Ông Lợi ba-ri-e

Thứ năm, 10/10/2013 10:24

(Cadn.com.vn) - "Sống ở đây chứng kiến tai nạn vì tàu hỏa vô lí quá, có 3 người phải bỏ mạng vì con hẻm bên nhà tôi rồi thấy mà xót lắm. Vì thương người nên tôi giúp vậy thôi. Chứ có gì mà to tát đâu".

Cha mẹ mất sớm, ông Đặng Văn Lợi tự bươn chải, mưu sinh. Năm 1978, ông tham gia nghĩa vụ quân sự, tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia. Xuất ngũ trở, tất cả giấy tờ tùy thân đều bị cháy trong một vụ hỏa hoạn lớn, ông Lợi không được hưởng bất kỳ một khoản trợ cấp nào, sống cùng chị gái là bà Đặng Thị Bắc Phương. Nhưng rồi người chị cũng qua đời vì bệnh, ông sống một mình, không vợ không con và mưu sinh bằng nghề nhặt phế liệu.

Thức dậy từ lúc tờ mờ sáng, thế nhưng phải chờ đến lúc giờ cao điểm tàu đi qua hết ông mới tất bật trên những con đường, tuyến phố của Đà thành để mưu sinh, nhưng cũng là những lúc không có tàu  đi qua đoạn đường do ông tự “phụ trách”.

Điểm gác chắn tự phát của ông Lợi nằm tại con hẻm  nhỏ giáp ranh giữa tổ 18 và 19 khối Chơn Tâm, P. Hòa Khánh Nam. Hẻm rộng gần 3m, thông giữa QL1A (đường Tôn Đức Thắng) với đường sắt Bắc Nam, dẫn sâu vào khu vực đông người dân và sinh viên sinh sống, nơi ông ngồi canh tàu. Đây là con hẻm ám ảnh người dân và sinh viên, khi có chuyện phải đi tắt nhanh hơn. Cũng chính vì đi ngang về tắt, nên tại đây đã có hơn 15 vụ tai nạn thương tâm xảy ra. Trước tình hình trên, năm 2002, ngành chức năng xây dựng một đường gom chạy dọc theo đường tàu qua tổ 18, thông ra đường Nguyễn Khuyến - nơi có  trạm chắn tàu Hòa Mỹ tại Km 786 + 070 cách “ con hẻm tử thần” ông Lợi ngồi canh tàu khoảng 200 mét. Thế nhưng, vì nhiều lý do,  người dân vẫn băng qua “ba-ri-e” ông Lợi để ra QL1A. Chính vì vậy, ông Lợi vẫn phải bám trụ ở đây.


Hằng ngày, ông Lợi vẫn ngồi tại "con hẻm tử thần" để canh tàu
và Danh hiệu "Hiệp sĩ giao thông" ghi nhận đóng góp của ông Đặng Văn Lợi.

Nhiều người kể, công việc chắn tàu dường như đã ăn sâu trong tâm trí của ông Lợi. Nó trở thành một kỹ năng thực thụ: ông biết được chu kì của tàu đi qua, tai rất thính, dù đang làm bất cứ việc gì mà tàu đến là ông đều biết. Dù trời nắng hay mưa, người ta vẫn thấy ông lặng lẽ chờ tàu đến để nhắc nhở cho người dân qua lại.

Anh Trịnh Quốc Huấn, hàng xóm ông Lợi tâm sự: “Việc không công, không lương, nhưng ông Lợi ngồi ở con hẻm đó gần 30 năm nay rồi, ngồi ngoài trời. Vì sợ ông đau ốm nên nhiều người khuyên ông vào nhà nhưng không được vì ông nói đó là cái lộc trời ban cho riêng ông. Nhờ đó, ông đã cứu hàng chục người. Mới đây, có cô sinh viên mới nhập học có biết gì đâu, thấy đường đi là băng qua đường ray luôn, nhờ có ổng kêu giật ngược lại chứ không tàu mang đi rồi”.

Chứng kiến sự hy sinh cao cả của ông Lợi, hàng xóm vẫn thường thăm hỏi ông, mang chai nước, ổ bánh mì làm quà. Biết ông ham đọc và quý sách, sinh viên hay qua lại con hẻm này vẫn thường mang tặng ông lúc thì cuốn sách cũ, tờ báo.

Năm nay đã 57 tuổi, ông Lợi vẫn gắn bó với cái ba-ri-e tự lập. Tiếng gọi “tàu tới, tàu tới, quay lại mau, quay lại mau...” của ông vẫn vang lên mỗi khi cần.

Với những cống hiến tự nguyện ấy, năm 2012 ông Lợi được Chương trình Total “Hiệp sĩ giao thông” trao tặng danh hiệu “Hiệp sĩ giao thông”.

Bình Dương