Omicron khiến thế giới trải qua thời khắc chưa từng có trong hơn 100 năm

Thứ tư, 09/02/2022 21:13

Bệnh viện đối mặt nhiều áp lực khi số ca mắc tăng cao do thiếu nhân viên.  Ảnh: Bloomberg

Chỉ trong vài tuần qua, Omicron khiến thế giới đang trải qua thời khắc độc nhất: số lượng người bị bệnh cùng một lúc nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào kể từ khi xảy ra đại dịch cúm năm 1918-1919.

Trong khi làn sóng lây nhiễm biến chủng Omicron đã đạt đỉnh ở nhiều nơi, nhiều khả năng tháng 2 sẽ tiếp tục chứng kiến sự lây lan chóng mặt của biến chủng này. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nhân viên, từ bệnh viện cho đến nhà máy và thúc đẩy cuộc tranh luận về các hạn chế phòng dịch, đặc biệt là khi Omicron có triệu chứng ít nghiêm trọng hơn.

Ở Anh, cứ 6 người thì có một người nhiễm virus kể từ khi Omicron xuất hiện vào cuối tháng 11-2021. Ở Đan Mạch, tỷ lệ này là khoảng 1/5 và ở Israel là 1/10. "Đây là khoảnh khắc độc nhất không thể tin nổi khi rất nhiều người cùng mắc một căn bệnh cùng một lúc", Wall Street Journal trích lời Christopher Murray - Giám đốc Viện Đánh giá và Đo lường Sức khỏe của Đại học Washington (IHME), chuyên theo dõi sức khỏe toàn cầu nhận định.

Giữa tháng 1, tại Mỹ, trung bình cứ 5 người thì có một người nhiễm Omicron. Tỷ lệ này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào giữa tháng 2, Trevor Bedford, chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutchinson ước tính. "Gần 40% dân số nhiễm cùng một chủng bệnh trong vòng 8 tuần là điều không thể tin nổi, tôi cho rằng chưa từng có mô hình dự đoán nào như vậy trước kia. Cúm mùa thường chỉ khiến 10% dân số nhiễm bệnh, và trong vòng 16 tuần", ông Bedford nói.

Khác với các làn sóng lây nhiễm trước kia khi số người nhiễm bệnh ít hơn và xuất hiện ở các khu vực khác nhau ở những thời điểm khác nhau của thế giới, làn sóng hiện nay phủ khắp thế giới, ngay cả khi một vài khu vực châu Á chưa phải đối mặt đợt bùng phát lớn. Tất nhiên, không phải ai nhiễm virus cũng có triệu chứng và bệnh nặng. Theo khảo sát của IHME, 80% - 90% người nhiễm Omicron không có triệu chứng, trong khi với Delta và một vài chủng cúm khác chỉ là 40%, nhưng nó khiến số người nhiễm bệnh kỷ lục chỉ trong một khoảng thời gian ngắn. "Dù chỉ 5% người nhiễm bệnh bị ốm, đó cũng là con số rất lớn", ông Murray nói.

Vấn đề này tác động gấp 3 lần lên thị trường lao động: Những người mắc, những người chăm sóc người thân, và những người không có triệu chứng nhưng có xét nghiệm dương tính phải ở nhà theo hướng dẫn của chính phủ. Kết quả là, số người vốn không thể làm việc từ xa phải nghỉ việc nhiều chưa từng có. Điều này ảnh hưởng đến bệnh viện, trường học, ngành hàng không và cả các sự kiện thể thao. Các bệnh viện bị ảnh hưởng nhiều nhất khi có nhiều bệnh nhân hơn và ít nhân viên hơn. 

Tại Brazil, 1/5 nhân viên y tế tại Rio de Janeiro đã nghỉ ốm trong tuần qua do dịch cúm hoành hành. Tại Mexico, 10-13% công nhân nhà máy cũng vắng mặt trong các tuần gần đây. Hãng hàng không của Argentina Aerolineas Argentinas cho biết 1/10 trong số 11.000 nhân viên của hãng bị ốm vào giữa tháng 1, khiến nhiều chuyến bay bị hủy. Trong khi đó, có 10-13% nhân viên nhà máy ở Mexico bị ốm trong những tuần gần đây. Một số công ty sản xuất có tới 20% lực lượng lao động không thể đi làm.

Quy mô và tốc độ lây lan của Omicron có thể so sánh với đại dịch cúm năm 1918 - 1919,  tiến sĩ William Schaffner của Đại học Y Vanderbilt nhận định. Trong tháng 1, hơn 84 triệu người trên thế giới mắc Covid-19, gần tương đương số ca nhiễm của cả năm 2020. Tuy nhiên, điều may mắn là, số ca bệnh nặng và tử vong do Covid-19 tương đối thấp. Omicron được đánh giá gây triệu chứng ít nghiêm trọng hơn so với các biến chủng trước kia của SARS-CoV-2. Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng, Omicron có thể là tín hiệu khởi đầu để thế giới thoát đại dịch Covid-19.

KHẢ ANH