Ơn rừng!

Thứ hai, 27/04/2015 10:25

(Cadn.com.vn) - 1. Ngày 16-3-1973, tôi là một trong 300 tù binh cuối cùng ở trại tù Phú Quốc được trao trả tại sân bay Thiện Ngôn, tỉnh Tây Ninh, nơi đã đón hàng ngàn tù binh được đối phương trao trả tại đây. Sân bay Thiện Ngôn chủ yếu dùng cho các loại trực thăng, trong đó có trực thăng hạng nặng CH-47 Chinook và máy bay trinh sát L19. Trong sân bay là căn cứ của Chiến đoàn 49 quân lực Sài Gòn, bây giờ nằm trong khuôn viên Khu Hành chính - Dịch vụ Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Khi chúng tôi được trao trả, căn cứ này còn ngổn ngang lô cốt, giao thông hào, ụ pháo, hầm xe tăng nửa chìm nửa nổi, do bị Trung đoàn 24 Quân Giải phóng (Trung đoàn Trung Dũng - Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân) tiêu diệt ngày 7-4-1972, mở đầu Chiến dịch Nguyễn Huệ trên toàn chiến trường miền Nam.

Mặc dù quân ta thắng giòn giã trong trận đánh này, bắt sống cả xe tăng nhưng tổn thất không nhỏ: gần 100 sĩ quan, chiến sĩ hy sinh. Sức khỏe dần hồi phục, tháng 7-1973, Báo Giải Phóng-Cơ quan Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam-nhận tôi về làm phóng viên. Bấy giờ, trên 20 cơ quan thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục đều đóng ở khu vực trảng Cố Vấn, cách Lò Gò vài kilomet về phía thượng nguồn sông Vàm Cỏ. Đầu mùa mưa năm 1974, các cơ quan này dời ra những khu rừng từ cầu Cần Đăng đến Cà Tum.

Sau Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, từ Lò Gò, Xa Mát, Trại Bí..., dù máy bay của không lực Sài Gòn thả bom, bắn phá, ngày cũng như đêm vẫn rộn ràng người xe đi lại, cán bộ, chiến sĩ có, dân có (chủ yếu là Việt kiều ở Campuchia hồi hương). Chợ Xa Mát xuất hiện tự phát và Cần Đăng, Cà Tum đã có bán hủ tíu, bánh mì, có cả tiệm chụp hình. Cả vùng giải phóng trên 200 kilomet vuông ấy, có lẽ sau nhiều lần bay do thám, không quân Mỹ gọi là Logo City (thành phố Lò Gò), và đài VOA, đài BBC đều dùng tên ấy trong các bản tin chiến sự ở Tây Ninh, ở miền Nam Việt Nam.

Nơi ở và làm việc của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong Di tích Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam.

Những năm tháng ở “Logo City”, tôi có một mối tình thật lãng mạn và đắm say. Người tôi yêu là một cô gái Bắc vượt Trường Sơn vào chiến trường Đông Nam Bộ, công tác tại Bệnh viện Liên Cơ thuộc Ban Dân y Miền Nam. Cùng là cơ quan của Trung ương Cục (thường gọi là R), mà lãnh đạo Bệnh viện Liên Cơ buộc tôi phải làm lý lịch có chứng nhận của Báo Giải phóng để xét xem có đủ phẩm chất cách mạng để yêu cán bộ của họ hay không. Tất nhiên tôi không làm theo yêu cầu ấy, thế là bảo vệ bệnh viện cấm cửa. Cấm cửa mà họ quên rừng già có bao lối để chúng tôi gặp nhau. Lâu lâu, từ mặt trận về, tôi lại luồn rừng đến với người yêu trong chiếc lán lợp lá trung quân. Những lần như thế, tôi thường lót dép râu ngồi đung đưa cho người yêu hong mái tóc dài xỏa xuống cánh võng, dưới ánh trăng chao nghiêng tán rừng. Sau đó người yêu tôi ra mặt trận trực tiếp phục vụ thương binh. Và cũng vì thế mà tình yêu của chúng tôi càng khắc khoải, khắc khoải cho đến ngày tiến về Sài Gòn. Bây giờ nghĩ lại, đó là những kỷ niệm vô cùng đẹp đẽ!

2. Con đường 781 từ thị xã Tây Ninh lên Lò Gò không còn xóc nẩy người để trên chiếc xe máy em ôm tôi thật chặt. Đã 40 năm, cứ đến tháng Tư, tôi và em lại trở về chiến khu, trở về những khu rừng tình yêu, nơi có một thời tuổi trẻ đẹp nhất, và lần nào cũng như lần đầu trĩu nặng ơn rừng... Mãi đến tháng 7-2002, Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát mới được thành lập, nằm trên địa phận ba xã thuộc H. Tân Biên. Đến nay Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn giữ được hơn 18.000 ha rừng, dù không còn nguyên sinh hoàn toàn nhưng vẫn đa dạng hệ sinh thái động - thực vật với nhiều loại cây quý và hệ động vật phong phú. Khu rừng này cũng là nơi bổ sung nguồn nước cho sông Vàm Cỏ.

Thế cũng là may mắn, phải không em, nếu không, một căn cứ của hai cuộc chiến tranh giữ nước mãi mãi biến mất, và nơi ghi dấu tình yêu của chúng mình chỉ còn là ký ức.  Vẫn còn đây những cây gùi trái chua thanh, vẫn còn đây những chùm rùm đuôn chua ngọt chín đen vòm lá mà tôi thường hái cho em ăn, nhưng không thể tìm ra dấu tích căn cứ Bệnh viện Liên Cơ cũng như Báo Giải Phóng, dù chỉ một căn hầm chữ A, tất cả đã hòa vào hệ sinh thái của vườn quốc gia. Với đất nước, khu rừng văn hóa - lịch sử - môi trường này là vô giá, với chúng tôi và những người từng sống và chiến đấu ở nơi này, đó là những gì thiêng liêng nhất!

Một góc Di tích Căn cứ Chiến khu Đ.

3. Tôi lại chở em qua con đường mới mở nối Lò Gò - Xa Mát, nối Khu Di tích lịch sử Trung ương Cục, nối tận qua Lộc Ninh, nơi có trảng Tà Thiết là căn cứ Bộ chỉ huy Quân Giải phóng Miền Nam, nơi có căn nhà nửa chìm nửa nổi mà ngày 8-4-1975, Bộ Chính trị công bố nghị quyết về việc thành lập Bộ chỉ huy Giải phóng Sài Gòn - Gia Định và sau đó phổ biến bức điện của Tổng Bí thư Lê Duẩn đồng ý đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định thành Chiến dịch Hồ Chí Minh; rồi vòng qua chiến khu Đ, để thăm những khu rừng từng nuôi nấng, chở che tôi và em.

Lạ thay, khu rừng Lò Gò  - Xa Mát  liền khoảnh với khu rừng có di tích Căn cứ Trung ương Cục mà lại không được đưa vào Vườn Quốc gia, nhưng cũng thật may mắn, khu rừng 7.000 ha có tên là Rùm Đuôn - Đất Đỏ này chỉ mất những cây gỗ quý, còn gần như nguyên vẹn đặc trưng của rừng mưa nhiệt đới, để trở thành khu di tích lớn nhất, thiêng liêng nhất của cách mạng miền Nam.

Chiến khu Đ là một trong hai căn cứ quan trọng nhất ở miền Đông Nam Bộ, trải rộng từ triền rừng nối Nam Tây Nguyên và biên giới Campuchia xuống giáp Sài Gòn, Biên Hòa, Thủ Dầu Một. Với địa hình rừng rú hiểm trở, Chiến khu Đ trở thành mật khu, nơi trú giấu lực lượng kháng chiến, kho tàng, dự trữ vũ khí, lương thực và phát triển lực lượng cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Em hỏi tôi vì sao một chiến khu rộng lớn như vậy lại mang cái tên tắt có vẻ bí hiểm. Em ơi, Đ là mật danh, nhưng những ai từng sống và chiến đấu nơi này đều hiểu Chiến khu Đ đồng nghĩa với “đói”, “đau”, “đỏ”, chỉ sự thiếu thốn, bệnh tật và tinh thần xả thân vì nước của bao cán bộ, chiến sĩ. Trong cuộc kháng chiến lần thứ hai, cơ quan quan trọng nhất ở Chiến khu Đ là Khu ủy Miền Đông, thành lập năm 1960.

Ngày 23-1-1961, Trung ương Cục tổ chức thành lập long trọng tại suối Nhum - Mã Đà cũng thuộc chiến khu Đ, sau đó mới chuyển về Bắc Tây Ninh. Thời ấy, hơn nửa diện tích Đông Nam bộ là rừng già, nhưng không dễ tìm ra địa điểm trú đóng của Khu ủy Miền Đông, vì vừa phải thật bí mật, vừa tiện cho công tác chỉ đạo, chỉ huy cả mấy tỉnh. Cuối cùng, những trinh sát kỳ cựu của lực lượng Giải phóng đã chọn đồi 820, khoảng 28 ha (thuộc H. Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai bây giờ), nơi có con suối Linh chảy qua để xây dựng căn cứ, tồn tại cho đến ngày giải phóng, và bây giờ nó là khu di tích cấp quốc gia, ghi dấu những sự tích hào hùng của bao lớp người vì nước quên thân.

Em có nhớ con suối Linh có một loại cá kỳ lạ, gọi là cá tràu chó, hình thù giống cá lóc, con lớn nhất không quá ngón chân cái, mà chúng mình từng bắt trong các khe đá khô khốc giữa mùa khô năm nào? Lần này, nắng cuối tháng Tư gay gắt quá, em hãy ngồi trò chuyện với bảo vệ Di tích Căn cứ Chiến khu Đ, để tôi theo mấy anh kiểm lâm tìm cá tràu chó kho tiêu cho em được sống lại kỷ niệm thời chiến tranh. Phải là người quen sống với rừng miền Đông mới tìm ra cá tràu chó, bởi khi con suối Linh cạn hẳn cũng là lúc cao điểm mùa khô, loài cá này lóc qua bờ cao, lóc qua bụi rậm, có khi xa hàng cây số, để tìm bằng được những khe đá có chút hơi ẩm mà sống qua mùa khô khắc nghiệt, sống mà không ăn uống. Loài cá nhỏ bé mà dám sống như vậy, huống chi những người kháng chiến, như tôi, như em...

Phương Hà

(Miền Đông Nam Bộ, tháng 4-2015)