"Ông Bụt" trên đèo Hải Vân

Thứ hai, 09/11/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Không quản ngại nắng mưa, suốt 15 năm qua, ông luôn thường trực trên đỉnh đèo Hải Vân, chỉ cần nghe có người hư xe, gặp nạn..., ông sẽ lập tức có mặt ứng cứu. Ông thường được nhiều người dân nơi đây gọi một cách thân thương là ông Bụt giữa đời thường.

Ông Bừa bên chiếc xe và bộ dụng cụ sửa xe lưu động.

Giúp người chẳng hề kể công

Sinh ra trong một gia đình nông dân có 13 người con, từ nhỏ, cuộc sống của ông Nguyễn Bừa (sinh năm 1965, trú tổ 12, P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã nhiều cơ cực. Năm 1984, ông Bừa đi bộ đội tại chiến trường Campuchia, sau hơn 3 năm hoàn thành nghĩa vụ, ông xuất ngũ về quê hương lập gia đình. Bắt đầu từ đây, ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ đãi vàng cho đến đánh cá, câu mực... Năm 1999, sau trận lũ lịch sử, tàu đánh cá của ông và bạn bè gặp nạn, từ đó ông bỏ nghề đi biển. Do nhà nằm gần dưới chân đèo Hải Vân, từng thấy nhiều người bị hư xe phải dắt bộ cực nhọc từ trên đèo xuống, ông nghĩ đến việc làm thợ sửa xe lưu động để giúp người lỡ đường. Ông sắm sửa đồ nghề rồi tự mày mò, tập tành sửa xe. Đến khi thành thạo, ông bắt đầu "hành nghề" đi dọc khu vực đèo Hải Vân, gặp người hư xe thì ra tay cứu giúp. "Nhiều người bị hư xe dắt bộ tội lắm. Tui ở gần đèo nên biết, bây giờ thì có được 5 - 6 người, chứ hồi đó trên đây làm chi có ai sửa xe. Bị hư là dắt bộ cả mấy cây số nên tui mới làm nghề sửa xe lưu động, vừa có thu nhập, cũng vừa giúp đời" - ông Bừa tâm sự. Số điện thoại của ông được ghi trên các vách đá, ta-luy đường để tiện liên lạc. Bất kể nắng mưa, đêm ngày, cứ có người gọi là ông chạy tới liền.

Chọn một ngôi miếu có từ lâu đời trên đỉnh đèo làm nơi trú chân, tiện việc sửa xe, một tay ông đã sửa sang, xây dựng lại nơi đây, hằng ngày lo nhang khói, thờ cúng. Những ngày hè khô ráo, ông ở lại qua đêm trên ngôi miếu, thân quen đến mức cánh tài xế qua đèo ai cũng biết ông, cứ chạy ngang qua là lại vẫy tay cười chào. Khác hẳn với những màn "chặt chém" vẫn hay gặp khi sửa xe dọc đường, ông Bừa chỉ lấy 20.000 đồng một lỗ vá, dù đêm hay ngày, đường đèo heo hút, trắc trở, ông vẫn không lấy thêm tiền của khách. Có những khi phải qua bên kia đèo, xuôi tận về phía Lăng Cô, ông vẫn lóc cóc trên chiếc xe Dream cà tàng chở theo cái bơm xe và bao đồ nghề nhỏ gọn để kịp thời "ứng cứu". Thậm chí, có những người thồ cá từ Lăng Cô qua Đà Nẵng bị hư xe sáng sớm nhưng phải vội đi cho kịp chợ cá, ông sẵn sàng đổi xe của mình cho người ta đi rồi một mình ở lại sửa xe cho họ mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Nhiều người cảm kích trước tấm lòng của ông, gửi thêm tiền nhưng ông không nhận. "Có ngày tui sửa 1 - 2 xe, nhưng cũng có khi 2 - 3 ngày mới có 1 xe. Tiền công cũng chỉ đủ xăng xe nhưng tui không quan trọng chuyện đó, giúp được cho người ta thì lòng mình cũng thanh thản, nhẹ nhàng hơn".

Ông Bừa lo nhang khói ngôi miếu hằng ngày.

Nghèo tiền bạc nhưng giàu tình cảm

Đó là câu mà ông Bừa hay nhắc mỗi khi kể về những trường hợp mà ông từng giúp đỡ. Không chỉ sửa xe giúp người lỡ đường, ông còn hay phối hợp với các lực lượng chức năng cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra tai nạn giao thông trên đèo. Trên chiếc xe của ông, bên cạnh đồ nghề sửa xe còn có cả hộp dụng cụ y tế. Cách đây mấy tháng, đoạn đường trên đèo Hải Vân trong giai đoạn thi công sửa chữa nên khá nhiều người gặp nạn. Đợt đó, ông đã băng bó vết thương cho 7 trường hợp. Ngoài ra, ông còn giúp khiêng xe qua đường trong vụ sạt lở đường đèo nhiều năm trước; đứng ra khâm liệm cho những người xấu số chưa có thân nhân nhận mặt...

Kể về trường hợp để lại nhiều ấn tượng nhất, ông Bừa nhớ lại: "Trong đợt lễ Quốc khánh vừa rồi, giữa đêm có một thanh niên chạy gần tới chỗ tui (đỉnh đèo - PV) thì bị tai nạn. Nghe cánh tài xế báo lại, tui chạy tới sơ cứu vết thương rồi nhờ xe bồn chở cậu ấy về Phòng khám đa khoa Hòa Khánh cấp cứu. Phần tui dắt xe cậu ấy về chỗ của mình, tìm cách liên hệ với người nhà đến nhận. Sau này, khi khỏe mạnh, cậu có gọi điện hỏi thăm tui, cảm ơn rối rít. Nhận được những tình cảm như vậy với tui là đáng quý lắm rồi". Với những nghĩa cử cao đẹp của mình, ông Bừa nhận được nhiều bằng khen trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, được Ban tổ chức Chương trình Total hiệp sĩ giao thông trao tặng danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông".

Đi qua nửa cuộc đời, người đàn ông với nước da rám nắng và khuôn mặt hằn vết thời gian vẫn ngày đêm túc trực trên đỉnh đèo heo hút để kịp thời cứu giúp người lỡ đường gặp nạn. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn luôn nở nụ cười hồn hậu, một lòng với công việc mình đang làm. Mong rằng ông Bừa luôn khỏe mạnh để còn tiếp tục với nghề, làm bông hoa đẹp trên đỉnh đèo Hải Vân hùng vĩ...

Thảo Vy