Ông già Biển Hồ

Thứ tư, 06/01/2016 10:00

(Cadn.com.vn) - Giữa ngọn núi lửa đã tắt từ nghìn năm trước là hồ nước trong xanh đầy thơ mộng - Biển Hồ, nơi mà nhạc sĩ Nguyễn Cường ví “đôi mắt Pleiku – Biển Hồ đầy”. Ở đó có một ông cụ đã 75 tuổi với gần 25 năm lặng lẽ làm công việc cứu, vớt người đuối nước. Ông là Quách Trọng Hoan nhưng người dân địa phương thường gọi ông với cái tên Gia Rai thân thương Ơi IaNuêng–ông già Biển Hồ.

Ơi IaNuêng–ông Quách Trọng Hoan bên bờ Biển Hồ.

Ngôi nhà nhỏ của ông Hoan nằm ẩn mình bên hàng thông xanh, bên bờ Biển Hồ thơ mộng, cánh cổng nhỏ với dòng chữ trắng giản dị “Ai cần, gọi tôi!” và bên dưới là số điện thoại để khi ai cần ông cứu nạn có thể liên lạc.  Trong nhà không có gì quý giá hơn trừ một bộ đồ lặn. Trên bàn thờ là tấm ảnh của Bác Hồ và 4 câu thơ ông sáng tác vận vào đời ông:

“Tâm đi theo Phật, hồn theo Bác

Xa lánh công danh lánh nợ tình

Hết giặc lui về làm việc thiện

Sống đời thanh bạch thác oai linh”

Tiếp chúng tôi bên bộ bàn ghế cũ ngoài sân, dưới bóng cây hoa Hoàng hậu đang nở, ông cười hiền kể về đời mình, về những năm tháng gắn với Biển Hồ, gắn với cái nghiệp cứu người khỏi miệng Hà Bá...

Phóng viên trò chuyện cùng ông Quách Trọng Hoan.

Như bao đứa trẻ khác ở làng Liêm Trung (xã Xích Thổ, H. Nho Quan, Ninh Bình), cậu bé Quách Trọng Hoan sinh ra và lớn lên bên dòng sông Hoàng Long. Thế nên, từ nhỏ, cậu bé Hoan đã được mệnh danh là “rái cá” khi luôn thắng trong các cuộc thi bơi, lặn của đám bạn chăn trâu. “Bên kia dòng sông là cánh đồng Ới màu mỡ, thế nhưng đã nhiều người bỏ mạng vì chìm thuyền, dòng sông nước dữ. Cứ mỗi lần đắm thuyền là chết người nên gọi là cánh đồng Ới. Người ta ới cha, ới mẹ, ới con...”, ông kể. Năm 11 tuổi, khi đang cùng đám bạn nô đùa trên sông, nghe tiếng kêu rối rít, tiếng hét thất thanh giữa dòng sông, ở đó chiếc thuyền chở những người đi làm đồng về đang chìm dần. Trong lúc đám bạn đang hoảng hốt, chạy cuống cuồng về kêu người lớn, cậu bé Hoan đã xua con trâu đang chăn lao ra giữa dòng nước dữ. Sức vóc của cậu bé 11 tuổi chỉ kịp cứu 1 người chị gái 13 tuổi và 1 người bạn Đinh Quang Xuyến... còn lại hơn 10 người khác khi người trong làng chạy ra đã chìm trong dòng nước dữ còn cậu bé Hoan đang nằm ngất lịm đi vì mệt và lạnh... Ông kể về chuyện cứu người khỏi “miệng Hà Bá” đầu tiên như vậy.

Rồi ông tham gia kháng chiến. Và như có mối lương duyên, chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, trên đường tiến quân, chàng trai đất Bắc mang tâm hồn thơ đó đã mê mẩn khi nhìn thấy Biển Hồ đẹp lung linh dưới ánh bập bùng của pháo sáng địch. Tự nhủ lòng mình, nếu còn sống trở về sau ngày đất nước thống nhất sẽ vào đây lập nghiệp với cuộc sống thanh bần. Thế rồi, sau ngày giải phóng, chàng trai đó xung phong quay trở lại mảnh đất Gia Lai làm cán bộ định canh, định cư ở các làng bản. Những tưởng đã bình yên, đất Tây Nguyên lại “dậy sóng” khi các thế lực thù địch tiếp tục kích động người dân đồng bào DTTS hoạt động theo bọn phản động FULRO. Ông được phân công vào khu vực H. Ia Grai, H. Chư Păh (Gia Lai) làm công tác định canh, định cư và tham gia chống FULRO cùng lực lượng Công an. Để nắm tình hình, ông lên ngọn núi ở làng Bàng (xã Ia Mơ Nông, H. Chư Păh) trồng bắp, lúa rẫy như một người dân ở làng. “Trước đây ở núi có một con hổ thường xuyên ở đấy, sau đó nó bỏ đi thì mình lên đấy làm rẫy để ngụy trang nắm bắt tình hình hoạt động của FULRO”, ông kể. Cũng từ đó, ông cùng lực lượng Công an, bộ đội xác định được đối tượng cầm đầu bọn FULRO ở Tây Nguyên là Rơ Châm Loăk – kẻ được phong là trung tá FULRO. Và nhờ bám làng, bám dân ông đã thuyết phục được vợ của Loăk nhằm phối hợp... bắt giữ chồng mình. Từ đó, lần lượt các thành viên FULRO ở Tây Nguyên cũng ra đầu thú xin khoan hồng. Giờ đây, Loăk đã trở thành một tỷ phú cà-phê ngay trên chính quê hương mình và Loăk xin được làm bạn cùng ông. Kính nể trước việc làm của ông Quách Trọng Hoan, người dân làng Bàng trở về sau ngày, tháng yên bình đã đặt ngọn núi nơi ông từng ở là Chư Hoan (chư nghĩa là núi) như một sự tạc dạ ghi ơn.

Năm 1989, ông một mình ra làm nhà bên bờ Biển Hồ để căn nhà phố cho người vợ cùng các con ở. Ngày lại ngày, ông làm cái việc mà ai cũng bảo “khùng” khi lặng lẽ thu gom rác và xác các động vật chết, trôi nổi trên mặt hồ bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân TP Pleiku và cứu người gặp nạn... Dù Biển Hồ có diện tích mặt nước 250 ha nhưng ông Hoan thuộc như trong lòng bàn tay nơi nào nước sâu, chỗ nào vực thẳm, đá nhọn. Ông kể: “Từ ngày ra ở Biển Hồ, chứng kiến nhiều người chết đuối vì tai nạn, chết vì tự tử do đó tôi quyết định ở lại đây làm công việc từ thiện này”.

Những người dân chài quanh hồ, hình như ai cũng có số điện thoại của ông. Ông ghi số điện thoại ở cửa nhà với dòng chữ giản dị “Ai cần, gọi tôi”. Khi nhận được tin có người tìm cách quyên sinh hay tai nạn đuối nước ở Biển Hồ là ông tức tốc chạy bộ hoặc chèo thuyền đi cứu người. Đến nay, ông đã cứu sống 7 người khỏi bàn tay của thủy thần, vớt thi thể 79 người xấu số chết đuối. Mới đây, tháng 8-2015, đã gần cái tuổi 75, bất chấp nước sâu gần 20m, ông đã lặn vớt thi thể anh Phạm Bá Thành (1988, trú xã Ayun Hạ, H. Phú Thiện, Gia Lai) mắc kẹt dưới hang đá khi anh Thành lặn bắt cá chình. Dù trước đó, nhiều thợ lặn có tiếng trong vùng đã thử nhưng ai cũng đành bất lực.

Không những thế, ông chắt chiu những đồng tiền làm lụng vất vả có được để giúp đỡ bà con nghèo, đặc biệt là người dân ở các làng đồng bào DTTS quanh vùng hay đến dựng vợ gả chồng cho những đứa con mồ côi. Thế nên, đến giờ ông có đến 200 người ở trong tỉnh cho đến mọi miền cả nước xin nhận ông làm cha, làm anh, em kết nghĩa. Có người đã từng gặp mặt hay chỉ gặp qua điện thoại nhưng họ quý ông vì là ân nhân cứu giúp, vì kính phục đức độ, lòng nhân nghĩa và sự hi sinh vì cộng đồng của ông. Chính vì thế, người Gia Rai ở các làng đã trìu mến gọi ông là Ơi IaNuêng – Ông già Biển Hồ (Ơi trong tiếng Gia Rai nghĩa là Ông với sự kính trọng) và giờ đây ai cũng gọi ông bằng cái tên trìu mến, kính trọng đó!

Dù đã gần 75 tuổi nhưng hễ có người bị nạn ông lại lên đường, cứu giúp.

Ngôi đền Vạn Linh nằm ở góc vườn dưới bóng cây đa cổ thụ sát Biển Hồ được ông kêu gọi và bỏ tiền xây dựng nên... Cách đây hơn 10 năm, vụ đắm thuyền trên Biển Hồ làm chết 7 em học sinh đang học lớp 11. Ông đau quặn lòng khi lặn tìm thi thể từng cháu nhỏ, đêm đó ông đã khóc suốt đêm và đổ bệnh. Trong một đêm thức trắng, ông quyết định xây đền Vạn Linh để khuây khỏa nỗi đau cũng như làm nơi thờ cúng cho những người xấu số... Năm 2011, ông vinh dự được nhận giải thưởng Kova - một giải thưởng lớn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký.

Tháng 12-2012, Tổ cứu nạn, cứu hộ thuôc Phòng CS PCCC CA tỉnh Gia Lai được thành lập, và ông trở thành người thầy đầu tiên của tổ. “Mình càng lớn tuổi, sức không còn khỏe như thanh niên để lặn, để bơi cứu, vớt người bị nạn nữa. Mình truyền dạy kinh nghiệm cứu người bị nạn cho thế hệ sau như thỏa tâm niệm của đời mình”, ông tâm sự. Dù các con ông giờ đã yên bề gia thất, thành đạt, ngỏ ý mời ông về ở cùng để con, cháu phụng dưỡng nhưng ông từ chối và bảo chỉ muốn sống thanh thản một mình trong căn nhà nhỏ bên Biển Hồ thơ mộng.

Hoàng hôn buông sau những rặng thông xanh, Biển Hồ trở nên đẹp đến lộng lẫy. Và nơi đây còn đẹp hơn bởi một con người bình dị, lặng lẽ tỏa sáng giữa đời thường với nghĩa cử vì cộng đồng – Ơi IaNuêng.

Minh Tân