"Ô sin" mồ mả
(Cadn.com.vn) - Nghĩa trang Hòa Sơn (H. Hòa Vang) với tổng diện tích quy hoạch khoảng 200ha được xem lớn nhất TP Đà Nẵng. Tại đây, dịp cận Tết này, những người phụ nữ địa phương càng tất bật mưu sinh...
Nghĩa trang Hòa Sơn. |
Bà Nguyễn Thị Chữ (70 tuổi, trú thôn Phú Thượng, xã Hòa Sơn) không còn nhanh nhẹn. Vậy nên, nếu như trước đây, bà nhận nhiều mộ phần để trông nom hương khói thì bây giờ bà chỉ nhận 5 ngôi mộ có thân nhân ở xa. Bà tâm sự: "Trước còn khỏe thì nhận nhiều phần mộ để có tiền trang trải cuộc sống. Nhưng giờ già rồi, con cháu nó không cho đi làm nữa, nhưng tôi nhất quyết đi cho bằng được... kiếm vài đồng cau trầu".
Ở cái tuổi thất thập, công việc của bà chỉ đơn giản là hương khói, thay dầu ở đèn, quét xung quanh khuôn viên mộ phần. "Năm ngoái bị ngã gãy tay, nên giờ không cắt cỏ, phát quang cỏ dại được nữa. chỉ làm việc nhẹ thôi. Nhẽ ra mấy người thân của những ngôi mả kia họ không thuê mướn nữa đâu. Nhưng thương cái thân già này một đời săn sóc cho người thân của họ nên vẫn để già này tiếp tục công việc", bà Chữ tâm sự.
Theo lệ, mỗi ngôi mả coi ngó "đường hoàng", mỗi năm thân nhân của họ trả 1,2 triệu đồng. Nếu có thêm khoản thay dầu ở đèn thì được 2,4 triệu đồng/năm nhưng tiền mua dầu hỏa những người này phải tự lo. Trong số những người làm cái công việc coi sóc mồ mả ở nghĩa trang Hòa Sơn thì bà Chữ là người lớn tuổi nhất. Dân địa phương bảo rằng con cháu đã quyết không cho bà theo đuổi cái nghề dầm nắng dãi mưa này nữa, nhưng cuối cùng vẫn không lay chuyển được quyết định của bà. Vì ngày nào không lên với nghĩa trang thì bà ngồi buồn thiu ở nhà, trầu cũng chả buồn nhai. Nhiều thân nhân của các phần mộ mà bà Chữ coi sóc ở mãi Quảng Nam, Tết họ mới ra thăm được, ngoài tiền công họ còn may cho bà cả quần áo mới, có tình có nghĩa tựa người thân vậy. Lão bà thất thập này không thuộc "biên chế" trong đội nào cả, vì tuổi tác nên chị em cũng ngại khi làm việc cùng.
Bà Chữ đã ngoại thất tuần nhưng vẫn theo công việc. |
Nhóm của chị Phan Thị Thanh Hiền (32 tuổi) thôn Phú Thượng gồm 5 người, đều là phụ nữ đứng tuổi. Ai nấy đều có hoàn cảnh khó khăn, không đất cát nông nghiệp cũng chả có nghề ngỗng gì trong tay. Ngay bản thân chị Hiền cũng vậy, không trình độ, ăn nói không lưu loát cho lắm nên đi tìm việc ở các phân xưởng, công ty đâu đâu cũng lắc đầu. Bí quá nên phải chọn cái nghề mà chị bảo là "ô sin mồ mả" này. Chị cười: "Mình đi giúp việc cho người ta cũng vậy thôi. Cũng cơm nước giặt giũ, quét nhà lau cửa, chăm ẵm con cái cho họ. Mồ mả cũng vậy, mình phải thắp hương, thay dầu hỏa, quét dọn, lau chùi thay người thân của người nằm dưới kia".
Công coi sóc mồ mả ở nghĩa trang Hòa Sơn có "ba rem" sẵn, làm việc nào thì giá cả đó. Gặp những người tốt bụng thì cho thêm dăm ba chục gọi là. Chị Hiền phân tích: "Ngày thường thì mình nhận sẵn mồ mả để chăm sóc theo năm rồi. Đâu đã vào đó. Nhưng, những ngày đặc biệt, nhất là dịp Tết nhứt thì luôn luôn bận rộn. Người đi thăm viếng rất nhiều, gia đình nào có nhu cầu quét dọn, chặt bỏ cây dại thì mình làm luôn một thể".
"Tết nhứt thì bận rộn hơn ngày thường", chị Hiền bảo. |
Ngoài những phụ nữ làm cái nghề này ở thôn Phú Thượng, đông đảo nhất phải kể đến đội ngũ ở thôn Hòa Khê và An Ngãi Tây. Nhóm của chị Hương (thôn An Ngãi Tây) có đến 8 thành viên. Sau đền bù giải tỏa, ruộng đất không còn, họ chỉ còn cách mò mẫm vào nghĩa trang Hòa Sơn để mưu sinh. Chị Hương bảo: "Không đất đai, ruộng vườn cũng chả có cái nghề trong tay nên chị em chúng tôi chỉ còn nước vịn vào đây mà sống, kiếm đôi ba đồng qua ngày để nuôi con cái. Mà cái nghề này cũng chả biết ra sao nữa, sống chung với mồ mả thế này rồi cũng có ngày sinh ra bệnh tật. Tôi nghe họ bảo rằng cả một vùng khí âm của người chết mà gặp khí dương của người sống thì nó hút hết. Cũng chả biết thế nào nữa nhưng có tiền thì chị em ào vào làm thôi".
Thôn Hòa Khê là nơi có nhiều người làm cái nghề trông nom mồ mả, ngoại trừ thanh niên nam nữ đi làm ở công ty, xí nghiệp còn lại trung niên đều loanh quanh chốn này để kiếm cơm. Đàn ông thì làm những công việc nặng nhọc như xây cất các phần mộ, phụ nữ thì lo hương khói, quét dọn. Trẻ con sau giờ học cũng theo cha mẹ làm cái nghiệp ở chốn người chết nhiều hơn người sống này.
Mặc dù phải chịu nhiều cực khổ khi theo cái nghề này nhưng những phận người "ô sin mồ mả" ở nghĩa trang Hòa Sơn vẫn vui vẻ vì theo họ đây là một việc làm mang tính tâm linh. Bởi, đã sống tốt với nhau thì chẳng việc gì phải sợ, nhất là những người... đã khuất!
Bùi Đức Tú