Ôi màu cờ ngày ấy

Thứ sáu, 30/06/2023 09:21
Những năm kháng chiến chống Mỹ, cờ Tổ quốc (Quốc kỳ Việt Nam), Cờ Giải phóng (Cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam) có thể xuất hiện bất kỳ nơi đâu, thời điểm nào trong vùng địch... Nhưng với người dân Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), màu cờ của niềm tin, của hy vọng ấy in đậm nhất vẫn tại 2 điểm: Hòn Cờ và Gò Khu ốc.
Các cựu binh Đại đội 1 thăm lại chiến trường xưa Gò Khu Ốc.
Chiến trường xưa giờ thay da đổi thịt.

1 . Trong dịp xã Hòa Liên tổ chức gặp mặt cựu cán bộ kháng chiến 4 xã Hòa Liên - Hòa Ninh - Hòa Sơn - Hòa Bắc tổ chức dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng Đà Nẵng, tôi tranh thủ gợi lại 2 địa danh trên. Gần như ngay lập tức, lấp lánh niềm tự hào ngập tràn ánh mắt của những cựu du kích, chị nuôi quân, bà mẹ đào hầm...

Hòn Cờ ngày ấy, bây giờ đang sừng sững trụ thép nâng đường dây 500kV mạch 2, cách đường dây 500kV mạch 1, được đặt trên khu vực từng gọi là đồn Nhất không bao xa. Hòn Cờ vốn là một trong những “dương” mà người dân địa phương đặt cho những ngọn núi thấp. Nhưng từ khi có những sự kiện “dựng cờ” của bộ đội và du kích, từ dương “không tên”, trở thành dương Hòn Cờ.

Ai từng biết những lá cờ của Cách mạng xuất hiện giữa vùng kiểm soát của Mỹ - ngụy có ý nghĩa như thế nào với lòng dân và lòng địch, sẽ hình dung câu chuyện Hòn Cờ tác động ra sao với người dân ở vùng địch tạm chiếm như Hòa Liên những năm 68, 69 và 70 trở về 1975. Với quyết tâm dựng và bảo vệ hình tượng của Tổ quốc, của Cách mạng, bộ đội và du kích chọn địa điểm ngọn đồi sát đồn Nhất của địch để treo cờ. Dĩ nhiên điều kiện lúc ấy cột cờ chỉ là gỗ hoặc tre. Một đêm thấp thỏm lo bộ đội du kích công đồn, sáng ra địch càng hoảng loạn hơn khi thấy “Lá cờ nửa đỏ nửa xanh” ngay tầm mắt. Lập tức, chúng lồng lộn gọi điện, trút đạn xối xả về phía cờ ta, cầu viện lính bắn tỉa quyết tâm “hạ cờ”. Nhưng sau một đêm, lá cờ Cách mạng khác lại mọc lên, tung bay ngạo nghễ. Lại đua nhau bắn hạ. Cứ thế, đêm đến, địch thay nhau trút đạn vào vị trí ấy, quyết không để ngày mai cờ lại mọc. Nhưng kỳ diệu thay, qua một đêm đạn nổ, đạn lửa, đạn cối rít toạc màn đêm, sáng ra cờ lại mọc... Cứ thế, cứ thế, mãi đến những ngày cuối tháng Ba năm Bảy lăm lịch sử...

Từ đó đến nay, người dân địa phương vẫn gọi nơi ấy là dương Hòn Cờ.

Đến dự gặp mặt cựu cán bộ kháng chiến Hòa Liên - Hòa Ninh - Hòa Sơn - Hòa Bắc.

2 . Trong nỗ lực tìm kiếm tư liệu về địa danh còn lại Gò Khu Ốc, tôi may mắn được gặp những người lính Đại đội Độc lập cánh bắc Hòa Vang (Đại đội 1) anh hùng. Ông Phạm Hữu Lưu - Phó Ban Liên lạc Đại đội 1 nhớ lại, đó là rạng sáng ngày 28-1-1973, đúng thời khắc Hiệp định Paris có hiệu lực, đại đội 1 cắm cờ Mặt trận dân tộc giải phóng tại Gò Khu Ốc thuộc thôn Đồng Cấu. Tưởng địch sẽ thực hiện đúng cam kết ngừng bắn theo Hiệp định, nào ngờ, thấy cờ Giải phóng, chúng huy động pháo từ đồn Nhất, Thanh Vinh bắn cấp tập. Sau một ngày quần với địch, đẩy lùi nhiều đợt tiến công, tiêu diệt được nhiều tên địch và giữ được Đồng Cấu... đến 19 giờ, đại đội rút quân về căn cứ.

Sau khi rà soát lực lượng, Đại đội 1 với 7 nam nữ còn lành lặn tiếp tục nhận lệnh tổ chức ngay lực lượng đến Gò Khu Ốc cắm cờ chốt giữ để giành dân, giành đất ngay trong đêm 29-1. 7 giờ sáng 30-1-1973, khi thấy cờ Mặt trận cắm lên ở Gò Khu Ốc, địch lại đổ quân, dồn pháo vào. 7 “chiến binh” với 2 khẩu B40, B41, 7 tiểu liên AK, gần 1.000 viên đạn, 30 quả lựu đạn... đã giữ cờ thành công nhiều ngày, đánh bật hàng trăm lính Sư đoàn 3 cùng 1 đại đội bảo an, một trung đội nghĩa quân ngụy.

Với tôi, tìm về Đại đội 1 tôi lại tình cờ gặp những chỉ huy, đồng đội mà người bố của mình đã sát cánh đồng cam cộng khổ, chiến đấu và hy sinh. Đại đội trưởng Trương Văn Tranh ngày ấy, bây giờ là Trưởng Ban Liên lạc Đại đội 1, đã là cụ già 81 tuổi ôm vai tôi lắc mạnh: “Chú Toại hy sinh năm 1970, không kịp tham gia trận đánh đó”.

Các cựu binh Đại đội 1 thăm lại chiến trường xưa Gò Khu Ốc.

3 . Lọc trong những câu chuyện cảm động của nữ Anh hùng Công an nhân dân Ngô Thị Huệ, Anh hùng lực lượng vũ trang Hồ Thúc Ngôn tại dịp gặp mặt truyền thống cựu cán bộ kháng chiến Liên - Ninh - Sơn - Bắc, thấp thoáng màu cờ ở Gò Khu Ốc và Hòn Cờ ngày nào. Đó là niềm tin, là hy vọng và cả những tâm niệm chiến đấu vì những người đã ngã xuống trong những năm tháng ấy. Những trận diệt ác như xuất quỷ nhập thần của người con gái Hòa Liên tên Huệ, có nợ nước lẫn thù nhà. Trận xóa tan trận địa pháo Thanh Vinh vang dội của Anh hùng Hồ Thúc Ngôn tham gia, trận diệt trực thăng bằng lựu đạn của người thiếu niên Võ Phổ 12 lần được phong tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ” cạnh đồn Nhất cũng có một phần nào từ niềm căm phẫn từ “tây bắc Hòa Vang máu đỏ ngập đồng”, từ hàng chục chiến sĩ Đại đội 1 hy sinh giữ cờ ở Gò Khu Ốc...

Những cựu cán bộ kháng chiến ngày ấy “súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa” nhưng không quên nhắc về địa danh Hòa Lạc, những năm tháng kháng chiến là tên gọi chung của Hòa Liên, Hòa Ninh và Hòa Bắc bây giờ; không quên nhắc rằng 2/3 xã ấy hiện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; không quên khẳng định rằng những ngọn cờ ở Hòn Cờ và Gò Khu Ốc chưa bao giờ phôi phai trong lòng... tiếp tục là động lực để họ cùng lớp con cháu bảo vệ và xây dựng quê hương.

THẾ SINH