Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (7)
» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (8)
* Kỳ 7: Với Cụm Điệp báo A10
» Ông Mười Hương, người đứng sau những huyền thoại (6)
Ký sự nhân vật
Ông TRẦN QUỐC HƯƠNG (Mười Hương) * Huân chương Sao Vàng * Huân chương Hồ Chí Minh * Huân chương Quân công hạng Nhất * Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. |
(Cadn.com.vn) - Lịch sử tình báo cách mạng Việt Nam đến nay vẫn còn nhiều điều bí ẩn. Một trong những bí ẩn đó là Cụm Điệp báo A10 do ông Mười Hương thành lập vào năm 1972, tức là giai đoạn cuối của cuộc chiến. Với những tư liệu đang dần hé lộ, có thể nói rằng, Cụm Điệp báo A10 chính là lá bài bí ẩn, lạ kỳ, trong ván bài cuối cùng của An ninh T4 với chính quyền Sài Gòn, có ảnh hưởng rất lớn đến tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tổng thống Dương Văn Minh theo những hướng khác nhau.
Khoảng 5 năm trở lại đây, chúng tôi có dịp tiếp cận những nhân vật cộm cán của Cụm Điệp báo A10, như các ông Mười Thắng (Luật sư Nguyễn Minh Trí), Ba Hoàng (thiếu tướng Huỳnh Huề, Anh hùng LLVTND, nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Bắc, nguyên Giám đốc CA tỉnh Đắc Lắc, nguyên Cục trưởng, Tổng cục An ninh 1 Bộ CA), Năm Quang (Bác sỹ Nguyễn Hữu Khánh Duy, nguyên Trung tá CAND, hiện là Giám đốc Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa, Q. Bình Thạnh, TPHCM), Ngô Văn Dũng (nguyên Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng), Lương Mạnh Dũng (nguyên Giám đốc Cty Điện lực khu vực 3, Đà Nẵng), Ba Vũ (Võ Vân, Phó Chánh văn phòng Sở GTVT TPHCM, cháu của nguyên Chủ tịch nước Võ Chí Công)... cũng chỉ mới có thể hình dung sơ lược về Cụm Điệp báo A10.
Chúng tôi cũng đã có dịp giới thiệu đến bạn đọc về Cụm Điệp báo qua gần 20 kỳ báo trong 3 loạt bài: "A10 - Những người "xúi" Dương Văn Minh ngừng bắn", "Người Quảng ở dinh Độc lập" và "Chuyên viên đặc nhiệm". Tuy nhiên, đó mới chỉ là những thông tin còn hết sức sơ sài, bởi lẽ mới chỉ đề cập qua chủ yếu đóng góp của một số người trong số hàng chục thành viên của Cụm điệp báo rất đặc biệt này.
Ông Mười Thắng nói: Nhiệm vụ chính của Cụm A10 là xây dựng lực lượng điệp báo bí mật, tổ chức thu thập và báo cáo kịp thời các tin tức tình hình, ý đồ tổ chức của địch phục vụ công tác phản gián, tình báo chiến lược kết hợp xây dựng các "lõm chính trị" phục vụ yêu cầu của cách mạng, góp phần làm tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo phong trào ở đô thị, tấn công chính trị nhằm vào các giới ở Sài Gòn; đặc biệt là nhóm Dương Văn Minh và gây ảnh hưởng đối với các nhân vật chính trị có khả năng là con bài của Mỹ, chi phối một vài tờ báo đối lập. Nói thì dài dòng, nhưng trọng tâm là làm sao tác động để Dương Văn Minh lật đổ Nguyễn Văn Thiệu rồi sau đó chi phối hoạt động của ông ta để có lợi cho cách mạng.
|
Ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM (bìa trái) và một số thành viên Cụm Điệp báo A10 tại lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND của lõm chính trị Bảy Hiền. Lõm chính trị Bảy Hiền do ông Võ Vân phụ trách từ 1973 - 1975 (từ phải qua trái, các ông: Mười Thắng, Năm Quang, Võ Vân). |
Thực hiện nhiệm vụ trên, Cụm A10 đã xây dựng được 39 cơ sở bí mật đi sâu nắm tình hình trong các cơ quan quan trọng của địch như Nha Kỹ thuật, Tổng cục Tiếp vận (Bộ Tổng Tham mưu), Văn phòng Phó Thủ tướng, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu, Cơ quan Nha Cảnh sát đô thành, Đài Phát tin Mẹ Việt Nam (do CIA chỉ đạo)... Trong quá trình hoạt động, A10 đã tổ chức đưa cán bộ điệp báo nắm vai trò Giám đốc kỹ thuật tờ Điện Tín (đây là tờ báo thân Dương Văn Minh và đối lập với Nguyễn Văn Thiệu), chi phối tờ Đại Dân tộc, bản tin nội bộ của nhóm Dương Văn Minh, Ban tham mưu lực lượng Luật sư tranh đấu, làm Thư ký Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế...
Trong số 39 thành viên thì Huỳnh Bá Thành (họa sỹ Ớt, cố Tổng Biên tập Báo Công an TPHCM) được xem là người có đóng góp đặc biệt quan trọng. Ông Mười Thắng kể: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo và Cụm A10, trong khoảng thời gian 1973 - 1975, anh Huỳnh Bá Thành đã lập nhiều thành tích xuất sắc. Đáng kể nhất là anh đã xây dựng, khai thác nhiều đầu mối quan hệ có lợi trong nhóm lực lượng thứ ba như dân biểu Phan Xuân Huy (con rể Dương Văn Minh), kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, dân biểu Lý Quý Chung (sau này là Tổng trưởng thông tin của chính phủ Dương Văn Minh), Hồ Ngọc Nhuận (chủ bút Báo Tin Sáng), Giáo sư Lý Chánh Trung... Thông qua các mối quan hệ này, A10, mà trực tiếp là anh Huỳnh Bá Thành, từng bước tác động nhóm Dương Văn Minh, góp phần trong việc 18 đoàn thể ra tuyên cáo chống Thiệu.
Khoảng từ năm 1973, để chia rẽ quần chúng, Nguyễn Văn Thiệu cho thành lập vài ba tổ chức nhằm thu hút quần chúng đánh lạc dư luận đang chĩa vào mình. A10 nắm tình hình các tổ chức này, chỉ đạo anh Huỳnh Bá Thành dùng ngòi bút đưa lên Báo Điện Tín hình ảnh hàng loạt các nhân vật trong chính trường chế độ cũ dưới dạng "ký sự nhân vật", vừa vạch mặt số tay sai trung thành với Mỹ - ngụy, vừa lôi kéo số lưng chừng, góp phần phân hóa nội bộ kẻ địch, tạo thế đấu tranh của phong trào đô thị, tập hợp rộng rãi lực lượng chống Thiệu.
Ngày 22-9-1974, Mỹ - Thiệu vạch ra "Kế hoạch Sao chổi" với nội dung đưa ra các biện pháp đàn áp các phong trào dân chủ yêu nước, báo chí tiến bộ... Huỳnh Bá Thành thông qua cơ sở bí mật lấy được bản kế hoạch này từ thiếu tá cảnh sát đặc biệt Trần Đình Bình. Theo chỉ đạo của A10, anh Huỳnh Bá Thành đã đưa nguyên văn kế hoạch này trên tờ Điện Tín số ra ngày 1-10-1974, gây ra làn sóng căm phẫn trong công luận và quần chúng khiến chính quyền Thiệu bị lúng túng và bẽ mặt.
“Làm sao mà một đám học trò Quảng Nam - Đà Nẵng biến thành điệp viên hết vậy?” - MỘT BẠN ĐỌC LỚN TUỔI. |
Về việc Huỳnh Bá Thành tác động để Dương Văn Minh ngừng bắn, ông Mười Thắng có chép trong một tài liệu, xin lược trích dẫn: Từ việc chọn xây dựng Cụm A10 chuyên trách nhóm Dương Văn Minh, bố trí anh Huỳnh Bá Thành vào ở dinh Hoa Lan, tiếp cận như bà con thân tín trong nhà chứ không phải như các chính khách, đến việc tổ chức liên lạc truyền đạt từ căn cứ, thậm chí đưa anh Thành ra căn cứ vào cuối tháng 2-1975 để gặp đồng chí Mai Chí Thọ và đồng chí Lê Thanh Vân và tiếp thu chỉ thị của đồng chí Trần Quốc Hương (Trưởng ban An ninh T4) phải làm gì trong cuộc Tổng tiến công 1975. Tất cả một chuỗi dài sự kiện chứng minh đây là một hành động có tổ chức, có kế hoạch phối hợp chu đáo nhịp nhàng, có tính toán tỉ mỉ.
Sau nữa, việc tác động để ông Dương Văn Minh ra quyết định ngưng bắn không chỉ đơn thuần và duy nhất là nói với ông Dương Văn Minh mà chủ yếu và căn bản là tác động có tổ chức và hệ thống lên toàn bộ các nhân vật trong nội các của Minh. Đó không phải là hành vi riêng lẽ của anh Thành mà đồng bộ của toàn bộ các lực lượng bí mật của cách mạng, trong đó có Cụm A10 xung quanh ông Minh và các nhân vật chính trị tôn giáo. Chung quanh Minh vào chiều 28-4-1975 đến tối 29-4-1975 là những nhân vật chủ hòa hoặc có liên hệ ít nhiều với cách mạng. Tuy nhiên, vào chiều 29-4-1975 - 24 giờ sau cuộc dội bom của Nguyễn Thành Trung, người trực tiếp nói rõ tình thế cuối cùng và yêu cầu Dương Văn Minh tiến hành đầu hàng - chính là Huỳnh Bá Thành. Anh Thành xứng đáng là tiêu biểu và đại diện cho những cán bộ, chiến sĩ an ninh thực hiện nhiệm vụ anh hùng này.
Nguyễn Lê
(còn nữa)