nam, khu trung tâm huyện được quy hoạch đặt tại ranh giới 2 xã Ia Ma Rơn và Kim Tân với diện tích sử dụng đất khoảng 1.557ha, bao gồm 2 thôn Blôm và Mơ Năng 1 thuộc xã Kim Tân và 3 thôn Kim Năng 1, Kim Năng 2, Hoa Sen cùng một phần thôn Đak Chă thuộc xã Ia Ma Rơn. Vì nằm vắt vẻo giữa 2 mái đèo Kim Tân đầy nắng, gió và khô khát nên sau nhiều năm thành lập, trung tâm H. Ia Pa vẫn chỉ có các cơ quan công sở hành chính đứng chân. Còn người dân, vì không thể khoan giếng lấy nước sinh hoạt được do dưới mặt đất có tầng đá bàn quá dày nên chỉ có chừng hơn 20 hộ đến đây làm nhà ở kể từ khi thành lập huyện.

Nói vậy để có thể hình dung một phần nào về những khó khăn, thách thức mà ngành GD-ĐT, các trường học trên địa bàn phải đối mặt. “Ngày mới tách lập H. Ia Pa, cơ sở vật chất các trường học đều rất nghèo nàn, thiếu thốn. Nhiều trường phải dạy học trong cảnh phòng lớp tạm bợ, mượn nhờ. Tình trạng học sinh nghỉ học, bỏ học chiếm số lượng lớn nhất nhì tỉnh Gia Lai. Đội ngũ giáo viên thiếu hụt, trong khi điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên vấn đề nâng cao chất lượng dạy học của các trường luôn là nỗi trăn trở thường trực của ngành GD-ĐT và chính quyền địa phương”, thầy Đức chia sẻ.

Thầy Đức cho biết thêm, mặc dù khó khăn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, nhưng chính quyền H. Ia Pa luôn dành sự ưu tiên trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đạt chuẩn quốc gia, mở rộng mô hình bán trú nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em học sinh đến trường. Chính nhờ sự quan tâm đó nên diện mạo các trường học trên địa bàn đang dần đổi thay. Điều đó như càng tiếp thêm động lực, niềm tin cho đội ngũ cán bộ, giáo viên tiếp tục nỗ lực phấn đấu cống hiến cho giáo dục vùng khó Ia Pa. 

 

Trường học làm thay đổi diện mạo vùng đất

Đóng chân trên địa bàn xã Ia Trôk, năm học 2016-2017, Trường Mẫu giáo Tuổi Thơ có 9 nhóm lớp với 260 trẻ được tách học theo từng độ tuổi. Thực hiện kế hoạch năm học, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ. Để thực hiện được mục tiêu cơ bản này, nhà trường đã phát động trong tập thể cán bộ, giáo viên cùng thi đua nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ, trang trí lớp học; sáng tạo đồ dùng, đồ chơi; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp và an toàn, đáp ứng yêu cầu giáo dục trẻ.

“Chúng tôi xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đối với bậc học mầm non là công tác chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ, đặc biệt là khi trường có 100% học sinh bán trú. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục toàn diện, tập trung đổi mới nâng cao công tác quản lý giáo dục, chất lượng giáo viên; các hoạt động dự giờ, thao giảng và tham gia các phong trào thi đua của ngành phát động... nhằm thực hiện mục tiêu giữ vững chất lượng trường chuẩn quốc gia mức độ I”, cô Lê Thị Lộc – Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Tuổi thơ nói.

Cũng như nhiều trường học trên địa bàn H. Ia Pa, với đặc điểm 100% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nên công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh trở thành nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Trường Tiểu học Lý Tự Trọng. Theo cô Nguyễn Thị Ngân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành, cơ sở vật chất trường lớp ngày càng được đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học. Nhờ đó mà đội ngũ giáo viên không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, tích cực vận động duy trì sĩ số học sinh; giúp nhà trường từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện qua từng năm học.

Nói về những giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, thầy Phạm Văn Đức chia sẻ: Trong thời gian qua, để nâng cao chất lượng giáo dục, một trong những giải pháp căn cơ nhất mà các nhà trường đã thực hiện là nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh, bởi vì học sinh đồng bào dân tộc có thành thạo về tiếng Việt thì mới tiếp nhận được kiến thức các môn học khác. Theo đó, xác định lấy mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện là tiền đề quan trọng trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29, những năm qua, cùng với việc tạo chuyển biến trong công tác quản lý giáo dục, nề nếp, kỷ cương trường học, ngành GD-ĐT H. Ia Pa đã tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học trong các nhà trường. Đây thực sự là những giải pháp căn cơ mà ngành GD-ĐT và các trường học trên địa bàn đã tích cực thực hiện nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần thay đổi diện mạo giáo dục vùng khó, nhất là giáo dục vùng dân tộc.

Chia tay chúng tôi, thầy Đức nhắc lại câu nói: “Nhắc đến H. Ia Pa là nhắc đến điểm nóng về học sinh nghỉ học, bỏ học của tỉnh Gia Lai. Câu nói không còn đúng với hiện thực sự học ở Ia Pa, nhưng chúng tôi luôn xem đó là động lực để tiếp tục nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp trồng người trên mảnh đất còn lắm nghèo khó này”.

KHẢI MINH

Công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh trở thành nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của các trường học trên địa bàn H. Ia Pa. Trường lớp huyện vùng khó Ia Pa ngày càng được đầu tư xây dựng khang trang.