Ô nhiễm nguồn nước vùng ven
(Cadn.com.vn) - Từ đầu năm đến nay, khu vực ven TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đã xảy ra 3 vụ cá chết hàng loạt. Điều này dấy lên lo ngại về chất lượng nước tại một số khu vực sông, hồ trên địa bàn. Qua đợt quan trắc gần nhất, ngành chức năng tỉnh Quảng Nam kết luận cả 3 hồ điều hòa Duy Tân, Nguyễn Du, Ngã Ba đều ô nhiễm với các thông số vượt quy chuẩn nhiều lần cho phép. Điều đáng lo ngại là nguồn nước từ các hồ này đều đổ trực tiếp ra các sông trên địa bàn Tam Kỳ. Đây là nguyên nhân chính khiến cho các con sông vùng ven cũng bị bức tử theo.
Cá chết hàng loạt
"Bãi sậy sông Đầm" từng là chứng nhân cho những chiến công hiển hách của nhân dân TP Tam Kỳ trong kháng chiến. Con sông này cũng là nguồn nước tưới tiêu của hàng trăm hộ dân ven bờ. Thế nhưng cùng với sự phát triển của đời sống sông Đầm giờ đây đã không còn vẻ hiền hòa, nên thơ. Tại buổi tiếp xúc cử tri HĐND tỉnh với các xã vùng đông Tam Kỳ mới đây, nhiều cử tri đã nêu lên vấn đề rằng, sông Đầm chỉ có đường nước vào mà không có đường nước ra, do vậy nguồn nước ứ đọng gây ô nhiễm. Về thôn Vĩnh Bình (xã Tam Thăng) nhiều người dân cho biết vài năm trở lại đây cứ đến mùa nắng thì nước sông Đầm gây ra dị ứng, ngứa da. "Khu vực ni rất dễ bị nhiễm mặn tuy nhiên con nước lại không có chỗ chảy ra do luồng lạch bị ách tắc. Cứ đến vụ hè thu là thể nào cũng phải mua thuốc về bôi cho đỡ ngứa", một người dân cho biết.
Còn ông Huỳnh Văn Bốn (trú thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú) lại cho rằng trước đây khu vực ven sông Đầm sản xuất cho năng suất rất cao. Tuy nhiên chừng 5 năm trở lại đây thì năm nào cây lúa cũng kém phát triển. Điều này khiến người dân cho rằng nguồn nước tưới có vấn đề nên cây lúa mới bị ảnh hưởng.
Ông Trần Quốc Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thăng xác nhận: "Xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ) có hơn 140ha lúa thường xuyên bị thiếu nước và gần 160ha lúa bị nhiễm mặn tập trung ở các cánh đồng thôn Thái Nam, Vĩnh Bình, Kim Đới, Kim Thành, Xuân Quý. Do vậy, ngay từ đầu mùa khô năm nay, địa phương đã chủ động xây dựng đập tạm ngăn mặn tại cửa ngõ Sông Đầm".
Nếu như nguồn nước sông Đầm chỉ làm ảnh hưởng đến các hộ trồng trọt thì con sông Trường Giang, Bàn Thạch đoạn qua TP Tam Kỳ đang là mối lo ngại của nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè. Bà Mai Thị Thuận (trú thôn Tân Phú, xã Tam Phú) một trong 33 hộ dân bị mất trắng trong đợt nuôi cá chẽm cuối tháng 4 vừa qua cho biết bà đang tiến hành thả nuôi cá đợt 2. "Cá ni mua giống là 3.500 đồng/con mà vừa rồi chết cả nghìn con khi mới thả nuôi được 1 tuần. Mất trắng vốn nhưng chừ tui cũng quyết phải thả nuôi lại. Đợt ni ai cũng thấp thỏm lo âu bởi chưa có năm nào cá chết đột ngột nhiều như năm ni", bà Thuận than thở.
Còn ông Phú Văn Tài một hộ nuôi cá lồng bè lâu đời tại xã Tam Phú nhận xét: "Tuy vừa rồi kết quả kiểm tra mẫu nước xác định là do thời tiết bất thường gây ra cá chết nhưng dân trong nghề như tui biết còn nhiều nguyên nhân khác. Nguồn nước bây giờ không còn được như ngày xưa vì vậy cá và các động vật thủy sản không kịp thích nghi. Từ đó mà sức đề kháng yếu, khi thời tiết nắng nóng dễ mắc bệnh".
Bà Thuận mất trắng trong đợt cá chết hàng loạt hồi cuối tháng 4. |
Từ đầu năm đến nay vùng ven Tam Kỳ đã xảy ra 3 vụ cá chết hàng loạt. |
Báo động nguồn nước
Theo kết quả quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Quảng Nam thời gian gần đây, nguồn nước ở các ao, hồ điều hòa tại TP Tam Kỳ gồm: hồ Duy Tân, Nguyễn Du và hồ Ngã Ba đều bị ô nhiễm. Trong đó hồ Nguyễn Du nặng nhất, môi trường nước có tính kiềm mạnh, ô nhiễm chất hữu cơ, amoni, phốt phát, dầu mỡ, chất hoạt động bề mặt và vi sinh coliform. Trong năm 2016 khu vực hồ Nguyễn Du cũng đã xảy ra tình trạng cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Nguyên nhân ô nhiễm được xác định do các hồ tiếp nhận một lượng lớn nước thải từ các hoạt động sản xuất, sinh hoạt, nước thải các bệnh viện chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu. Điều đáng lo ngại là nguồn nước từ các hồ này đều đổ trực tiếp ra các sông trên địa bàn Tam Kỳ. Ông Dương Văn Chí - Trưởng phòng TN&MT TP Tam Kỳ cho biết: "Sông Bàn Thạch, Trường Giang chảy qua các phường Hòa Hương, Phước Hòa, Tân Thạnh, An Phú (TP Tam Kỳ) thường xuyên bị nhiễm mặn vào mùa khô, sản sinh ra bèo lục bình làm tắc dòng chảy. Bên cạnh đó, việc xả rác thải, nước thải sinh hoạt của người dân tại một số địa điểm như chợ Tam Kỳ, khu dân cư Cồn Thị (P. Phước Hòa), dưới chân cầu Kỳ Phú 1 (P. Hòa Hương) gây ô nhiễm nguồn nước sông. Nguồn nước tại các hồ điều hòa đổ ra sông cũng bị ô nhiễm do các hoạt động của con người. Hiện nay, đơn vị đang tiến hành khảo sát lại toàn bộ hệ thống sông, hồ trên địa bàn có nguy cơ ô nhiễm môi trường để có giải pháp kiểm tra, quan trắc thường xuyên và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, ngăn chặn các hành vi xả thải ra sông, hồ".
Ông Trần Nam Hưng - Phó bí thư thường trực Thành ủy Tam Kỳ cho biết TP Tam Kỳ ghi nhận ý kiến của người dân phản ánh về việc khu vực ven thành phố nguồn nước bị ô nhiễm. Hiện đã có kế hoạch nạo vét và khơi thông dòng chảy sông Đầm trong thời gian tới để tránh tình trạng nước tù đọng, gây ô nhiễm ảnh hưởng đến đời sống sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Đồng Dao