Olympic Việt Nam sớm dừng bước ở ASIAD 19: Tại anh, tại ả…

Thứ ba, 26/09/2023 08:05
Là đội tuyển duy nhất của bóng đá Đông Nam Á bị loại từ vòng bảng ASIAD 19, Olympic Việt Nam nhận về mình không ít chỉ trích. Điều đó là khó tránh khỏi với một đội quân “chiến bại”. Nhưng nếu nhìn lại cả quá trình chuẩn bị, hãy có cái nhìn công bằng hơn với thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.  
Nếu có tiếc nuối, thì đấy là lớp trẻ Olympic Việt Nam chấm dứt sớm cơ hội kéo dài thêm trải nghiệm và học hỏi ở sân chơi lớn như ASIAD.
Nếu có tiếc nuối, thì đấy là lớp trẻ Olympic Việt Nam chấm dứt sớm cơ hội kéo dài thêm trải nghiệm và học hỏi ở sân chơi lớn như ASIAD.

Mang lứa U20 dự ASIAD 19, Olympic Việt Nam gánh trên mình bao kỳ vọng, không chỉ gói gọn ở một kỳ Đại hội và không riêng yếu tố thành tích. Nhìn vào danh sách được triệu tập để so với lực lượng mà lứa trẻ Olympic Việt Nam phải đối mặt, những ai mơ mộng nhất cũng không dám nghĩ các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ tiến xa ở ASIAD kỳ này. Trừ một niềm hy vọng sẽ xuất hiện điều kỳ diệu tương tự lớp cầu thủ “Thường Châu tuyết trắng 2018”. Những kết quả đã rõ. Dự báo trở thành thực tế. Olympic Việt Nam không thể kéo dài cuộc trải nghiệm như mong đợi. Và nó phải thế.

Với việc HLV Hoàng Anh Tuấn “chấp” bộ đôi trên U23 cả 3 trận đã đấu, Olympic Việt Nam thua thiệt các đối thủ về mọi mặt: tuổi tác, kinh nghiệm trận mạc, tâm lý, thể hình, thể lực… Ngoại trừ Olympic Mông Cổ, Iran và Saudi Arabia ở một “trình” khác, ngay cả với U23 Việt Nam đúng nghĩa chứ đừng nói đến U20 trong tay HLV Hoàng Anh Tuấn. Kết quả thua 0-4 và 1-3 trước 2 đối thủ trên cơ là hợp lý, chẳng có gì bất ngờ. Với chiến thắng 4-2 trước Olympic Mông Cổ, hãy xem đó là kết quả tốt, nếu so sánh về độ tuổi. Chưa kể, ở một số thời điểm, Olympic Việt Nam còn chơi tốt ngay cả với 2 đối thủ mạnh Iran và Saudi Arabia. Các bàn thua hầu hết đến từ điểm yếu về kinh nghiệm, thể hình và thể lực. Đó chính là câu chuyện “lực bất tòng tâm”.

Vậy có điều gì phải phàn nàn thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn?

Câu chuyện lẽ ra phải được quay ngược về nền bóng đá Việt Nam, là câu chuyện về xây móng của một nền bóng đá, khởi đầu từ bóng đá trẻ. Không khó để nhận ra các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn chưa được chuẩn bị tốt để bước ra sân chơi châu lục, thậm chí ở khu vực. Trước Olympic Iran và Saudi Arabia vượt trội, hạn chế về thể hình, thể lực, kỹ thuật của cầu thủ trẻ đã lộ ra, không thể khác. Và, bóng đá Việt Nam biết mình đang ở đâu, thực lực ra sao.

Khó đòi hỏi các học trò HLV Hoàng Anh Tuấn tuân thủ chiến thuật và ứng biến tốt trong suốt cả trận đấu mà đối thủ liên tục “tra tấn” về thể lực. Khó đòi hỏi những Quốc Việt, Vỹ Hào “mỏng cơm”, thậm chí là Thái Sơn, Minh Tiến thắng thế trong các pha một đối một với các cầu thủ Tây Á. Phương án hợp lý nhất là kiểm soát bóng - phối hợp - đột phá... cũng không thể duy trì trên 90 phút vì cả điều này Olympic Việt Nam cũng quá thua thiệt. Không chỉ riêng ở ASIAD 19, tính cả U17 nữ Việt Nam dự giải U17 châu Á cũng có chung một “kết cục” giống nhau: thua thiệt về thể hình khiến U17 Việt Nam thất thủ 1-2 trước U17 Australia 1-2, thất bạị 0-1 trước U17 Philippines cùng khu vực Đông Nam Á…

Như vậy, vấn đề của bóng đá trẻ Việt Nam là mang tính hệ thống. Câu chuyện về tố chất, sinh hoạt, y tế thể thao, dinh dưỡng thể thao, tập huấn, cọ xát… đã được cảnh báo từ lâu, từ xa nhưng chưa được quan tâm đúng mức, đúng khoa học. Từ cấp độ CLB đến đội tuyển quốc gia, hầu hết các HLV khi đã chọn được lực lượng tạm cho là “chất lượng” nhất, cũng đều tốn thời gian, công sức “đào tạo lại”, thậm chí cả những “bài vở” được coi là cơ bản nhất, vỡ lòng trong bóng đá!. Bóng đá Việt Nam may mắn có một “lứa Thường Châu” cũng phải trải qua một quá trình “làm lại” đầy kiên trì của HLV Park Hang-seo, từ thế đứng, bước dậm nhảy, món ăn, giấc ngủ, giờ tập Gym và thậm chí những cơ hội để giải trí.

ASIAD 19 cho chúng ta thấy thực tại của bóng đá trẻ Việt Nam. Vấn đề là bây giờ và tương lai các CLB, VPF và VFF sẽ phải làm gì để có thể thay đổi. Hy vọng, nếu đã có ý tưởng xây dựng Olympic Việt Nam thành nhân tố chuẩn bị cho SEA Games 33 và vòng loại U23 châu Á 2026, thì những “bài học” từ ASIAD 19 sẽ không bị xếp xó ở đâu đó.

T.S