Obama và Putin: Từ giá lạnh đến đông lạnh

Thứ hai, 29/12/2014 09:54

(Cadn.com.vn) - Nền kinh tế đi xuống của“cỗ xe tăng Nga” dường như là yếu tố khiến Tổng thống Vladimir Putin khó có thể sửa chữa các mối quan hệ với phương Tây.

Thực tế, cả Mỹ và Nga đang dần trượt sâu vào chủ nghĩa xét lại Chiến tranh Lạnh, gây ra tình trạng bế tắc tồi tệ nhất giữa hai bờ Đông-Tây trong thập kỷ qua và đẩy cả hai vào giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt, khi đồng rouble và giá dầu rớt giá, Moscow dường như chỉ muốn dồn tâm sức cho nền kinh tế và tạm gác những tranh chấp chính trị. Mặc dù Tổng thống Putin cho thấy sự linh hoạt hơn trong vấn đề Ukraine và nâng cao triển vọng về giải pháp hòa bình cho quốc gia láng giềng này, nhưng rõ ràng, các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đang là vật cản những nỗ lực này.

Mối quan hệ lạnh giá hai bên càng bế tắc khi ông chủ Điện Kremlin hôm 26-12 phê chuẩn học thuyết quân sự mới, chủ yếu mang tính phòng thủ. Trọng tâm gây căng thẳng là việc học thuyết mới của Nga coi NATO là mối đe dọa số 1 đối với an ninh quốc gia. Đó là việc NATO mở rộng tiềm năng sức mạnh, sự xích lại của cơ sở hạ tầng quân sự NATO sát biên giới Nga, triển khai binh sĩ nước ngoài trên lãnh thổ các nước có chung biên giới với Nga, trong đó có việc tiếp tục mở rộng, mà mới đây nhất và lôi kéo Ukraine gia nhập khối.

Trong học thuyết quân sự mới, Nga nhấn mạnh, khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn chống lại nước này đã giảm nhưng danh sách hàng loạt các mối đe dọa tăng mạnh ở một số lĩnh vực như đòi chủ quyền lãnh thổ, can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia và đưa vũ khí chiến lược vào không gian. Tuy nhiên, ngay sau đó, NATO lên tiếng bác bỏ và cho rằng, họ không tạo ra bất cứ mối đe dọa nào đối với Nga.

Có nhiều vấn đề đối với Tổng thống Obama, người vốn có bài phát biểu hôm 27-12 bày tỏ sự lo ngại về mối quan hệ căng thẳng với Nga, thay vì  tập trung vào các cuộc khủng hoảng chính sách đối ngoại ở những nơi khác. Mặc dù Nga không phải là một siêu cường Chiến tranh lạnh trước đây, nhưng với sự lớn mạnh hiện nay của Moscow, Washington không thể bỏ qua. Nhà Trắng lo ngại, Điện Kremlin có thể ngăn chặn các mục tiêu chính sách đối ngoại của Washington với những di sản sống còn của ông Obama tại Iran, Trung Đông và xa hơn nữa.

Lo ngại sức mạnh Nga khiến Tổng thống Mỹ không ngần ngại ký sắc lệnh, theo đó nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Moscow mặc dù bản thân ông biết, đây không phải là cách hay. Bất chấp sự chỉ trích của ông chủ Điện Kremlin, Nhà Trắng cho rằng, các biện pháp trừng phạt của họ và cả Liên minh Châu Âu (EU), là điều không thể khiến ông Putin phớt lờ.

Thanh Văn